PDA

View Full Version : Khiêu Vũ như thế nào



haiduongdancesport
18-10-2009, 10:25 PM
Khiêu Vũ như thế nào

on: 27-09-2002, 00:19:52

Khiêu vũ như thế nào Học khiêu vũ là một quá trình lâu dài của nhận thức và thực tiễn, lại nhận thức, lại thực tiễn ..., có thể nói là suốt đời. Học Khiêu vũ không đơn thuần là học các kỹ thuật, các bước nhảy mà cần đầu tư công sức thích đáng nếu không nói là nhiêu hơn cho những vấn đề thuộc về nhận thức. Trong bài trước tôi đã nêu lên bản chất của khiêu vũ là dùng những động tác của cơ thể để cảm thụ âm nhạc. Đó là cơ sở, là tiền đề để tôi viết nên bài này, nhằm nêu lên những gì cần làm và không nên làm trong quá trình học khiêu vũ và khiêu vũ.

1) Khi khiêu vũ , điều mà ta nghĩ đến trước tiên là âm nhạc: Bởi vì âm nhạc là xuất phát điểm của khiêu vũ. Người có tật khiếm thính thì không thể khiêu vũ. Yêu cầu đầu tiên của khiêu vũ là nhảy đúng tiết tấu của nhạc. Theo Dan Radler, một chuyên gia khiêu vũ của ISTD, thì trong một cuộc thi khiêu vũ, ban giám khảo sẽ loại ngay cặp nhảy nào nhảy không khớp nhạc cho dù các mặt khác của họ có ưu việt đến đâu chăng nữa. Muốn nhảy đúng nhạc ta phải nghe cho được đâu là phách 1 của mỗi nhịp trong bản nhạc. Điều này đòi hỏi người khiêu vũ phải có sự tập luyện. Tuy nhiên khi khiêu vũ nghe nhạc không phải chỉ đơn thuần là để giữ nhịp, mà điều quan trọng hơn và khó hơn là lắng nghe để cảm nhận được những gì mà bản nhạc muốn nói vói ta. Âm nhạc mới là yếu tố kết nối (connection) quan trọng nhất trong cặp nhảy. Âm nhạc là môi trường để cặp nhảy tan biến vào trong đó và hoà quyện với nhau, cùng nhau đi đến những hứng khởi tuyệt vời nhất..

2) Học nghe nhạc trước, học các bước nhảy sau : Người học khiêu vũ cần có một số kiến thức tối thiểu về âm nhạc. Trước hết là những hiểu biết về nhịp, phách. Cần luyện tập nghe nhạc để nhận ra đâu là phách mạnh, đâu là phách yếu và đâu là phách 1 của mỗi nhịp. Đối với những bản nhạc nhịp 2/4 và ¾, vấn đề này không khó lắm.Nhưng với những bản nhạc nhịp 4/4 thì khó hơn.Lúc đầu hãy nghe những bản nhac quen thuộc rồi nhờ người có kinh nghiệm chỉ cho đâu là phách 1, dần dần sẽ làm quen với những bản nhạc khác. Khi việc nhận biết phách 1 đã trở thành bản năng, thì chuyển sang chú ý đến mầu sắc và giai điệu của bản nhạc. Ở mức độ thấp, khi dùng một bản nhạc có lời để khiêu vũ, ta hãy lắng nghe kỹ lời của bài hát và đồng cảm với nội dung của bài hát. Vừa nhảy, Van chẳng hạn, vừa hát nhiều khi rất tuyệt vời. Cao hơn một chút, ta cần phân tích được cấu trúc (thuật ngữ âm nhạc gọi là khúc thức) của bản nhạc. Một bản nhạc cũng giống như một bài thơ, được chia thành câu, thành đoạn, thành chương... Nhạc khiêu vũ thưòng có cấu trúc rất cân đối, mỗi câu gồm 4 ô nhịp, 4 câu làm thành một đoạn gồm 16 ô nhịp v.v..Dựa vào cấu truc đó người ta soạn ra các tổ hợp bước (combination) hoặc bài nhảy (choreography, routine). Bạn hãy chọn một bản nhạc khiêu vũ điển hình mà bạn đã rất quen thuộc, chăm chú nghe và phát hiện khúc thức của nó. Sau đó bạn nhảy với bản nhạc đó. Tôi tin rằng bạn sẽ thấy hứng thú hơn.

3) Luyện tập khiêu vũ phải có nhạc : Khi mới học một bước nhảy lúc đầu có thể chỉ đếm, nhưng phải nhanh chóng chuyển sang tập theo nhạc. Vì hai lẽ. Thứ nhất ta đếm có thể không đều và không đúng tempo. Khi gặp những bước khó có thể bị co dãn nhịp đếm. Cho dù ta có một máy đánh nhịp (Métronome) thì chỉ tập khiêu vũ theo đếm cũng chưa đủ. Ngay từ khi còn tập theo đếm ta đã phải nhận định cho đúng sự tương ứng giữa các bước trong bước nhảy với các phách mạnh nhẹ trong nhạc và chuyển cho được tính chất mạnh nhẹ đó vào trong mỗi bước. Nên biết rằng chính yếu tố mạnh nhẹ trong nhạc giúp cho động tác của ta được nhịp nhàng. Thứ hai và quan trọng hơn, tập nhảy theo nhạc là để cho nhạc thấm vào từng động tác của bước nhảy. Muốn thế mỗi bước nhảy cần tập cho thật thành thục, tới khi ta thực hiện nó hoàn toàn thoải mái, hơn nữa, dễ dàng như ta thở vậy. Khi đó bước nhảy trở thành một công cụ để ta lĩnh hội âm nhạc. Cần tập một bước nhảy với nhiều bản nhạc khác nhau. Cần chọn những bản nhạc có tempo chuẩn (strict tempo). Nhạc nhanh quá hoặc chậm quá đều không có lợi. Tác giả của cuốn Ballroom Dancing ( Teach Youself Books), bà Peggy Spencer, thật rất sâu sắc và rất sư phạm khi đề nghị rằng khi học một điệu nhảy ta chỉ nên học một vài bước nhảy cơ bản rồi dùng những bước nhảy đó để nghe và hiểu nhạc. Tôi cho ràng đó là bí quyết để học khiêu vũ thành công.

4) Chỉ khiêu vũ với những bước nhảy mình đã thành thục: Điều đó giúp cho bạn và bạn nhảy của bạn tận hưởng sự thích thú của khiêu vũ. Cố gắng nhảy những bước mà mình chưa nắm chắc sẽ phá vỡ sự hài hoà, sự ăn ý sự đồng điệu trong đôi bạn nhảy, tức là thủ tiêu mục đích của khiêu vũ. Hơn nữa, cố gắng đi những bước lạ, bước khó sẽ cản trở các đôi nhảy khác nhất là khi sàn nhảy đông người. Mọi người đến sàn nhảy là để được tất cả cùng vui vẻ. Đừng làm gì trái với mục tiêu đó. Sự hứng thú của khiêu vũ không cần đến nhiều bước nhảy. Trên sàn nhảy Disco chỉ có rất ít bước nhảy vậy mà sao mọi người có thể nhảy thâu đêm suốt sáng. Bởi vì khiêu vũ là nghe nhạc.Cho nên hãy sử dụng mỗi bước nhảy đã được thành thụcđể cảm thụ âm nhạc.

5) Hãy khiêu vũ với trình độ của người kém hơn trong đôi nhảy : Khiêu vũ là một cuộc trò chuyện. Nó chỉ hứng thú khi cả hai người cùng hiểu và thích câu chuyện. Khi chuyện trò không nên nói tát cả những kiến thức của mình mà chỉ nói những điều mà người đối thoại có thể hiểu. Một ông tiến sĩ triết học nói chuyện với một người có trinh độ phổ thông mà lại cứ thao thao bất tuyệt những phạm trù này, khái niệm nọ, những biện chứng với siêu hình thì chắc chắn cuộc nói chuyện sẽ tẻ ngắt. Nếu áp đặt bạn nhảy của mình đi những bước nhảy mà họ chưa biết hoặc chưa thành thục sẽ thủ tiêu sự hài hoà, sự đồng điệu trong đôi nhảy , bài nhảy sẽ mất hứng thú.

(Còn nữa...)

vo danh

haiduongdancesport
18-10-2009, 10:25 PM
Khiêu vũ như thế nào (Phần 2 - kết) Khiêu vũ như thế nào ( Tiếp theo và hết)

6) Xác định rõ vai trò trong đôi nhảy: Khi khiêu vũ đôi nhảy là một dàn nhạc nhỏ, dù là một đôi song tấu cũng cần có một người chỉ huy. Cần xác định rõ ràng ai là người dẫn, ai là người theo. Người dẫn cần chủ động, người theo cần tuyệt đối phục tòng. Khiêu vũ phải có dẫn, có theo, có kẻ tung, người hứng thì mới có hứng thú. Tôi rất thường thấy những đôi nhảy luôn luôn nhảy Rumba, Cha Cha ... với một bài nhảy nhất định. Họ “hợp “ nhau đến nỗi mạnh ai nấy nhảy mà rất “khớp’ nhau ! Nó giông như hai người đóng chung một đoạn kịch mà lời thoại đã thuộc kỹ và họ cứ theo thứ tự đọc như máy. Nếu cứ tập nhảy và nhảy mãi theo một tổ hợp nhất định sẽ dẫn đến thủ tiêu dẫn và theo. Và khi đó thì còn gì là hứng thú nữa. Khiêu vũ đòi hỏi phải có một sự thách đố nhất định trong đôi bạn nhảy (nhưng không căng thẳng). Người đẫn đừng coi người theo như một thứ đồ vật để tha hồ cho mình quăng quật.Dẫn và theo là trò chuyện chỉ cần nói chứ không nên la hét, tốt nhất chỉ nên ...thầm thì.

Thêm nữa, trong đôi nhảy thì nữ là bức tranh lộng lẫy mà nam là cái khung gỗ khiêm tốn để làm tôn nổi bức tranh đó. Nữ là bông hoa rực rỡ muôn mầu còn nam chỉ là chiếc bình men gốm trầm mặc.

7) Đồng bộ trong đôi nhảy: Một yêu cầu rất cao trong khiêu vũ là đôi bạn nhảy phải thật sự trở thành một cá thể duy nhất. Mỗi người trong đôi nhảy phải cảm thấy là một bộ phận kéo dài của người kia. Dù trong thế đóng (close position) của một bước nhảy ballrroom hay trong thế mở (open position) của một bước nhảy Latinh thì đôi nhảy cũng cần phải tạo ra một khối tâm chung, sao cho mỗi động tác của người này đều lan toả đến người kia. Bạn hãy thử đứng thành đôi trong một tư thế đúng (cần có người hướng dẫn) và luôn duy trì trong cơ thể một sức căng nhất định, đừng bao giờ mềm nhũn như bún. Tiến hành vài bước nhảy (tất nhiên là phải có nhạc) đơn giản nhất của điệu Van (hoặc Boston) và đặc biệt chú trọng để khung người của cả đôi không bị xộc xệch và di chuyển sao cho hai người như một. Bạn sẽ thấy cảm giác khiêu vũ xuất hiện và bạn sẽ thấy khiêu vũ thật là ...Ôi mê ly!

8) Đừng múa may, đừng uốn éo: Trong bất cứ điệu nhảy nào cơ thể thường xuyên được giữ trong tư thế thẳng đứng và di chuyển trong sự cân bằng. Đừng uốn éo, lắc lư tuỳ tiện. Động tác của tay, đặc biệt là trong những điệu nhảy La tinh, phải là kết quả của chuyển động của thân. Bất cứ động tác múa may tuỳ tiện nào của tay cũng sẽ trở thành giả tạo, có hại cho khiêu vũ (dễ nhận thấy điều này trong các đôi nhảy Rumba trên sàn nhảy). Trong nhảy múa người ta dùng động tác của đôi tay để diễn tả một cái gì đó (mây bay, nước chảy, sóng lúa rập rờn. hay những ngây ngất của tình yêu....). Trong khiêu vũ không có chuyện đó. Động tác của đôi tay chỉ là sự phối hợp với cơ thể để tạo ra sự cân bằng trong chuyển động.

9) Loại khỏi đầu óc ý nghĩ biểu diễn trong khi khiêu vũ: Khiêu vũ là hoà đồng với bạn nhảy để cùng nghe nhạc.Hãy dồn hết tâm trí cho việc kết hợp mình vói bạn nhảy của mình thành một cá thể thống nhất để mà nhảy tức là để cảm thụ âm nhạc, để tận hưởng những cảm xúc mang tính thẩm mỹ. Mọi ý đồ biểu diễn, khoe tài khi khiêu vũ đều là ngớ ngẩn, nó sẽ phá vỡ mục tiêu đích thực của khiêu vũ, làm hỏng không khí hoà đồng của sàn nhảy. Khiêu vũ là nghệ thuật hướng nội chứ không phải là nghệ thuật trinh diễn. Ngay cả trong khiêu vũ đỉnh cao là khiêu vũ thi đấu các chuyên gia cũng khuyên các đôi nhảy hay quên đi việc thi đấu tức là quên đi việc trình diễn, mà tập trung vào cảm nhận bước nhảy của mình.

10) Cảm nhận nhiều hơn và suy nghĩ ít hơn: Khi khiêu vũ đừng nghĩ nhiều đến việc nhảy, đến kỹ thuật nhảy mà cần chú ý nhiều hơn đến lắng nghe, đến cảm nhận những gì diễn biến trong cơ thể. Bất kỳ một kỹ thuật nào trong khiêu vũ cũng nhằm phục vụ cho mục đích cuối cùng là cảm nhận âm nhạc. Ai cũng biết trong điệu nhảy Van, Dâng & Hạ (Rise & Fall) là kỹ thuật chủ yếu, không có nó , Van không còn là Van nữa. Nhưng Dâng & Hạ trong Van không phải là kỹ thuật đơn thuần, không phải là cái mà chủ quan những người sáng tạo ra điệu nhảy Van áp đặt cho nó. Nguồn gốc của Dâng & Hạ là nhu cầu cảm thụ nhạc Van với tiết tấu “Bùm Chát Chát”. Tiến sĩ Ali Max, người viết những lá thư khiêu vũ rất thú vị trên Web site Dance Plaza.com, thật chí lý khi đại ý nói rằng ông không hiểu do yêu cầu cảm thụ âm nhạc mà người ta phải Dâng & Hạ (khi nhảy Van) hay do chính bản thân nhạc Van đã khiến người ta phải Dâng & Hạ, vấn đề cũng giống như không biết gà có trước trứng hay trứng có trước gà. Bài viết của tôi khơi gợi đến rất nhiều vấn đề. Đó chỉ là những trải nghiệm của cá nhân tôi trong quá trình tham gia và tìm hiểu khiêu vũ, không phải là khuôn vàng thước ngọc mà chắc chắn có rất nhiều diểm cần tranh cãi. Mong sự tham gia đông đảo của bạn đọc. Đẻ kết thúc bài viết xin dẫn một câu nói tuyệt vời của một tác giả vô danh : The Feet May Learn the Steps...But Only the Spirit Can Dance!!!

Vo Danh