Trang 13 của 28 Đầu tiênĐầu tiên ... 3111213141523 ... CuốiCuối
Kết quả 121 đến 130 của 277

Chủ đề: BÊN LỀ CUỘC SỐNG - st những câu truyện hay

  1. #121
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Chìa khóa hạnh phúc


    Tác giả chuyên mục nổi tiếng Sydney Harries và một người bạn dừng chân mua báo ở một quầy bán báo, người bạn mua xong rất lịch sự nói lời “cám ơn” nhưng người chủ quầy báo thì ngược lại, mặt lạnh như tiền một tiếng cũng không mở miệng.



    Hai người rời quầy báo tiếp tục đi về phía trước, Sydney Harries hỏi “ông chủ đó thái độ kỳ quáy quá phải không”?



    Anh bạn nói “cứ mỗi buổi tối là anh ta đều như vậy cả”.



    Sydney Harries lại hỏi tiếp “như vậy, tại sao bạn lại đối xử tử tế với ông ta chứ”?



    Người bạn trả lời: “tại sao tôi để ông ta quyết định hành vi của tôi chứ”?



    Một người biết nắm chắt chìa khóa niềm vui của mình, thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Trong tâm của mỗi người đều có “chìa khóa của niềm vui”, nhưng chúng ta lại không biết nắm giữ mà đem giao cho người khác quản lí.



    Một người phụ nữ thường than phiền trách móc : “tôi sống rất buồn khổ, vì chồng tôi thường vắng nhà!”, cô ta đã đem chìa khóa niềm vui của mình đặt vào tay chồng.



    Một người mẹ khác thì nói “con trai tôi không biết nghe lời, làm cho tôi thường xuyên nổi giận!”, bà đã trao chìa khóa vui của mình vào tay con trai.



    Một vị trung niên của một công ty thở dài nói “ công ty không thăng chức cho tôi, làm tinh thần tôi giảm sút,...!” anh ta lại đem chìa khóa niềm vui của cuộc đời mình nhét vào tay ông chủ.



    Bà cụ kia than thở “con dâu tôi không hiếu thuận, cuộc đời tôi sao mà khổ!”.



    Một thanh niên trẻ từ tiệm sách bước ra la lên “thái độ phục vụ của ông chủ đó thật đáng ghét, ...”



    Những người này đều có một quyết định giống nhau, đó là để người khác đến khống chế tâm tình của mình. Lúc chúng ta cho phép ngừơi khác điều khiển và khống chế tinh thần chúng ta, chúng ta có cảm giác như mình là người bị hại, đối với tình huống hiện tại không có phương pháp nào khác nên trách móc và căm giận trở thành chọn lựa duy nhất của chúng ta.



    Chúng ta bắt đầu trách móc người khác đồng thời chúng ta cũng truyền tải một yêu cầu là “tôi khổ như vậy là do anh/ chị/con ...và anh/ chị/con... phải chịu trách nhiệm về nổi khổ này”! Lúc đó chúng ta đem trách nhiệm trọng đại phó thác cho những người xung quanh và yêu cầu họ làm cho chúng ta vui. Chúng ta dường như thừa nhận mình không có khả năng tự chủ lấy mình, mà chỉ có thể nhờ người nào đó xếp đặt và chi phối mình. Những người như thế làm người khác không muốn tiếp cận, nhưng nhìn mà thấy sợ.



    Nhưng, một người biết nắm chắt chìa khóa niềm vui của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Tinh thần người đó ổn định, biết chịu trách nhiệm về chính mình không đỗ lổi cho người khác; biết làm chủ cảm xúc và biết tạo cũng như giữ được niềm vui cho chính mình ,như thế thì trong cuộc sống và công việc hằng ngày người đó sẽ thảnh thơi vui vẻ không bị áp lực từ người khác.



    Chìa khóa của bạn ở đâu rồi? Ðang nằm trong tay người khác phải không? Hãy nhanh lên mà lấy lại bạn nhé!!!

  2. #122
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Con sợ…


    Tháng bảy con cài hoa hồng trên ngực. Sáng rực đời con vì con còn có mẹ. Sáng đi làm có bóng mẹ theo sau. Chiều về có mẹ ngồi tựa cửa mở cánh cổng cho con vào nhà tránh hạt mưa đuổi phía sau. Có ai hạnh phúc hơn con ?

    Con bé nhỏ nằm trong lòng mẹ nghe câu hát ru mượt mà thì mẹ lo lắng sao con bú ít, có đói không con? Ruột mẹ đói cồn cào mà mẹ lại vạch vú cho con bú thêm chút nữa cho con ngủ yên giấc. Nằm trong mẹ con đưa tay với sờ cằm mẹ, mũi mẹ và mẹ nắm tay hôn: tay thơm của mẹ. Mẹ đã hôn mười tám bàn tay bé xíu như thế. Mẹ kéo chân con nho nhỏ như những trái bắp non mà hôn. Con vừa bú vừa cười mà không chịu ngủ. Chín đứa mẹ yêu thương như thế mà tình mẹ vẫn nồng ấm. Khi con ốm mẹ suốt đêm không ngủ gục đầu vào vai ba con mà mẹ khóc. Con vướng bao nhiêu bệnh tật thì nước mắt mẹ chảy bấy nhiêu. Ơn mẹ làm sao con đền?

    Dáng mẹ tất bật từ sáng đến tối để con thong thả đến trường. Con ê a con chữ trên trường lớp cao đẹp thì mẹ nguệch ngoạc hàng chữ ghi sổ mua bán. Khi con học với những đống sách cao dày thì mẹ xót xa: Học hết chừng này hả con? Ít thôi không vỡ đầu ra đấy con! Mẹ đừng lo. Mấy quyển sách này mỏng thôi mà mẹ. Con học chưa đến đâu đâu. Hôm sau mẹ mua bí đỏ cho con ăn để con học cho mau nhớ! Ôi mẹ của con! Con thương mẹ lắm.

    Bàn tay chai sần mẹ làm lụng từ sáng đến tối để tay con thon dài đẹp đẽ. Chân mẹ đi dép nhựa để gót son của con được bọc trong giày nhung. Mẹ ngồi nhìn đàn con như bướm bay lượn của mùa xuân. Đứa cao đứa thấp, đứa mập, đứa gầy, tiếng cười đùa vui biết bao nhiêu. Mẹ ngồi may từng cánh bướm mỏng có bao màu sắc cho bằng người ta. Da con tươi mỏng bao nhiêu da mẹ sạm nắng bấy nhiêu. Chân con cao bao nhiêu thì lưng mẹ gù bấy nhiêu. Tóc con xanh mượt thì tóc mẹ bạc trắng. Con nói với mẹ con nhớ ơn nhiều lắm. Mẹ chỉ cười: Mẹ chỉ là triệu triệu người mẹ khác thôi!

    Áo con càng trắng bóng đẹp đẽ bao nhiêu thì áo mẹ bạc màu bấy nhiêu. Con thướt tha với dáng thiếu nữ đẹp nhất xóm thì mẹ vẫn úi xùi buôn bán ở chợ. Chúng con là những chàng thanh niên cao lớn phụ giúp mẹ dọn hàng thì mẹ bảo con hãy để mẹ làm. Học trò nó đứng đằng kia…Về đi con. Mẹ làm được mà…

    Ngày con đi làm lĩnh lương tháng đầu tiên con mua bột về làm bánh xèo đãi cả nhà. Mẹ cắn miếng bánh mà mắt long lanh nước mắt.

    Mẹ nhỏ bé, khiêm nhường đứng bên con trai, con gái mẹ. Các con mẹ to lớn cả vóc dáng và tâm hồn. Con mẹ là nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ mà mẹ vẫn là mẹ thôi. Nhưng trong mắt mẹ ánh sáng đẹp tuyệt vời có ai thấy được.

    Ngày mẹ gả đứa con gái đầu tiên về vùng quê mà lòng mẹ xót xa. Mẹ dặn dò đàng trai cho con gái mẹ đi dạy vì nó chưa hề làm ruộng bao giờ. Mẹ nhắn nhủ đàng trai con gái mẹ còn nhỏ dại chưa hiểu sự đời nên trong cuộc sống có sơ xuất xin gia đình chỉ bảo như con gái trong gia đình…Mẹ lo lắng nhìn bước chân con bước theo chồng. Đưa con về nhà chồng, mẹ ra về không mang theo con về. Mắt Mẹ rơm rớm nước …Thôi con mình thành con người rồi. Mẹ chúc con hạnh phúc.

    Mẹ về nhà với muôn vàn lo lắng những ngày con làm dâu. Sau ngày tân hôn con gái về nhà Mẹ. Mẹ lại rủ rỉ dạy con cách làm vợ…Trình độ đại học sao mà khờ thế, Mẹ than. Chỉ vài câu thôi mà cả đời con hạnh phúc. Ngày con có thai Mẹ lại rù rì với con.

    Khi mẹ có đứa cháu đầu tiên mẹ vui ghê lắm. Con gái mẹ trưởng thành về mọi mặt. Mẹ bồng mẹ bế, mẹ nựng…nhiều năm mẹ mới bế cháu nhỏ. Thế rồi một cháu, hai cháu, ba cháu…Mẹ nuôi cả đàn…

    Hôm qua con đi chùa cùng mẹ. Mẹ lạy Phật và đứng lên không được. Mọi người lạy 3 lạy mà mẹ chỉ lạy được một thôi. Con chỉ kêu nhỏ: Mẹ! (con hiểu mẹ của con nên con ghé vào tai mẹ thì thầm) …con ...con….lạy giùm mẹ. Mẹ ngồi đó đi…

    Mẹ của con, con biết làm gì bây giờ hả mẹ khi chưa quá trễ… Mẹ có nhiều con và bao cháu nhưng con biết làm sao níu lại thời gian…

    Mẹ ơi! Con sợ…

    Con sợ hạnh phúc này phải tan.

    Con sợ tình ấm sẽ tàn.

    Con sợ nụ hoa hồng rồi sẽ rụng…

  3. #123
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Bí quyết 90/10




    Bí quyết 90/10 là gì?

    10% cuộc đời là những gì xảy đến đối với bạn, 90% cuộc đời là do những phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy ra.

    Thế nghĩa là sao? Giờ hãy thử xét một ví dụ:

    Bạn đang dùng điểm tâm cùng với gia đình. Con bạn làm đổ cà phê lên áo bạn. Chuyện đó xảy ra bất chợt, bạn không kiểm soát được.

    Ðiều xảy ra tiếp sau đó là phản ứng thuộc quyền quyết định của bạn : Bạn mắng bé, bé khóc .

    Bạn trách cả vợ mình đã đặt tách cà phê quá gần rìa bàn. Hai người bắt đầu cãi nhau.

    Bạn đùng đùng bước lên lầu thay áo. Khi bạn trở xuống con bạn vẫn còn khóc, chưa ăn xong để đi học. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa đón. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn đi nhanh ra, đưa con đến trường. Sợ trễ, bạn chạy xe vượt tốc độ cho phép. Sau khi chịu phạt nặng, bạn đưa con tới trường trễ hết 15 phút.

    Con bạn chạy nhanh vào lớp không kịp chào bạn. Bạn đến văn phòng trễ 20 phút, lại thấy mình bỏ quên chiếc cặp ở nhà...

    Một ngày của bạn đã bắt đầu thật khủng khiếp. Chuyện càng lúc càng tệ hại tiếp tục xảy ra...

    Buổi chiều bạn buồn chán trở về nhà để thấy vợ con không vui vẻ đón mừng mình như ngày hôm trước.

    Tại sao bạn có một ngày buồn chán như thế?

    A. Tại tách cà phê chăng?

    B. Tại con bạn chăng?

    C. Tại người cảnh sát à?

    D. Do bạn gây ra đấy chứ?

    Câu trả lời đúng là D. Bạn đã không làm chủ cái 90% thuộc quyền phản ứng của mình.

    Cách phản ứng chỉ trong năm giây của bạn đã tạo nên một ngày bất hạnh.

    Bạn cũng đã có thể phản ứng một cách khác.

    Khi tách cà phê đổ, cháu bé muốn khóc, bạn đã có thể nói: “Không sao đâu con, lần sau con nên cẩn thận hơn một chút”.

    Bạn nhẹ nhàng lên lầu thay áo và mang theo chiếc cặp. Bạn xuống nhà vừa kịp vẫy tay chào lại cháu bé lên xe đưa đón.

    Vợ chồng bạn hôn nhau rồi cùng đi làm.

    Bạn đến văn phòng sớm năm phút và vui vẻ chào các đồng nghiệp buổi sáng. Có lẽ sếp cũng khen bạn về một ngày làm việc có hiệu quả.

    Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, quyết định phản ứng của bạn chiếm tới những 90%.

    Hãy nhớ và áp dụng bí quyết 90/10 cho mọi việc xảy ra trong ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời bạn tốt hơn thật nhiều.

    Chúc bạn thành công!

  4. #124
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Nắm tay em đi anh nhé!



    Nhìn những đôi vợ chồng người châu Âu đi trên phố, ai cũng hiểu họ là một đôi và rất yêu nhau, vì họ luôn nắm chặt tay nhau; kể cả khi đi rất nhanh, người chồng luôn siết chặt bàn tay vợ. Nhìn thân thương biết bao!

    Còn ở mình, em thường tò mò quan sát những đôi vợ chồng xứ mình đi bộ trên hè phố, những người đàn ông đi trước và những người phụ nữ lầm lũi theo sau…Hiếm có người chồng nào chịu nắm tay vợ. Bàn tay những người vợ mới lõng thõng, bơ vơ, tội nghiệp làm sao!

    Tại sao những người chồng lại không nắm tay vợ nhỉ? Cái bàn tay mà với nhiều người vợ, cũng hệt như những vần thơ mộc mạc mà nhà thơ Xuân Quỳnh từng viết: "Gia tài em chỉ có bàn tay. Em trao tặng cho anh từ ngày ấy". Chẳng lẽ bàn tay ấy không xứng đáng để được các ông chồng nâng niu trân trọng trong bàn tay mình hay sao?

    Ngay cả anh của em, nhiều lần đi ngoài phố bàn tay em lỡ chạm vào bàn tay anh, thế là anh rụt ngay lại, dửng dưng. Em nhớ ngày chúng mình mới yêu nhau, bàn tay em mềm mại, mịn màng, và anh thường nắm lấy, áp vào mặt, vào môi... Thế mà chỉ năm năm sau bàn tay em đã mồ côi bàn tay anh. Em tự hỏi trên đời này có bao nhiêu bàn tay vợ đã mồ côi bàn tay chồng? Bàn tay chúng ta thất lạc nhau ngay khi chúng ta cùng sống trong một mái nhà, cùng ngủ trên một chiếc giường, cùng đi trên một chiếc xe máy, cùng bước cạnh nhau trên một con đường…

    Chỉ cần đưa ra một tẹo, bàn tay anh đã nắm được bàn tay em rồi. Vậy mà…

    Một sáng nọ em thức dậy sớm, ngồi trên giường săm soi đôi bàn tay mình. Nó đầy gân xanh, nó không còn mịn màng mà thô ráp, lác đác những vết chai…Nhưng em tự hào về nó, bàn tay đã vén khéo giúp em làm cho anh những bữa cơm ngon, bàn tay biết dịu dàng chăm sóc con, biết chăm chút cho ngôi nhà mình lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp... Chẳng lẽ anh không hiểu điều đó và ngần ngại bàn tay em hay sao?

    Em đã đọc đâu đó trên mạng rằng một cái nắm tay nhiều khi có sức mạnh hơn cả nụ hôn nồng cháy. Cái nắm tay của chồng khi dắt vợ băng qua đường, cái dáng vẻ như muốn vươn ra che chắn cho vợ trước làn sóng xe hung dữ chồm tới sẽ làm trái tim người phụ nữ bừng nở hoa lúc ấy. Rồi khi đi trên đường phố, người chồng nắm tay vợ kiêu hãnh sải bước, điều này còn hơn cả vạn đóa hồng đắt tiền tặng vợ ngày 8-3, thông điệp của nó là: Đây là vợ của tôi, người thương yêu nhất của tôi, và tôi đang đi bên cô ấy đây, tay cô ấy nhỏ bé ấm áp trong tay tôi đây. Vì tôi yêu cô ấy! Rất yêu!

    Đã bao giờ anh của em nghĩ về giá trị của cái nắm tay vợ như thế chưa nhỉ? Đã bao giờ anh nắm tay em và tự hào rằng anh thật may mắn vì đã có em?

    Với em, chẳng cần những lời hoa mỹ có cánh, chẳng cần những phô trương màu mè, chẳng cần những quà cáp hoa hòe vào những dịp mà phụ nữ chúng em gọi đùa là "giỗ quải"... Chỉ đơn giản là một cái nắm tay vợ giữa phố, trước mặt nhiều người. Hành động ấy hệt như anh đang mở toang lồng ngực mình cho cả thế giới này thấy trái tim anh đang đập dồn dập như thế nào, thổn thức như thế nào, đỏ thắm như thế nào.

    Đơn giản vì ta yêu nhau, vì em là vợ của anh!

  5. #125
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Trò chơi ly dị

    Dưới con mắt trẻ thơ, người lớn có những ”trò chơi” vừa chán, vừa phức tạp. Chúng ghét những trò chơi ấy vì bỗng dưng cuộc sống chẳng giống thường ngày.

    Cầu thang xoáy ốc nằm bên hông nhà. Nó chỉ mới được làm cách đây sáu tháng, lúc bố và mẹ ly dị nhau. Khi thấy bố đứng chỉ huy các ông thợ xây cầu thang, Cà Rốt và Củ Hành đều thắc mắc: “Bố xây cầu thang ở ngoài làm gì nhỉ? Đã có một cái trong nhà rồi”.

    Mẹ đưa mắt nhìn hai đứa rồi cúi xuống, lặng thinh. Cà Rốt bảo Củ Hành: ”Chắc là để phơi quần áo đấy mà”.

    Củ Hành ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Ừ, chắc vậy. Bên nhà Mi Mi cũng phơi quần áo ở cầu thang, hén chị ”.

    Không thắc mắc nữa, hai đứa ngồi xuống, chơi trò xếp hình, thỉnh thoảng lại cười lên khanh khách.

    Một tuần sau, khi cầu thang xây xong, đi học về, Cà Rốt và Củ Hành ngạc nhiên thấy trong nhà mọc thêm một cánh cửa. Cánh cửa này bịt kín lối đi lên lầu. Mẹ giải thích với Cà Rốt: “Kể từ hôm nay, con sẽ ở dưới này với mẹ”. Bố cũng giải thích với Củ Hành: “Con lên lầu sống với bố”.

    Thế là Cà Rốt và Củ Hành hiểu rằng, ly dị nghĩa là không sống chung một nhà nữa, phải chia ra làm hai nơi. Con cái cũng chia làm đôi, mỗi người một đứa. Cà Rốt giãy lên khóc: “Bố mẹ ly dị thì ly dị. Con với Củ Hành không ly dị đâu”.

    Củ Hành cũng khóc ti tỉ: “Con muốn ở chung với chị Cà Rốt. Con không lên lầu”.

    Bố, một tay xách va li, một tay xốc Củ Hành: “Thôi, đừng có làm rối thêm nữa. Lên nhà ngay”.

    Mẹ, hai mắt ầng ậng nước, đứng sững nhìn Cà Rốt lôi chân bố.

    Cà Rốt hét: “Để Củ Hành lại. Con ghét bố. Con ghét bố”.

    Trên tay bố, Củ Hành giãy giụa: “Thả con xuống. Thả con xuống. Con không đi với bố đâu”.

    Nhưng bố đã ra đến cửa rồi. Cà Rốt khóc òa. Củ Hành cũng khóc òa. Trong nhà, mẹ ngồi thụp xuống đất, úp mặt vào hai đầu gối.

    Sao lại bắt trẻ con phải chịu cảnh này, trời ơi!

    Buổi sáng, mẹ luôn chở Cà Rốt đến trường sớm. Mãi một lúc sau mới thấy Củ Hành lếch thếch chạy vào.

    Cà Rốt hỏi: “Hôm nào cũng đi muộn thế?”.

    Củ Hành chu chu cái miệng, hít mũi đánh sột: “Bố ngủ quên. Em phải đánh thức đấy”. Cà Rốt lại hỏi: “Thế bố có pha sữa cho Củ Hành uống trước khi đi học không?”.

    Củ Hành lắc đầu: “Em tự pha. Dễ lắm. Đổ sữa vào cốc, thêm nước vào, khuấy lên. Nhưng mà nó nhạt phèo, chả ngọt như mẹ pha lúc trước”.

    Cà Rốt xịu mặt: “Chứ bố làm gì mà không pha cho Củ Hành?”.

    Củ Hành nghiêng nghiêng đầu, ra vẻ suy nghĩ: “À, bố cứ nằm mãi ở giường, gác tay lên trán. Có khi bố bận đánh răng”.

    Cà Rốt bảo: “Bố thế là hư rồi”.

    Hai chị em nắm tay nhau đi vào lớp học. Lớp Chồi của Củ Hành ở ngay cạnh lớp Lá của Cà Rốt. Thỉnh thoảng, hai đứa lại vờ vĩnh chạy ra cửa để ngó nghiêng vào lớp đứa kia. Gặp nhau ở trường sướng thật. Cà Rốt và Củ Hành chán nhất là khi phải về nhà. Lúc đó, mỗi đứa lại phải ở một nơi.

    Giờ ra chơi. Cà Rốt và Củ Hành không thích nô đùa cùng các bạn. Hai đứa thích cùng ngồi trên một ghế xích đu, vừa ăn bánh sữa, vừa trò chuyện. Củ Hành kể: “Hôm qua bố ngồi vá quần cho em, bị kim chọc vào tay, kêu ui da, buồn cười lắm”.

    Cà Rốt cũng khúc khích: “Còn mẹ sửa cái bếp điện mãi mà không xong, hễ cắm dây vào là nổ cầu chì. Sau phải nhờ chú Ngân sửa mới xong đấy”.

    Củ Hành xịu mặt: “Sao mẹ không gọi bố mà lại nhờ chú Ngân?”.

    Cà Rốt gí ngón tay xinh xinh vào trán Củ Hành: “Ngốc thế. Ly dị rồi là không có nhờ vả chuyện gì cả”.

    Củ Hành hỏi: “Mẹ bảo thế à?

    Cà Rốt gật đầu: “Ừ”.

    Củ Hành cáu: “Chán mẹ ghê. Tự nhiên lại ly dị làm chi không biết”.

    Cà Rốt gật đầu ra vẻ đồng tình, mặt buồn thiu…

    Một hôm… Khi mẹ đến đón Cà Rốt, chiều đã muộn lắm rồi. Thế mà bố vẫn chưa đến đón Củ Hành. Cô giáo đưa mắt nhìn hai đứa trẻ vui vẻ chơi lò cò trên sân rồi băn khoăn nói với mẹ: “Hôm nay nhà em có việc. Không biết chừng nào anh mới đến đón cháu?”.

    Mẹ bảo: “Thôi, để tôi đưa cháu về luôn”.

    Củ Hành tròn mắt: “Mẹ cho con về chung với chị Cà Rốt hả?”.

    Mẹ gật đầu. Hai đứa nhảy tưng tưng vì mừng.

    Trên xe, Cà Rốt và Củ Hành nói cười luôn miệng. Vào nhà, Củ Hành lăng xăng chạy tới, chạy lui. Tất cả đều quen thuộc. Thích quá.

    Cà Rốt đột nhiên người lớn hẳn. Con bé nhìn em một cách bao dung: “Chạy vừa thôi. Đi tắm rồi còn ăn cơm chứ”.

    Củ Hành vẫn chạy lui, chạy tới: “Em thích chạy”. Hai tay cu cậu dang rộng như lái máy bay, quẹt cả vào người Cà Rốt: “Ôi ôi, thích quá. Xê ra cho máy bay bay nào”.

    Khi bố về, trời đã khuya lắm. Bố đứng lựng khựng trước cửa, khẽ hắng giọng rồi lại đứng im. Mẹ đẩy cánh cửa mở hé cho rộng thêm, bảo: “Anh vào đi”.

    Bố rón rén bước vào. Nhà im phăng phắc. Hai đứa trẻ đang ngủ ngon trong giường.

    Mẹ bảo: “Anh để Củ Hành ngủ ở đây một đêm cũng được. Đừng đánh thức nó nửa chừng”.

    Bố nói nhỏ: “Anh xin lỗi. Có việc đột xuất nên không thể đến đón nó đúng giờ”.

    Mẹ lạnh lùng: “Người anh cần xin lỗi là nó chứ không phải em”.

    Bố đứng như chôn chân trước giường ngủ của hai đứa trẻ. Dưới ánh đèn mờ nhạt, hai gương mặt bầu bĩnh kề sát nhau thật ngây thơ, đáng yêu.

    Củ Hành ngủ say, miệng chóp chép nhai trong giấc mơ, bàn tay vẫn nắm chặt tay Cà Rốt. Con chị nằm gác chân lên người em, hai mắt nhắm tịt, nhưng miệng lại tủm tỉm cười.

    Hai vai bố như xệ hẳn xuống.

    Bố nói mà không nhìn mẹ: “Sao mình lại để mọi sự trở nên tồi tệ thế này hả em?”.

    Hai người ngồi đối diện trong một quán cà phê.

    Trước mặt anh, chiếc gạt tàn đã đầy ắp tàn thuốc lá. Ly nước của chị cũng cạn đến đáy rồi. Cuộc trò chuyện lâu hơn họ tưởng.

    Khi anh nói tên quán cà phê, chị đã rùng mình. Đó là nơi hai người từng hẹn hò nhau từ lúc mới yêu. Chiếc bàn trong góc cũng là bàn quen thuộc. Anh muốn nhắc nhở chị điều gì chứ, khi chính anh là kẻ có lỗi trăm bề?

    Chị không thể tha thứ, mặc dù anh đã quỳ xuống chân chị xin lỗi rất nhiều lần.

    Chị không thể chấp nhận hình ảnh anh ôm người phụ nữ khác trong tay, âu yếm họ như âu yếm chị.

    Niềm tin và tình yêu chị dành cho anh quá lớn, đến nỗi khi biết sự phản bội của anh, chị bất ngờ đến sửng sốt, tê dại cả người.

    Quyết định ly hôn của chị làm mọi người ái ngại. Mẹ chị khuyên: “Đàn ông ai chẳng có lúc lạc lòng. Nó đã biết lỗi thì tha thứ đi con ạ. Như mẹ từng tha thứ bố mày ấy”.

    Có lẽ trong tình yêu, khó có lời khuyên nào áp dụng thật chính xác cho từng trường hợp.

    Chị biết rõ mình không thể lướt qua mọi chuyện được như mẹ, xem như không có gì. Sống tiếp tục với anh, nằm bên anh mỗi ngày để chỉ nghỉ đến hình ảnh anh nằm với người khác ư? Chị không chịu nổi!

    Khi chị nói thẳng điều đó, anh lặng người. Trông chị như một người khác hẳn, quyết liệt và lạnh lùng. Anh cố vớt vát bằng cách đem Cà Rốt và Củ Hành ra thuyết phục: “Em ơi, đừng để các con phải liên lụy. Em muốn trừng phạt anh thế nào cũng được, nhưng đừng ly dị, được không?”.

    Chị tàn nhẫn nhìn anh: “Không ly dị, để sống giả dối như nhiều người khác sao? Em không muốn vậy. Khi các con lớn, chúng nó sẽ hiểu”.

    Nước mắt ứa ra, anh khóc không kiềm chế trước mặt chị, nhưng chị vẫn dửng dưng. Lòng chị đã nguội lạnh hẳn từ khi biết anh phản bội. Kể từ giờ phút này, chị sẽ chỉ cư xử như một người không có trái tim.

    Ra tòa, anh bảo: “Tôi có lỗi. Tòa cứ xử theo ý vợ tôi. Sao cũng được”.

    Chị lạnh lùng đề nghị: “Chia đôi mọi thứ. Anh ấy và con trai ở trên lầu. Tôi và con gái ở dưới nhà. Xây lối đi riêng, không ai làm phiền ai”.

    Họ đã ly dị được hơn nửa năm. Cà Rốt và Củ Hành dần dà cũng quen cuộc sống chia đôi của bố mẹ. Bố thì dễ rồi. Nhà bố thường mở cửa rộng, Cà Rốt muốn lên lúc nào cũng được. Nhưng con bé không dám. Mẹ khe khắt lắm.

    Một lần thấy Cà Rốt lên nhà với bố, mẹ giận dữ quát ầm lên. Cà Rốt phải lủi thủi đi về trước ánh mắt buồn rầu của bố. Từ đó, nhà mẹ luôn đóng cửa. Cà Rốt và Củ Hành chỉ còn gặp nhau lúc đi nhà trẻ.

    Cũng may là mẹ thương các con nên không đổi trường. Chứ nếu mẹ đổi, hai chị em sẽ lâm vào hoàn cảnh “gần nhà xa ngõ” cho xem.

    Thường lệ, bố đưa Củ Hành đi học muộn, nhưng luôn đón sớm nửa giờ. Bố xin cô giáo được gặp Cà Rốt. Ban đầu, cô giáo cũng lúng túng, khó xử vì như thế là sai quy định của trường. Nhưng nhìn ánh mắt van nài của bố, cô thấy tội.

    Cô bảo: “Anh đừng gặp cháu lâu quá. Mười lăm phút thôi nhe! ”.

    Bố mừng rỡ, vâng dạ rối rít. Thế là hai bố con được gặp nhau trò chuyện mỗi ngày. Bố hay hỏi Cà Rốt: “Mẹ có khỏe không? Tối mẹ có thức khuya không? Mẹ có hay khóc không?”.

    Rồi bố xoa nắn chân tay, ôm Cà Rốt vào lòng, hôn lên đôi má bầu bĩnh của con mà nước mắt ứa ra.

    Bố dặn: “Đừng cho mẹ biết bố hay gặp con nhé”. Bố không dặn, Cà Rốt cũng giấu kín. Dại gì nói ra cho mẹ cấm nhỉ? Nó còn dặn ngược lại bố: “Bố nhớ đón Củ Hành trước khi mẹ đón con nhé. Để mẹ đừng thấy bố con mình gặp nhau”.

    Bố lại chảy nước mắt. Chỉ mới nửa năm mà Cà Rốt đã thành “bà cụ non” như thế rồi sao? Bố hối hận quá.

    Trưa hôm ấy, đột nhiên bố nhìn thấy mẹ ở ngã tư đường. Mẹ đang đứng mặc cả để mua trái cây, không nhìn thấy bố. Gương mặt mẹ trắng trẻo ửng hồng dưới nắng. Chiếc áo màu tím và bờ vai quen thuộc làm lòng bố nhói đau. Lập tức, bố chạy xe lên vỉa hè, tấp vào sau một gốc cây, âm thầm nhìn mẹ.

    Khi mẹ đi rồi, bố vẫn đứng lặng nhìn theo đốm màu tím nhỏ dần rồi khuất hẳn.

    Tự nhiên, bố mệt mỏi đến cực độ. Móc trong túi chiếc điện thoại di động, bố gọi về cơ quan, cáo ốm để xin nghỉ buổi chiều.

    Từ ngã tư gặp mẹ, bố đi lòng vòng, lòng vòng mãi dưới nắng rồi tấp vào một quán bia quen. Từng chai, từng chai, bố uống cạn.

    Người chủ quán đến kéo ghế ngồi chung: “Sầu đời hả bạn? Để tôi uống cùng”. Không hiểu sao bố lại uống nhiều như vậy? Và nói nhiều nữa. Bố nói hết những ẩn ức trong lòng. Rằng bố yêu mẹ lắm. Từ khi mẹ ly dị bố, bố càng yêu mẹ hơn.

    Nhưng bố cũng oán hận mẹ nhiều bằng bố yêu mẹ.

    Rằng sao mẹ sắt thép, chặt lòng như thế?

    Rằng khi một tội nhân phạm tội trọng, khi hối lỗi còn được ân xá mà mẹ thì kiên quyết chặt đứt đường về của bố?

    Rằng bố nhớ Cà Rốt biết bao.

    Bố thèm ăn cơm của mẹ nấu biết bao.

    Tại sao mẹ có thể quên đi những ngày hạnh phúc của mẹ và bố?

    Tại sao mẹ chỉ nhớ tội lỗi xấu xa của bố mà quên những kỷ niệm đẹp bố từng làm?…

    Càng nói, bố càng uống. Người chủ quán bỏ đi lúc nào, bố cũng không biết.

    Đèn đường lên lúc nào, bố cũng không hay. Bố quên luôn giờ đón Củ Hành.

    Mà bố đón làm sao được khi đã gục trên bàn ngủ thiếp thế kia?

    Củ Hành thường bảo: “Con ghét ly dị. Con nhớ mẹ và chị Cà Rốt. Con muốn uống sữa mẹ pha. Bố ơi, đừng chơi trò ly dị nữa nhé”.


    Hai người ngồi đối diện trong quán cà phê quen thuộc. Chỗ ngồi và chiếc bàn cũng quen thuộc.

    Anh hút thuốc liên tục. Chiếc gạt tàn dần đầy lên. Mấy lần chị suýt bảo anh ngưng hút, nhưng lại bặm môi im lặng. Bây giờ, anh muốn làm gì cứ làm, chị chẳng quan tâm. Nhưng khi anh cất tiếng, sự căng thẳng của chị chùng dần. Rồi nước mắt chị bắt đầu rớt xuống, rớt xuống.

    Anh bảo:

    ….Anh vẫn lén gặp Cà Rốt mỗi chiều ở trường. Anh nhớ con lắm. Nhớ mùi mồ hôi của nó. Nhớ những câu hỏi vặn vẹo khiến anh điên đầu trước kia. Anh cũng nhớ em. Mỗi đêm, anh đều nằm áp tai xuống gạch, lắng nghe tiếng động ở dưới nhà để tưởng tượng em đang làm gì? Cà Rốt đang làm gì. Có hôm, anh ra cầu thang xoáy, áp tai vào vách như thằng ăn trộm, thèm nghe một tiếng em cười mà không được. Một lần, anh đang ngồi như thế thì Củ Hành thức dậy. Nó mò ra cầu thang xoáy và thấy anh ở đấy. Hai bố con anh đã ôm nhau ngồi rất lâu để chỉ nói về em và Cà Rốt.

    ….Đây là trò chơi hả em? Anh cũng ước nó chỉ là trò chơi để mình chấm dứt, không chơi nữa. Trò chơi gì mà tàn nhẫn quá, làm khổ cả bốn người? Em muốn anh phải làm gì bây giờ để được em tha thứ? Sao em lại giao Củ Hành cho anh mà không giữ cả hai đứa với nhau? Phải chăng em muốn anh nhìn rõ tội lỗi của mình? Rằng vì anh mà con cái phải mỗi đứa một nơi ?.

    …Anh nhìn rõ lắm rồi, em ơi. Nhất là đêm hôm qua khi anh đứng nhìn hai đứa con mình ngủ trong giường. Em cho anh gửi Củ Hành lại. Ngày mai anh thuê người tới đập cầu thang xoáy bên ngoài, mở lại lối cầu thang bên trong. Em không muốn thấy mặt anh nữa thì để anh đi, miễn em được thoải mái. Miễn Cà Rốt và Củ Hành được sống bên nhau.

    ….Anh không đem theo một thứ gì cả, cũng không cần tiền. Khi hạnh phúc đã mất, tiền bạc, tài sản cũng thành vô nghĩa. Hôm nay, anh mời em ra đây chỉ để nói với em như thế mà thôi…

    Nước mắt chị chảy tràn. Trên tất cả mọi điều, chị biết mình vẫn còn yêu anh nhiều lắm.

    Bởi vì anh là người đàn ông duy nhất mà chị yêu.

    Xa anh, chị không chỉ hành hạ anh mà còn là đang hành hạ chính mình.

    Chị biết chuyện anh gặp Cà Rốt mỗi ngày. Biết tất cả đó chứ !

    Trẻ con ngủ mớ thường nói ra hết những gì chúng cất trong lòng.

    Nửa đêm, Cà Rốt ôm cổ mẹ mà tưởng là bố, thủ thỉ: “Mẹ sửa bếp điện mãi mà không được, cứ bị giật hoài, bố ạ. Tội nghiệp mẹ nhỉ? Còn bố vá quần cho Củ Hành bị kim đâm vào tay phải không? Cũng tội nghiệp bố luôn. À, ngày mai khi bố đến, bố mua cho con que kem nhé. Con thèm ăn kem lắm, nhưng mẹ chẳng mua gì cả…”.

    Rồi Cà Rốt lại nói, như nói với Củ Hành: “Ngày mai chị bảo mẹ pha sữa rồi đổ vào chai, đem đi cho Củ Hành nghe. Hay chị giấu mẹ, đổ sữa của chị vào chai cũng được. Chị uống mãi, chán lắm. Còn Củ Hành lại thèm…”.

    Càng nghe, chị càng xót. Khuya con ngủ. Chị chui đầu vào chăn, chị cắn răng khóc rưng rức.

    Chị cũng nhớ Củ Hành, nhớ anh đến điên dại.

    Đêm nằm, chị cũng lắng nghe bước chân anh đi đi lại lại trên lầu.

    Thỉnh thoảng, chị lại lục tủ lấy chiếc áo của anh ấp mặt vào và khóc thầm. Nghe tiếng anh ho, lòng chị nhói buốt. Chị khao khát được anh ôm vào lòng, được xoa tay vào chiếc cằm lởm chởm râu của anh để âu yếm, được nép vào ngực anh, được ngửi mùi mồ hôi nồng nồng quen thuộc…

    Nhưng, người phụ nữ ấy cũng đã nép vào ngực anh, cũng ngửi mùi mồ hôi của anh. Chị lịm đi vì giận hờn, vì ghen tức.

    Chị không chấp nhận chia sẻ điều riêng tư ấy với bất kỳ ai.

    Nhìn đôi mắt thâm quầng của chị, mẹ lắc đầu: “Ghen có năm bảy đường ghen, nhưng ghen mà đày ải mình như mày, mẹ mới thấy có một. Nghe lời mẹ, tha lỗi cho chồng đi con. Tao nghe người ta bảo dạo này nó cũng sa sút tinh thần, sức khỏe tồi tệ lắm …”.

    Chị gắt: “Mẹ nói cứ như đùa. Đã ly dị rồi mà còn tha thứ nỗi gì. Mẹ đừng làm con rối tung lên nữa”.

    Mẹ dỗi: “Vâng, tôi xin lỗi. Chuyện của chị tôi không có quyền xía vào. Nhưng tôi xót cho cháu tôi lắm. Chúng nó có lỗi gì mà phải xa bố, xa mẹ, sống mỗi đứa mỗi nơi chứ? Cứ ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thì đừng sinh chúng nó ra. Ngày trước ấy à? Tôi mà không tha thứ cho bố chị, giờ này không chừng chị sống với mẹ ghẻ, chứ không phải tôi đâu”.

    Nghe mẹ nói mà chị lạnh cả người. Sao chị không nghĩ ra điều ấy nhỉ? Nếu… nếu người đàn bà kia trở thành mẹ ghẻ của Củ Hành, chị biết làm thế nào? Chị không muốn điều ấy xảy ra. Không phải vì chị sợ bà mẹ ghẻ ấy không thương yêu Củ Hành. Cái chính là trong sâu thẳm tâm hồn, chị không muốn mất anh.

    Rồi mắt chị càng thâm quầng hơn vì những đêm mất ngủ.

    Chị hối hận vì đã quyết liệt ly dị chồng.

    ….Anh lặng lẽ nhìn chị.

    Câu hỏi bật ra khiến anh cũng run rẩy cả người: “Em còn yêu anh không? Em đã thù ghét anh, đã ly dị anh, nhưng trong lòng em còn yêu thương anh chút nào không? Nếu còn, dù chỉ là sợi chỉ mong manh, anh cũng xin em cho anh một cơ hội để làm lại từ đầu. Anh ngàn lần cầu xin em…”.

    Nước mắt nhòa nhạt, nghẹn cứng trong lòng ngực, chị nức nở mãi. Thế rồi, chị đặt bàn tay run rẩy của mình lên tay anh, siết chặt . Anh lặng người.

    Ở nhà trẻ, chỉ còn Cà Rốt và Củ Hành chơi lò cò trên sân.

    Củ Hành bảo: “Hôm nay bố lại quên đón em rồi”. Cà Rốt cười: “Thì về với mẹ và chị. Càng sướng”. Củ Hành lại bảo: “Nhưng sao hôm nay mẹ cũng đón chị muộn thế?”. Cà Rốt tròn xoe mắt: “Ừ nhỉ”.

    Hai đứa không chơi lò cò nữa, đứng gí mũi vào ô mắt cáo. Vừa lúc đó, những ánh đèn xe loang loáng rọi vào.

    Củ Hành reo: ”Bố đến rồi”.

    Cà Rốt cũng reo: “Mẹ đến rồi”.

    Bố và mẹ cùng dựng xe, bước nhanh đến chỗ hai đứa trẻ. Cà Rốt giật giật tay Củ Hành: “Nhìn kìa. Bố nắm tay mẹ kìa”.

    Củ Hành toét miệng cười: “Em đã bảo mà. Chơi mãi trò ly dị, chán lắm”

  6. #126
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Nín đi em bố mẹ bận ra Tòa
    Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
    Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
    Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm
    Bố mẹ đi từ sớm khác mọi hôm
    Không nấu nướng và không hề trò chuyện
    Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
    Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

    Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
    Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
    Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
    Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về
    Mẹ bế em âu yếm vuốt ve
    Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
    Nó sung sướng ra vào tíu tít
    Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra

    Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
    Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
    Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
    Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa

    Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
    Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
    Đứa có mẹ thì thôi không có bố
    Hai chị em rồi sẽ mất nhau...

    Nín đi em! - Em khản giọng khóc gào
    Chị mếu máo đầm đìa nước mắt
    Những bố mẹ bên bờ chia cắt
    Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình.

  7. #127
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Đệ Huynh


    1. Lúc nó ra đời, kế hoạch hóa gia đình quản rất ngặt, ai sinh thêm con rất dễ bị phạt, mỗi nó đường đường chính chính oe oe chào đời làm con cưng. Không phải vì nhà nó có quyền có thế mà là vì anh trai nó vốn mang bệnh não bẩm sinh, dân gian gọi là bệnh đần độn.

    Mẹ nó cầm cây roi trên tay dọa anh nó: “Mày vĩnh viễn không được lại gần em nghe chưa”. Vì sợ anh làm hại nó nên mẹ cấm anh vào phòng của nó. Đến nỗi ăn cơm cũng bắt anh ấy ăn một mình trong căn phòng nhỏ. Anh hay lén lút ngồi xổm bên ngoài khung cửa sổ nhìn trộm nó, thấy em trai là anh sung sướng cười, nước bọt theo khóe miệng chảy xuống...

    Thật tình lúc nhỏ anh trai cũng được cưng lắm, đến khi những đứa trẻ cùng tuổi tập nói tập đi thì anh nó vẫn ngốc dại, không mở miệng nói được từ nào. Khám bệnh xong mới biết anh nó bị bệnh não bẩm sinh. Ông bà nội trút hết thất vọng và uất ức lên đầu bố mẹ nó, mẹ nó đem hết oan ức đổ lên đầu anh nó, hễ gặp một chuyện nhỏ là anh nó phải chịu một trận mưa roi.

    Có lúc mẹ ôm nó phơi nắng trong vườn, anh nó cẩn thận mon men đến gần, thích quá anh đưa tay sờ lên má nó. Mẹ nó như sợ một bệnh dịch gì vội bồng nó đi chỗ khác, mắng nhiếc anh nó: “Bảo rồi, không được lại gần em, mày muốn truyền bệnh cho em à?”.

    Một lần, mẹ không có nhà. Từ xa, anh ngắm mợ bồng nó trên tay, vẫn là cười ngốc thôi. Mợ xót lòng, vẫy tay gọi: “Đến đây cầm tay em một tí này”. Anh nó vội trốn đi, miệng lắp bắp nói liên tục không rõ: “Không... không cầm... truyền bệnh, truyền bệnh”.

    Hôm đó mợ khóc òa, anh nó đưa tay lên lau nước mắt cho mợ, vẫn là nụ cười đó, cười ngốc thôi.


    2. Nó lớn dần, đang thời tập nói. Mấy lần nó huơ tay lên, bò tới phía anh. Anh nó mừng quá nhảy cẫng lên. Mẹ nó tới kịp, vội vội vàng vàng bồng nó đi chỗ khác.

    Nhìn những đứa trẻ khác mút kem que, anh nó liếm môi, cảm thấy nóng và khát lắm. Bọn nhóc nói nếu anh chịu làm chó tụi nó sẽ cho kem. Anh nó làm chó bò trên đất, nhưng bọn nhóc quỵt kem và cười ầm lên. Bằng một động tác nhanh gọn, anh nó nhổm người lên, như điên dại cướp lấy que kem. Bọn nhóc sợ quá khóc rống. Anh nó cầm chiến lợi phẩm chạy về nhà, không biết rằng trên đường que kem tan dần, tan dần. Về đến nhà kem chỉ còn một miếng nhỏ tội nghiệp mà thôi. Nó đang chơi ở vườn sau, nhân lúc mẹ không để ý, anh đem kem đến trước mặt nó và nói: “Ăn... ăn... em ăn đi”.

    Mẹ nó thấy anh cầm cái que như đang ra hiệu gì đấy, vội chạy đến xô anh ngã nhoài ra đất, que kem lấm lem đầy đất, anh nó ngẩn người nhìn một lúc lâu rồi ngoác miệng khóc.

    Khi nó biết nói, nó chưa từng gọi một tiếng anh. Anh nó hi vọng mình có thể như bao người anh khác được em trai là nó gọi một tiếng anh. Vì vậy lúc nó đang đùa nghịch ở sân sau, anh đứng phía ngoài xa ba mét, lấy hết sức hét: “Anh, anh”. Anh muốn nó nghe thấy sẽ học được cách gọi anh. Một lần anh đang cố gắng hét thật to, mẹ mắng nhiếc anh và đuổi đi chỗ khác chơi. Lúc đó nó ngước mắt lên nhìn anh, đột nhiên gọi thật rõ một tiếng: “Anh”.

    Anh nó chưa bao giờ vui như thế, hoa chân múa tay, bỗng nhiên chạy đến ôm nó thật chặt, nước mắt nước mũi tèm lem đầy vai áo nó.


    3. Từ nhỏ nó đã bị người ta gọi là “em thằng ngốc”. Lớn lên, nó ghét cách gọi này. Bởi vậy nó luôn mặc cảm, hận và ghét anh nó.

    Một lần, cũng vì chính cách gọi này mà nó bị người ta đánh. Nó bị lũ bạn đè lên người. Bỗng nhiên lũ bạn bị ai đó nhấc lên - là anh trai nó.

    Nó chưa bao giờ thấy anh nó mạnh mẽ như thế, nhấc bổng cả lũ bạn nó lên, quật ngã chúng ra đất. Lũ bạn vừa khóc vừa thét đau. Nó thấy sợ, rắc rối rồi, bố chắc chắn sẽ phạt nó. Phút ấy nó hận mẹ tận xương tủy vì sao lại sinh cho nó một ông anh trai đần độn như thế. Nó dùng hết sức đẩy anh trai ra, hét rằng: “Ai bảo anh quản chuyện người khác, anh là một thằng ngốc”. Anh nó ngã ra đất, thẫn thờ nhìn theo bóng nó khuất xa dần.

    Hôm đó, bố bắt hai anh em quỳ ra đất rồi dùng roi mây quất tới tấp. Anh bò lên người nó, run rẩy nói: “Đánh... đánh con, đừng đánh em”.

    Mấy hôm sau mẹ mang kẹo từ thành phố về, chia cho nó tám viên, anh nó ba viên. Không chỉ là chia kẹo, những lần khác anh nó vẫn chịu vậy. Sáng sớm, anh đứng sau cửa gương đợi nó đi ra, xòe bàn tay có hai viên kẹo. Nó lờ đi, coi như không thấy gì. Anh nó lại chạy đến trước mặt, xòe bàn tay có ba viên kẹo và nói: “Ăn... ăn, em ăn đi”.

    Không biết vì sao lần này nó đột nhiên không cần, anh nó chạy theo quấn quýt cả chân, không nói lời nào, nhét cả ba viên kẹo vào mồm nó.

    Lúc kẹo trôi qua khỏi họng, nó thấy rõ mắt anh trai mình ngấn nước.


    4. Cầm giấy trúng tuyển vào đại học, bố mẹ rất mừng, anh trai nó cũng vui lây. Thật ra anh nó không hiểu đại học là gì, nhưng biết rằng em trai đỗ đại học mang vinh hạnh đến cho cả nhà và cũng không ai gọi mình là thằng ngốc nữa.

    Trước đêm nó lên thành phố nhập học, anh vẫn không vào phòng nó, chỉ đứng ngoài cửa sổ và đưa cho nó một bọc vải, mở ra thấy vài bộ áo quần mới. Đều là của mợ cho hai anh em nó hoặc là bà cô ở thành phố gửi tặng. Thì ra mấy năm qua anh nó chưa hề mặc áo quần mới. Bởi mẹ không để ý đến nên anh giấu đi. Lúc đó, nó phát hiện áo trên người anh đã cũ mèm, rách vài chỗ, chiếc quần ngắn lên tận mắt cá chân, nom thật tội nghiệp. Mũi nó cay cay, bao nhiêu năm qua ngoài sự ghét bỏ, hận thù nó có cho anh cái gì đâu.

    Anh nó vẫn cười ngốc thôi, có điều trong mắt đầy hi vọng, nó không biết đó là hi vọng gì. Mặc dù anh không biết nó đã cao lên rất nhiều, không biết áo quần ấy đã đến lúc lỗi thời không thể chưng diện đi ra phố được nữa nhưng nó vẫn khoác mặc vào, xoay tới xoay lui giả bộ vui mừng ríu rít hỏi anh: “Đẹp không? Có hợp không?”. Anh nó gật đầu, ngoác miệng cười.

    Nó viết lên giấy hai chữ “huynh đệ” rồi chỉ cho anh chữ này là huynh, chữ này là đệ, huynh là anh, đệ là em. Huynh đệ có nghĩa là có anh rồi mới có em, không có anh thì không có em. Hôm đó, anh nó lại đọc ngược thành “đệ huynh”. Lúc lên đường nó khóc, anh nói rằng trong lòng anh nó là số 1, không có nó thì không có anh.


    5. Nói đến đời sống đại học, nó thấy rất thú vị, nhiều điều mới mẻ, dường như nó quên mất người anh trai nơi quê nhà.

    Lần nọ mẹ đi gọi điện thoại cho nó, anh đi theo đến bưu điện. Mẹ nói rất nhiều, cả tiếng đồng hồ rồi bảo với nó: “Nói chuyện với anh con mấy câu này”. Anh tiếp điện thoại, đợi thật lâu không nghe tiếng gì cả, mẹ nói rằng: “Thôi cúp máy đi, anh con khóc rồi, anh con chỉ lên ngực ý nói rằng nhớ con đó”.

    Nó vốn muốn nói mẹ đưa điện thoại lại cho anh trai để nói với anh rằng: “Đợi em về sẽ dạy anh học chữ, sẽ mua cho anh những kẹo bánh mà chỉ ở thành phố mới có, đem về cho anh thật nhiều quà”. Nhưng nó không mở nổi miệng và cúp điện thoại. Chỉ vì nó không muốn bạn cùng phòng biết nó có một anh trai bị bệnh não bẩm sinh, một anh trai đần độn.


    Hè đến, nó về nhà, trên xe ăn một viên kẹo, bỗng nhiên nhớ lại anh từng nhét kẹo vào miệng nó, kẹo ở trong miệng ngọt lịm nhưng lòng nó đắng nghét.

    Lần đầu tiên về đến nhà, nó hét thật to: “Anh ơi. Em đã về, xem em mang gì về cho anh này”. Thế nhưng không có tiếng cười ngốc của anh nó nữa, không có bóng ông anh gần 30 tuổi đời còn mặc quần ngắn đến mắt cá chân nữa.

    Bố mẹ nước mắt đầm đìa, nói với nó rằng: “Một tháng trước, anh con lao xuống sông cứu một đứa bé, anh không biết bơi. Đứa bé đó được cứu sống nhưng anh con không lên nữa”. Bố mẹ nó úp mặt khóc...

    Một mình đứng bên dòng sông, ký ức về anh chợt ùa về tha thiết. Nó rút trong túi một tờ giấy có viết hai chữ “huynh đệ”. Đó là chữ của nó, phía dưới là chữ méo xẹo của anh nó. Nó có thể nhận ra anh nó đã nắn nót viết chữ “đệ huynh”.

    ….

  8. #128
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Trong cái rủi có cái may

    Ngày xưa có một ông vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích.


    Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: “Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức vua”. Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: “Hẳn đây là một điềm xấu?”. Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: “Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức vua”. Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình.
    Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay. Ngay lập tức họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo và không phù hợp để dâng lên Đức Thánh Thần.
    Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra lời nói của người cận thần năm xưa: “Tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được”. Nếu không bị mất một ngón tay, nhà vua có thể đã bị giết.
    Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh thả người cận thần của mình và xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù đày. Trái lại, người cận thần nói: “Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức vua giam thần lại”.
    “Tại sao?”, nhà vua hỏi.
    “Bởi nếu đức vua không giam thần lại, thần sẽ được đi theo trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản địa nhận ra rằng nhà vua không thích hợp cho việc cúng tế, họ sẽ sử dụng thần để dâng lên vị thần của họ”.
    Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Khi điều đó xảy, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn nghĩ và đôi khi là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn. Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc tồi tệ và ngược lại.
    Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ là vấn đề mà chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.
    Nói cách khác, trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất là không bao giờ được từ bỏ hi vọng. Bởi vì thế giới vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và cuộc sống vẫn muôn màu.

  9. #129
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Cà rốt, trứng và cà phê

    Anna, con gái người đầu bếp phàn nàn với bố về cuộc sống khó khăn của mình. Cô không biết phải giải quyết thế nào và muốn từ bỏ tất cả. Anna mệt mỏi vì phải đấu tranh, dường như chuyện rắc rối này chưa qua thì chuyện khác đã đến.




    Bố của Anna dẫn cô vào trong bếp, đổ đầy nước vào 3 cái nồi nhỏ rồi đun. Khi nước sôi, ông đặt 1 củ cả rốt, 1 quả trứng và 1 ít cà phê xay vào lần lượt 3 cái nồi và không nói câu nào.
    Anna không hiểu cha định làm gì. Cô kiên nhẫn chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra.
    Khoảng 20 phút sau, ông tắt bếp và vớt củ cà rốt đặt lên chiếc đĩa. Cũng tương tự như vậy, ông vớt trứng và múc cà phê đổ vào 1 cái cốc.
    Ông quay ra hỏi Anna: “Con gái, con đang nhìn thấy những thứ gì?”
    “ Tất nhiên con vẫn chỉ nhìn thấy cà rốt, trứng và café thôi”, Anna đáp.
    Ông dẫn Anna đến gần và bảo cô nếm thử củ cà rốt. Sau một thời gian luộc chín, củ cà rốt đã mềm hơn rất nhiều.
    Sau đó ông lại bảo con gái cầm quả trứng lên và bóc vỏ. Sau khi bóc vỏ trứng, Anna thấy phần lòng trắng đã cứng lại. Cuối cùng ông bảo Anna nếm thử chút café. Cô mỉm cười khi nếm vị café nồng đậm đang tỏa hương thơm trong chiếc cốc nhỏ.
    Cô hỏi ông: “Rút cuộc là sao hả bố?”
    Ông giải thích rằng, mỗi thứ như củ cà rốt, quả trứng, café xay đều gặp phải “chuyện không may” là bị luộc chín, nhưng chúng phản ứng theo những cách khác nhau.
    Củ cà rốt lúc đầu rất cứng, nhưng sau khi luộc đã trở nên mềm và yếu ớt.
    Quả trứng vốn dễ vỡ. Nó chỉ được bao bọc bằng lớp vỏ mỏng manh nhưng sau khi luộc lại cứng cáp hơn rất nhiều.
    Bột café vốn ở thể rắn nhưng đã biến đổi thành nước sau khi đun.
    “Con là cái nào trong 3 thứ này?”, Ông trìu mến hỏi Anna.
    “Khi điều không may gõ cửa, con sẽ phản ứng thế nào? Con có trở nên yếu đuối như củ cà rốt, rắn rỏi như quả trứng hay thay đổi hẳn như bột café?”

    Con người có nhiều cách để phản ứng trước khó khăn. Đừng trở nên yếu đuối hoặc kìm nén bản thân, hãy thay đổi bản thân từ bên trong trước đã.


  10. #130
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Cong, nhưng đừng gãy !




    Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc lá cây rì rào. Nơi đó tôi cũng được ngắm những thân tre oằn xuống dưới sức gió rồi vút ngược lên trời cao khi những cơn gió lặng đi.

    Khi tôi nghĩ về tính đàn hồi của thân tre lúc chúng cong và thẳng ngược lại về vị trí cũ, khái niệm về sự thích ứng hiện lên trong óc tôi. Liên hệ điều này với con người, sự thích ứng có nghĩa là khả năng phục hồi sau một cú sốc, nỗi u sầu, hoặc bất kỳ trạng thái nào đã làm căng thẳng hết mức những cảm xúc của con người.

    Bạn có bao giờ cảm thấy mình gần như gục ngã? Bạn gần như bị bẻ gãy? Hãy cảm tạ trời đất vì sau thử thách ấy bạn vẫn còn tồn tại để có thể nói về sự trải nghiệm đó. Trong thử thách đó bạn đã cảm thấy một trạng thái tình cảm lẫn lộn đang đe dọa chính sức khỏe của mình. Bạn cảm thấy những xúc cảm bị rút cạn, tinh thần kiệt quệ và bạn gần như phải hứng chịu một trạng thái về sức khỏe không lấy gì làm dễ chịu.

    Cuộc sống là sự tổng hòa của những thời khắc tươi đẹp và đen tối, những phút giây hạnh phúc cũng như bất hạnh.Những bất hạnh liên tiếp gần như bẻ gãy bạn, nhưng hãy cố gắng cong người gắng chịu, đừng để bị bẻ gãy. Hãy nỗ lực đừng để hoàn cảnh hạ gục bạn.

    Một chút hy vọng sẽ đưa bạn vượt qua những thử thách cam go. Với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hoặc một viễn cảnh tươi đẹp, thì mọi điều xem ra sẽ không đến nỗi tồi tệ. Thử thách cam go ấy rồi ra sẽ dễ dàng đương đầu hơn và kết quả cuối cùng thật xứng đáng.

    …Vậy thì nếu đường đời trở nên cam go và bạn đang ở vào thời điểm sắp gãy, hãy chứng tỏ sự thích ứng của mình. Giống như những cây tre cong, nhưng không gãy.

Các Chủ đề tương tự

  1. Truyền thuyết lông đuôi voi!
    Bởi bmt_ds trong diễn đàn Tâm tình - Ăn uống - Vui chơi
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 13-09-2012, 12:37 PM
  2. ReFlex tự truyện :D
    Bởi Lead trong diễn đàn CLB Mô hình Hải Dương
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 16-09-2010, 04:26 PM
  3. Lịch phát sóng phóng sự về CLB FDC trên truyền hình HD
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 05-06-2010, 04:53 PM
  4. Chương trình So You Thing You Can Dance trên truyền hình Mỹ
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 09:41 PM
  5. Phóng sự truyền hình về CLB FDC
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Phòng truyền thống
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 09-10-2009, 08:41 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •