Trang 15 của 28 Đầu tiênĐầu tiên ... 5131415161725 ... CuốiCuối
Kết quả 141 đến 150 của 277

Chủ đề: BÊN LỀ CUỘC SỐNG - st những câu truyện hay

  1. #141
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    MỆT THÌ ĐẾM BẬC CẦU THANG.
    Anh về nhà lúc bóng tối đã vây khắp bốn bề. Thấy anh về, chị hết sức vui mừng, vội vàng bưng trà, rót nước như đón tiếp khách từ phương xa đến, rồi bước ngay vào bếp nấu nướng.

    Chị vừa tất bật làm cơm vừa kể lể với chồng những việc xảy ra trong mấy năm qua. Nhưng anh không hề liếc nhìn chị lấy một cái khiến chị ngừng bặt, ngượng ngùng như mình đã làm sai điều gì.

    Anh không uống trà do chị bưng lên, không ăn hoa quả chị gọt cho anh. Anh ngồi trên sofa, suy tính làm sao nói cho rõ mọi chuyện. Anh về lần này là để ly hôn với chị.



    Anh và chị lớn lên trong cùng một thôn. Khi chạm ngõ, anh không đồng ý vì một bên chân chị có tật. Mẹ anh bảo, nó tốt bụng, chân có hơi tập tễnh nhưng chẳng trở ngại gì đến công việc, vả chăng chỉ có con bé ấy là thích hợp với gia đình mình.

    Anh là người hiếu thuận, biết mẹ nói như thế là thực tình nên không có ý kiến gì nữa. Nhưng anh không thích chị, chị biết lòng anh không được thoải mái nên trước mặt anh, chị cũng hơi bị gò bó. Chị một lòng đối xử tốt với anh, dường như chỉ có thế mới bù đắp được cho anh.



    Sau khi cưới hai vợ chồng chuyển lên ở phố huyện. Mẹ chị lên thăm con gái, thấy căn phòng hai vợ chồng thuê vừa chật chội vừa cũ kỹ, chẳng khác gì ổ gà bỏ hoang lâu ngày. Anh bảo, không có tiền mua nhà, có ổ gà mà ở đã là tốt lắm rồi.

    Bà mẹ thương con gái, bỏ ra một số tiền cho chị để hai vợ chồng mua một căn hộ ở phố huyện. Chị bảo, nhà ở tầng năm giá rẻ, mua ở tầng năm vậy. Số tiền còn thừa nên mua thức ăn bổ dưỡng cho mẹ. Lúc ấy, sức khỏe mẹ anh ngày một suy giảm, bà rất hay váng đầu, bác sĩ bảo, nửa tháng nên truyền dịch cho bà một lần. Mẹ anh chỉ có người con duy nhất là anh nên chị phải lo tất cả mọi việc.



    Bạn anh rủ anh đi nơi khác làm thuê, bảo tiền kiếm được ở ngoài đó dễ hơn ở phố huyện rất nhiều. Anh xiêu lòng nhưng lại không nỡ bỏ mẹ ở nhà.

    Chị lúc đó vừa có bầu, suy nghĩ một hồi rồi bảo anh, nếu muốn đi thì cứ đi, ở nhà đã có em. Chị đón mẹ chồng ở dưới quê lên phố huyện ở cùng với mình.

    Anh bảo, kiếm được kha khá tiền tôi sẽ về.

    Chị bảo, kiếm được tiền hay không, anh cứ về là được.

    Anh mới đi được mấy tháng, mẹ anh đã ốm liệt giường. Trong thư gửi cho anh, chị bảo anh nên về. Chồng là núi cho vợ nhờ cậy, chị muốn nương tựa vào trái núi đó. Khi ấy việc làm ăn của anh vừa mới tiến triển, anh viết thư khuyên chị nên cố gắng, anh không thể bỏ việc để về được.

    Thư sau gửi cho anh, chị không nói việc nhà vất vả gian nan nữa, chỉ nói mọi việc đều ổn để anh yên tâm về phía ra đình để yên tâm làm ăn.



    Anh đi một mạch đến 5 năm. Sau 5 năm, anh được bạn cùng thôn báo tin mẹ anh sắp nguy, anh đành thu xếp hành lý trở về nhà. Về đến nhà, anh thấy nhà được thu xếp đâu ra đấy. Mẹ anh quần áo tinh tươm sạch sẽ nằm trên giường. Anh nhớ tới lời mẹ bảo anh ngày trước, rằng chị là cô gái tốt bụng và chịu thương chịu khó...

    Chị không hề biết 5 năm qua, công việc làm ăn của anh đã dần dần được mở rộng, anh có công ty riêng của mình và còn có người tình riêng của mình. Người tình của anh đã tốt nghiệp đại học, rất xinh đẹp và duyên dáng. Người tình nói, cô muốn anh cho cô một danh phận. Anh bảo cô, mẹ mình ốm nặng lắm, anh lấy vợ vốn là một sai lầm, có gì lưu luyến nữa đâu!

    Thế rồi anh cầm giấy thỏa thuận ly hôn đã viết sẵn về nhà.



    Anh trải tờ thỏa thuận ly hôn trước mặt vợ, nói, tôi chỉ cần thằng bé, còn tất cả là phần của cô ; ngoài ra tôi còn bù thêm cho cô một khoản tiền lớn nữa. Anh cho rằng mình xử sự như thế là rất có tình và hào phóng.

    Mặt chị lập tức trắng bệch. Một lúc lâu sau chị mới nức nở nói, em không cần một xu của anh, anh để con cho em là được.

    Anh hỏi :

    - Vì sao cô cứ nhất định nuôi con? Cô có khả năng nuôi dạy nó cho tốt đâu? Tôi mới có thể cho nó học một trường tốt nhất, cho nó sống đầy đủ nhất.

    Chị đáp :

    - Em có đủ tình yêu cho nó, như thế chẳng đủ rồi sao?



    Đang lúc hai người tranh chấp thì con trai họ chạy về, nói là muốn tới siêu thị mua đồ chơi. Anh cất tờ giấy ly hôn, đưa con xuống lầu đi siêu thị. Con lớn chừng này rồi mà anh chưa hề chăm sóc nó được tẹo nào, vì thế anh chiều theo ý con, mua rất nhiều thứ cho nó. Khi phải leo cầu thang lên tầng năm, thằng bé kêu mỏi chân, bắt bố cõng. Anh cõng con, leo được hai tầng đã mệt đứt hơi.



    Thằng bé hỏi:

    - Ba có mệt không?

    - Mệt chứ! Con đã lớn thành đứa trẻ lớn rồi mà!

    Thằng bé áp mặt vào lưng bố, nói:

    - Ba ơi, nếu mệt thì ba đếm bậc cầu thang nhé, hễ đếm là ba không thấy mệt nữa đâu!

    Anh không nhịn được cười, bảo con:

    - Sao con ngốc thế? Đếm thì lại mệt hơn ấy chứ? Thằng bé nói :

    - Khi ba vắng nhà, mẹ thường bế con và cõng bà xuống sân phơi nắng.

    Lúc phơi nắng xong trở lên nhà, mẹ bước lên bậc nào thì đếm bậc ấy. Mẹ bảo đếm thì không thấy mệt nữa. Ấy là mẹ còn đau lưng đấy, chẳng lẽ ba không khỏe bằng mẹ hay sao?



    Anh bỗng ngây người rồi trong mắt chợt trào ra cái gì đó long lanh...

  2. #142
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Học cách tôn trọng mọi người



    Đây là câu chuyện có thật xảy ra tại Manhattan nước Mỹ.

    Một phụ nữ tầm 40 tuổi dẫn một cậu bé vào trong vườn hoa của một toà cao ốc của trụ sở một tập đoàn nổi tiếng ở Mỹ. Chị ta không ngớt nói với cậu bé điều gì đó, chị ta có vẻ tức giận. Cách đó không xa có một ông lão tóc bạc phơ đang cắt tỉa cây cảnh.

    Bỗng nhiên, người phụ nữ lấy một chiếc khăn giấy trong túi rồi ném nó lên cái cây mà ông lão đang cắt tỉa. Ông lão cảm thấy vô cùng ngạc nhiên ngoảnh lại nhìn người phụ nữ. Cô ta không quan tâm gì đến ông lão, ông lão không nói gì chỉ bước qua nhặt mẫu khăn giấy để vào một thùng rác gần đó.

    Một lúc sau, người phụ nữ lại ném thêm mảnh khăn giấy khác về phía ông lão, ông lão lại đi nhặt mẫu giấy nát đó và vứt vào thùng rác, sau đó quay về vị trí cũ và tiếp tục làm việc. Cứ như vậy, ông lão liên tiếp nhặt nhiều tờ giấy bị vò nát từ người phụ nữ, nhưng ông có vẻ không hề tức giận hay bất mãn gì cả.

    Người phụ nữ chỉ tay về phía ông lão rồi nói với con trai mình :

    - Con có nhìn thấy không ? Mẹ hi vọng con hiểu rằng, nếu con cứ tiếp tục lười biếng không chịu học thì tương lai của con sẽ giống ông ta, cả đời chỉ có thể làm những công việc vụn vặt thấp hèn như vậy mà thôi!
    Ông lão liền bỏ kéo xuống và bước tới, ông nói với người phụ nữ :

    -Thưa phu nhân, đây là vườn hoa của tập đoàn chúng tôi, ở đây qui định : chỉ nhân viên trong công ty mới được vào.

    -Thì đương nhiên rồi, tôi là Trưởng bộ phận của một công ty thuộc tập đoàn này. Tôi đang làm việc trong toà cao ốc kia kìa!

    Người phụ nữ kiêu ngạo nói, còn rút thẻ nhân viên quét qua mặt ông lão. Ông lão trầm giọng xuống:

    -Tôi có thể mượn di động của bà một lát không ?

    Người phụ nữ đưa điện thoại cho ông lão nhưng tỏ ra rất không thoải mái, đồng thời vẫn không ngừng nhắc nhở con trai:

    - Con xem, ông ta nghèo đến nỗi không đủ tiền để mua cho mình một chiếc điện thoại. Nhất định ngày sau con phải cố gắng mà học.

    Ông lão gọi xong liền trả điện thoại lại cho người phụ nữ.

    Rất nhanh chóng, liền có một người đàn ông chạy đến, cung kính cúi đầu đứng trước mặt ông lão, ông lão nói:

    -Tôi đề nghị cách chức người phụ nữ này trong tập đoàn của chúng ta!

    - Vâng, tọi sẽ lập tức làm theo lệnh của ngài ạ!

    Ông lão nói xong liền nhìn cậu bé và khẽ xoa đầu nó, nhẹ nhàng nói :

    - Ông hi vọng cháu hiểu rằng, trên thế giới này điều quan trọng nhất là học cách tôn trọng người khác…

    Nói xong, ông cụ liền đi trước, bỏ lại 3 người ở phía sau. Người phụ nữ vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc vừa xảy ra, chị ta biết người đàn ông vừa xuất hiện- đó là người giữ chức vụ cao nhất trong tập đoàn về quản lý nhân sự. Chị ta ấp úng :

    -Anh… anh… tại sao lại tôn trọng một lão làm vườn đến như vậy ….

    -Gì cơ ? Cô vừa nói gì ? Ông lão làm vườn à…..đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị , cô không biết sao ?

    Người phụ nữ nghe xong thất thần, khuỵu hẳn xuống chiếc ghế đá ở vườn hoa.

  3. #143
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Chuyện của thời con nít




    (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ)

    Thằng Á hơn mình hai tuổi, năm lớp bảy nó đã phổng phao như một gã đàn ông thực thụ. Mỗi lần thi đứa nào đái xa hơn, nó không có đối thủ, bắn một phát dài sáu, bảy mét. Bọn mình phục lăn.

    Nó đã biết ăn diện. Luôn luôn bỏ áo vào quần, kể cả vác rựa đi rừng nó cũng quần áo chỉnh tề như đến lớp. Túi quần sau nó nhét một cái bóp căng phồng, tất nhiên trong bóp toàn giấy loại. Nó còn găm thêm một dãy năm cái nắp bút Trường Sơn. Túi áo trên cũng một bóp căng cứng, năm cái nắp bút nhưng là nắp Kim Tinh, Hồng Hà. Hồi này bút cũng là một vũ khí khoe giàu, ai cũng biết túi nó toàn nắp bút thôi, cười, nó cứ mặc kệ, đeo đủ mười cái nắp bút cả hai túi.

    Cái đầu nó chải mượt, vuốt bằng nước lã, khô lại nhúng nước lã vuốt, không khi nào ngừng. Từ nhà lên rừng chừng bảy cây số, trời nắng, đi được một đoạn tóc đã khô, nếu không có con gái đi cùng thì thôi, có con gái thì nhất định cứ chốc chốc nó lại nhúng nước ruộng vuốt vuốt, nước ruộng đầy phân trâu nó cũng mặc kệ.

    Nó mê nhất chị Du. Chị Du bằng tuổi thằng Á, không xinh nhưng trắng trẻo múp máp. Bộ ngực hết chê, to đùng, lúc nào cũng như muốn trào ra khỏi cổ áo. Bất kỳ nơi đâu có chị Du là có thằng Á, nó kè kè bên chị suốt ngày. Chị Du không thích nó, chửi mắng nguýt lườm nó cũng mặc kệ. Một lần đi rừng lấy củi, hầu như chị Du chẳng phải làm gì, chị luôn mồm nói không cần không cần, nhưng lại ngồi yên để nó lo xong cả gánh củi, cứ thế gánh về, không thèm cảm ơn nó một câu.

    Đến lớp, thằng Á ghét nhất thầy Đường. Thầy dạy toán, dạy cực giỏi, giải toán như bày trò chơi, ai cũng hiểu, thích lắm, nhưng thằng Á vẫn ghét. Chỉ vì thầy hay đi xuống chỗ chị Du, mồm hỏi hiểu không nhưng mắt thì cứ... nhìn chị. Một giờ thầy đi xuống chỗ chị cả chục lần hỏi hiểu không.

    Thằng Á tức thầy lắm, ba bốn lần nó ném trộm thầy. Có lần thầy bị sưng mặt nghỉ mất một tuần, thằng Á ân hận lắm, nó vác cả quả mít to đến thăm thầy. Nhưng hết bệnh, hễ đến lớp là thầy cứ xuống chỗ chị Du hỏi hiểu không. Thằng Á lại ném đá. Nó còn lấy phấn viết lên bảng tin nhà trường một câu thật to: Đả đảo đế quốc Đường!

    Mình được phân công giúp chị Du học tập, thằng Á vì thế đâm ra thân mình, có gì ăn được nó đều dành cho. Nó nói mi canh con Du cho tao, đừng cho thầy Đường làm bá láp. Mình nói mi nói tào lao, thầy Đường có vợ rồi, đảm bảo không có chuyện chi đâu. Nó không chịu. Hôm thì nó nói tao thấy thầy Đường rờ con Du, hôm thì nói tao thấy thầy Đường đứng troắt con Du sau hồi lớp. Là nó tưởng tượng ra vậy thôi, chắc không có.

    Chị Du cũng thương mình, có cái chi cũng cho mình ăn. Buổi tối hai chị em học trong hầm, chị cứ ngồi sát lại hỏi răng răng, nói lại nghe coi. Mình cũng thích nhưng không dám làm gì, lẳng lặng dịch ra. Chị Du nói với mình em thân thằng Á, nói với nó đừng có làm ba chuyện bá láp. Mình hỏi làm chi, chị nói nó đi rờ, đêm mô nó cũng đi rờ nữ dân quân đội ba.

    Hồi này trai gái 16 tuổi trở lên đều vào dân quân, đêm nào cũng tập trung ngủ một chỗ, sẵn sàng chiến đấu. Con trai ngủ ngoài đồng, con gái ngủ ở nhà kho hợp tác. Làng Đông có ba đội, ba nhà kho đêm nào con gái cũng sắp hàng ngủ cả dãy dài. Đêm nào thằng Á cũng ra nhà kho đội ba để rờ con gái. Nó khoe nó biết đi rờ từ hồi học lớp năm, anh Diệu bày cho nó. Mình nói mi làm rứa không sợ người ta bắt được à? Nó nói sợ chi, nhà kho đèn đóm không có, tối om, đa số giả đò ngủ say, mình muốn làm chi thì làm.

    Mình không tin. Nó kể nó chỉ bị một lần người ta bắt được thôi. Lúc đó nó đang rờ chị Thuận, chị giật mình tỉnh dậy chụp tay nó hỏi tay ai đây? Nó lanh trí chụp tay cô nằm bên, cô này nói tay em. Chị Thuận thả ra, thế là nó thoát. Nghe nó kể tay lần vào đâu, đặt tay vào đâu, bóp bóp thế nào, rất hấp dẫn. Tối nào đi rờ về nó cũng kể. Vừa sáng bảnh mắt mình đã vọt sang nhà nó hỏi răng rồi, tối qua rờ ai, rồi ngồi há mồm nghe nó kể.

    Nó nói tao rờ hết lượt rồi chỉ không rờ được con Du, vừa động cái nó tỉnh liền. Có hôm còn cho tao mấy tát. Mình phục chị Du lắm, đâm thích chị. Khi chị ngồi dịch lại gần hỏi răng răng, nói lại nghe coi, mình không dịch ra nữa. Mình hỏi chị, nói thằng Á rờ chị, chị tát nó à. Chị nói ừ, lần sau chị cào mặt hắn ra cho tướt bơ thì thôi.

    Mình nói em rờ chị, chị có tát không? Chị lườm mình, nói mất dạy! Từ đó đến hết năm lớp bảy, mỗi lần ngồi học với chị Du mình đều vẩn vơ nghĩ : nếu mình rờ chị Du, không biết chị có tát không?

    Rồi mình theo thằng Á đi rờ, chính xác là đi xem nó rờ. Tối om. Các nữ dân quân ngủ say như chết, có người nói mớ, có người nghiến răng, có người đánh rắm, đủ cả. Mình nói thầm ngủ như chết, hè? Nó nói thầm tỉnh cả đó, giả đò thôi. Thằng Á lần lượt đi từ đầu dãy đến cuối dãy, có người rờ mau, có người rờ lâu nhưng đều trót lọt. Mình bám theo nó nhưng không dám làm gì, và thật sự cũng chẳng thấy nó làm gì.

    Chị Du nằm cuối dãy, dạng chân tay thoải mái vô tư, nghiến răng ken két. Thế mà thằng Á vừa động đến bàn chân, chị đã đạp một đạp cực mạnh trúng ngay mũi nó, xong lại ngủ say sưa, lại nghiến răng ken két. Thằng Á ôm mũi ghé tai mình, nói thầm mi rờ ai thì rờ mau lên, anh D. anh C. sắp đến rồi. Rồi nó đi ra.

    Mình đứng một mình nhìn chị Du nằm dạng chân tay, rất dễ rờ. Tự nhiên lên cơn thích, lén bò đến. Mình vừa đặt tay lên chị, chị đã chụp mạnh tay mình. Mình giật mình, lạnh toát, tim đập thình thình, cố rút tay bỏ chạy nhưng không được.

    Chị Du vẫn ngủ, nghiến răng ken két, tay vẫn giữ chặt tay mình. Chị kéo tay mình lên bụng rồi ấn từ từ...
    Mình chạy ra khỏi nhà kho. Thằng Á hỏi răng? Mình cười, nói hay hè hay hè. Nó hỏi mi rờ ai, mình nói tao rờ chị Du. Thằng Á trợn mắt nghiến răng, nó đạp mình một đạp, lộn đúng ba vòng. Từ đó thằng Á không chơi với mình nữa, đến cái mặt cũng chẳng thèm nhìn. Mình xấu hổ cũng lánh dần chị Du. Hết lớp bảy, cả chị Du và thằng Á đều ở nhà. Mình lên học cấp ba.

    Một chiều mình gặp thằng Á ngồi bệt giữa đường, mặt sưng vù. Mình hỏi đi mô rứa, nó không nói, mình hỏi mặt răng rứa, nó cũng không nói. Rất lâu sau nó ngẩng lên, mắt rưng rưng, nói con Du vẫn không cho tao rờ.

    Tháng sau thằng Á đi bộ đội, đến năm 1974 thì báo tử. Tự nhiên thấy chị Du đeo tang. Chị cuốn cái tang trắng trên đầu, đi từ đầu làng đến cuối xóm, mặc kệ ai muốn nói gì thì nói.


  4. #144
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Ả giang hồ túng bấn

    Lần đầu ả xuất hiện bên gốc cây lim xẹt to đùng trong công viên với một mớ khăn nón bùng nhùng trên tay, đoàn người hăng hái đi bộ nháy mắt nhau: “Con giả!”. Thằng mập ú ù, nghễnh ngãng nhưng đi đứng cũng không kém phần hùng dũng, ngước mặt lên trời cười ha ha: “Coi chừng cúp bế”. Ai nói gì mặc, ả vẫn ôm mớ bùng nhùng ngồi yên cả buổi, mê nón ngửa ra dưới bờ cỏ bên cạnh không có xu nào!

    Hôm sau, hôm sau nữa, ả vẫn ngồi chỗ cũ, để ý thì thấy mớ khăn nón bắt đầu động đậy. Thằng nghễnh ngãng lướt nhanh trong đoàn người quyết tâm giữ gìn sức khỏe như quân lệnh hô to: “Con thiệt, con nít thiệt nghen!”. Bà cao không quá mét tư giắt xâu chìa khóa leng keng nơi cạp quần đánh mạnh hai tay qua khỏi đầu bĩu môi: “Ai biết được, chừng con vay con mượn!”.

    Ông già cao kều, đi bộ nhưng cũng thích nhảy disco theo nhạc của mấy quán nước trong công viên, thắc mắc: “Ụa, con nít mà cũng vay mượn được à, vay là vay làm sao?”. Lại thằng nghễnh ngãng: “Sáng ẵm đi, chiều ẵm dìa, chia với ba má nó năm mươi phần trăm”. Mấy ông trượng phu, chừng là doanh nhân doanh nghiệp, áo thun, quần soóc, giày hiệu trắng tinh không thèm nghe ba câu bốn điều của “xóm nhà lá” đang di động phía trước, nghiêng mình bỏ vào mê nón ả giang hồ ít xu.

    Một tháng, hai tháng, ba tháng... ả giang hồ vẫn ngồi bên gốc lim xẹt già với mớ bùng nhùng động đậy. Dòng người đi bộ vẫn rồng rắn trôi qua, ốm - mập, khỏe khoắn - bệnh tật sao không biết, nhưng dường như họ đã ngày càng có nhiều chuyện để nói với nhau hơn. Có người đã chịu tin đứa bé là con ả giang hồ vì thỉnh thoảng ả vạch vú cho nó bú. Người thấy trước tiên và loan tin cho nhiều người cùng tin là thằng nghễnh ngãng. Mê nón ả ngày nào cũng đầy xu lẻ, thỉnh thoảng có mấy tờ “giấy xăn” mệnh giá mười ngàn, hai mươi ngàn đồng.

    Bà cao chưa quá mét tư vẫn kiên quyết không tin: “Con gì mà con! Cho thằng nhỏ bú vú da chết mẹ! Chỉ giỏi lừa mấy thằng cha thích vú!”. Bà còn giải thích thêm với mấy chị đồng hành: “Hổng thấy sao, mắt nó trắng dã, môi nó thâm sì, đầu tóc rối bung bảy tám màu, không giang hồ hết thời ăn nhờ con nít thì là cái thứ gì!”. Ông đeo dây đo huyết áp lòng thòng đi qua khó chịu: “Không cho tiền người ta thì thôi, ai ép! Đúng là nhứt lé nhì lùn!”.

    Bà cao không quá mét tư ăn miếng trả miếng: “Đồ đàn ông vô duyên thúi!”. Thằng nghễnh ngãng lại ngước mặt lên trời cười ha ha: “Ai biểu bà nói thằng chả ham vú làm chi!”. “Tao nói hồi nào, thằng quỷ”. “Bà hổng nói trắng ra nhưng thằng chả cho tiền con mẹ kia nhiều nhứt á... ha ha ha...”. Câu nói vô tình của thằng nghễnh ngãng khiến “xóm nhà lá” của bà cao không quá mét tư bán tín bán nghi. Sự hồ nghi này lọt vào tai bà vợ ông đeo dây đo huyết áp luôn lững thững đi sau chồng nửa vòng công viên. Vậy là bữa sau, rồi bữa sau nữa... ông đeo dây đo huyết áp chỉ biết gồng mình đi thẳng mỗi bận ngang qua mẹ con ả giang hồ.

    Gió heo may về, dòng người già trẻ lớn bé vẫn diễu hành quanh công viên như những người yêu thích vận động nhất thế giới, lại cũng thằng nghễnh ngãng bô bô cái miệng: “A! Thằng nhỏ biết cười, nó cười đẹp trai hết biết à nghen!”. Nghe tiếng cười lắc rắc trong veo của thằng bé, người nhón gót nhìn, người đưa ngón tay quẹt đôi má bầu bĩnh xinh xinh của nó. Mấy ngày thằng bé cười nhiều, bà vợ ông đeo dây đo huyết áp không đến công viên, thế là bận nào đi qua ông cũng ngẩng cao đầu, tự tin bỏ vào mê nón ả giang hồ mấy tờ “giấy xăn” mới cáu.

    Đến một ngày, chỉ có thằng bé nằm trơ trọi dưới gốc lim xẹt già, nó chĩa hai chân lên trời khóc nga nga. Thằng nghễnh ngãng nhào vô ôm nó. Kiến lửa cắn đỏ hai vành tai thằng bé, mọi người bu lại tíu tít xoa dầu cho nó.

    Nghễnh ngãng ôm thằng bé về “nhà”, là góc dạ cầu bắc qua con kênh Nhiêu Lộc đen ngòm và hôi hám. Bà cao chưa quá mét tư không còn bắng nhắng chuyện thằng bé bú vú da hay bú vú có sữa. Cùng vài thành viên trong “xóm nhà lá”, bà quyên góp tiền, sữa, quần áo... mang đến dạ cầu cho cha con thằng nghễnh ngãng. Nghễnh ngãng bị gọi là “thằng” bởi vì nó nghễnh ngãng không chịu lớn, chớ tuổi thì chắc cũng đã “hăm”, nên nhu cầu làm cha của nó là chính đáng, bà cao chưa quá mét tư nghĩ vậy mà hăng hái đứng ra quyên góp.

    Có người kêu nghễnh ngãng đem con giao cho mấy ông phường để làm thủ tục vô trại mồ côi nhưng nó không chịu. Nó thấy đời quá khác kể từ ngày nó được làm cha. Không còn thời gian ra chợ rau củ quả Cầu Muối nhặt nhạnh, không còn thời gian đến công viên đi bộ, suốt ngày nghễnh ngãng bám dạ cầu, tưng tiu thằng con ngang hông như cục vàng. Thằng bé hết bú mớm, ăn uống, đái ỉa rồi la khóc, vậy mà nghễnh ngãng vẫn thấy vui như tết vì lần đầu tiên trong đời nó có một tình thâm, tính từ ngày ngơ ngác lớn lên ở chợ Cầu Muối và biết mình tứ cố vô thân.

    ...Đêm, có bà già núp khuất chân cầu nghe nghễng ngãng hát ru con, nước mắt bà lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo... Bấm đốt tay tính, vậy là thằng bé đã đầy tuổi tôi, kể từ ngày bà nhặt nó ở đống rác bên cạnh giỏ quần áo, sữa sùng và giấy chứng sinh của Bệnh viện Từ Dũ. Nuôi thằng bé được hai tháng, bà bị lao phổi nặng. Biết không kham nổi bởi cảnh già bần hàn, cô đơn; bà mang nó đặt trước phòng của một ả giang hồ thuê cách chỗ bà ở hai cái bùng binh.

    Mấy tháng sau, nghe trong mình đỡ đỡ, bà hỏi thăm tin tức ả qua mấy cô bạn cùng “làm gái”. Nhờ vậy nên bà mới biết mà mò đến cái công viên có lắm người đi bộ, còn nghe thêm, ả giang hồ đã chuyển sang giai đoạn cuối của bệnh HIV từ ba tháng trước...

  5. #145
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    TẠI SAO PHỤ NỮ KHÓC ?

    Một cậu bé hỏi mẹ:

    - Tại sao mẹ lại khóc?

    Người mẹ đáp:

    - Vì mẹ là một phụ nữ.

    - Con không hiểu - Cậu bé thốt lên.

    Người mẹ ôm chặt con và âu yếm:

    - Con không bao giờ hiểu được, nhưng nó là như thế đấy...

    Thời gian trôi đi, cậu bé lại hỏi cha:

    - Tại sao mẹ lại khóc hở cha?

    - Tất cả phụ nữ đều như thế, con yêu ạ - người cha mỉm cười đáp.

    Cậu bé lớn dần lên và khi trở thành một người đàn ông, anh vẫn thường tự hỏi: "Tại sao phụ nữ lại khóc?".

    Cuối cùng anh tìm đến một nhà hiền triết. Nghe hỏi, nhà hiền triết ôn tồn nói: "Khi Thượng đế tạo ra người phụ nữ, người phải làm cho họ thật đặc sắc. Người làm cho đôi bờ vai họ cứng cáp để che chở được cả thế giới, đôi tay họ mát lành để che chở sự yêu thương, và người cho họ một sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau.

    Người cho họ một sự dũng cảm để nuôi dưỡng và chăm sóc gia đình, người thân, bạn bè ngay cả những lúc mọi người dường như buông trôi, và dù có nhọc nhằn đến mấy đi nữa họ không bao giờ than thở...

    Người cho họ tình cảm để họ yêu thương con cái ở mọi nghĩa trên đời, ngay cả những lúc con cái họ gây cho họ đau khổ.

    Người cho họ sức mạnh để chăm sóc người chồng của họ, tránh vấp ngã vì người tạo dựng họ từ những xương sườn của người đàn ông để bảo vệ trái tim anh ta...
    Người cho họ sự khôn ngoan để biết rằng một người chồng tốt sẽ không bao giờ làm tổn thương vợ mình, hiểu rõ sự chịu đựng của người phụ nữ và cô ta luôn thấp thoáng sau mỗi thành công của người chồng.

    Để làm được những việc nhọc nhằn đó, người cũng đã cho họ giọt nước mắt để rơi, để họ sử dụng bất cứ lúc nào và đấy là điểm yếu duy nhất của họ. Khi con thấy họ khóc, hãy nói với họ con yêu họ biết bao và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên".

  6. #146
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    NHỮNG CON DỐC CUỘC ĐỜI.

    Khi bạn đạp xe lên một con dốc con, mồ hôi chảy ướt áo và bàn chân tưởng như mỏi nhừ thì bạn sẽ được tận hưởng sự tuyệt vời khi chiếc xe lăn nhanh xuống con dốc phía trước, những giọt mồ hôi bốc hơi, để lại cảm giác mát lạnh khiến bạn quên nhanh tất cả mệt mỏi...

    Cuộc sống cũng giống như một con đường rất dài. Dù có đang chạy trên những đoạn bằng phẳng, người ta vẫn không bao giờ quên sẽ có lúc phải đối diện với việc lên dốc và cả xuống dốc. Một người bạn đã nói với tôi điều giản dị ấy khi cùng một lúc, cô bạn phải đối diện thất bại, cả trong tình yêu lẫn trong công việc ở công ty. Điều làm tôi nể phục cô bạn ấy là sự can đảm. Cô ấy không khóc, không oán trách, cũng không lặng lẽ suy sụp. Bởi lẽ bạn tôi biết tự thu xếp, đặt những nỗi buồn sang một bên, dành sức lực để tiếp tục "vượt dốc".

    Rất nhiều khi trong nhịp sống gấp gáp này, nỗi mệt mỏi, sự chán chường, cảm giác thất vọng đã vắt kiệt sức lực; lấy đi niềm lạc quan. Bạn muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nếu bạn dừng lại và quay nhìn trở về điểm xuất phát, bạn sẽ biết cái cảm giác tuyệt vời khi nhìn những gì ta đã vượt qua. Có thời điểm bạn nhận ra mình đang đứng trên đỉnh dốc. Hít thật sâu và nhìn kỹ về phía trước, bạn không cần phải hét lên sung sướng. Và khi ấy, điều bạn tự nhắc mình sẽ là tìm thêm những đỉnh cao mới, không cho phép mình thả dốc quá nhanh.


    Cuộc sống của chúng ta giống như những chuyến đi bởi lẽ, ta luôn có nhiều những lựa chọn nhưng không nên mất quá nhiều thời gian để tìm được kết quả mình muốn. Khi thật sự rã rời thân thể, bạn hãy dừng lại ven đường nghỉ ngơi đôi chút. Dừng lại và bước đi đúng là cách phục hồi năng lực nhanh chóng nhất.


    Lên dốc tuy chậm chạp, mệt mỏi thật nhưng phải thừa nhận mức độ an toàn cao hơn khi bạn thả dốc. Cảm giác của việc lao nhanh và phía trước tuyệt vời thật, nhưng biết đâu vực thẳm đâu đó mà bạn không kịp nhìn thấy, và biết đâu chiếc xe đã bị đứt thắng phanh. Có hàng trăm trở ngại, và bạn không bao giờ được tự mãn...

    Đâu là con dốc của bạn?


    Cuộc sống cũng giống một con đường, khi bạn đang bước trên những khổ đau thì đó là lúc bạn buộc phải "lên dốc" trong hành trình của đời mình. Dĩ nhiên, lúc tận hưởng cảm giác hạnh phúc thì không phải bất hạnh sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Cuộc đời vốn là một chuyến đi, cái bạn cần là "để dành" sức lực và cảm hứng cho những chặng đường kế tiếp.

  7. #147
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Câu truyện cổ tích trong bệnh viện chợ rẫy

    Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật về tình yêu và lòng nhân ái.

    Tôi một bà mẹ đơn thân, ly dị chồng đã 6 năm và một mình nuôi con gái nhỏ. 37 tuổi, năm tuổi, chiều 30 tết, năm nay một người say rượu tông xe máy vào tôi. Tôi xỉu đi, tỉnh dậy tôi nằm trong phòng cấp cứu bệnh viện Chợ rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Chân gẫy nát, tay gẫy, gẫy 9 xương sườn và dập phổi. Tôi phải thở bằng máy và ăn bằng ống thông. Bác sĩ nói tôi bị đa chấn thương quá nặng có thể sẽ không qua khỏi. Bạn bè và đồng nghiệp tôi đến thăm đều lặng người. Họ rơi nước mắt vì quá thương tôi. Tôi nghèo không lo nổi tiền viện phí. Ông chủ công ty Vietnam Housewares nơi tôi làm việc và các bạn đồng nghiệp đã gom góp lại để có thể trả cho tôi chi phí khổng lồ ở phòng cấp cứu. Bạn bè học chung đai học với tôi, K25, Khoa tiếng Trung quốc, ĐHNN, ĐHQG HN đã chung tay đóng góp để lo viện phí cho tôi. Tuyết cô bạn học chung đại học với tôi liên tục vào động viên tôi trong phòng cấp cứu. "Mày phải cố gắng chiến thắng cái chết nhé. Mày còn con nhỏ và bố già phải nuôi, không được bỏ cuộc, đừng phụ lòng yêu thương của gia đình và bạn bè. Mày phải sống". Tôi cố gắng chiến đấu với tử thần. Sau 2 tuần tôi không phải thở máy nữa và được chuyển ra khỏi phòng cấp cứu. Tôi được chuyển đến khoa Lồng ngực bệnh viện Chợ rẫy tiếp tục điều trị. Tôi phải mổ phổi, rất đau đớn và tôi ho rất nhiều. Sau đó một tuần tôi được chuyển đến khoa chấn thương chỉnh hình.

    Tôi phải thuê một người chăm sóc tôi vì tôi không có người thân bên cạnh. Bố tôi đã gần 70 tuổi, đã già, đầu bạc trắng phải ở nhà chăm cho cô con gái nhỏ 8 tuổi của tôi. Ông thương tôi lắm, khóc hết nước mắt. Tôi nhìn xung quanh ai cũng có người thân chăm sóc, còn tôi nằm cô độc một mình, không người chăm sóc. Xung quanh tôi, chồng chăm sóc vợ, vợ chăm sóc chồng, cha mẹ anh chị em chăm sóc lẫn nhau. Nghĩ đến thân phận mình tôi rơi nước mắt. Nếu bạn có tiền bạn có thể thuê người giúp việc, nhưng bạn không thể mua được tình thương. Trong lúc bạn bị chấn thương nặng bạn cần biết bao một người nào đó yêu thương mình để an ủi, động viên. Tôi rất mệt hàng ngày họ truyền rất nhiều các loại thuốc kháng sinh vào người tôi. Đôi khi tôi bị thức giấc bởi tiếng la hét của một cô bé 16 tuổi vì cô bé quá đau. Lúc đó tôi mở mắt ra, tôi thấy có một người đàn ông chạc tuổi tôi chăm sóc rất tận tình cho cô bé đó. Cô bé không ngừng la hét và kêu rên. Có tới tận 4 người thân đi theo chăm sóc cho cô bé đó. Còn tôi không có nổi một người thân. Nhìn sang bên giường bên cạnh tôi thấy một cặp vợ chồng. Chồng đang âu yếm chăm sóc cho vợ khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi ao ước: Giá như tôi có một người chồng thương yêu và chăm sóc cho tôi trong hoàn cảnh này.....

    Cô bé lại la hét và tôi mở mắt ra, lại thấy người đàn ông chăm sóc động viên cô bé. Một người bên cạnh nói với tôi đó là chú ruột của cô bé. Tôi ao ước : Giá như tôi có một người chồng chăm sóc và thương yêu tôi như người đàn ông này. Bất chợt người đàn ông đó nhìn thấy ánh mắt buồn bã của tôi. Anh ta tiến đến gần tôi và nói: "Em cần gì không? Để anh lấy thuốc cho em uống nhé. ". Tôi gật đầu. Anh đỡ tôi dậy và ái ngại nhìn cái chân gẫy nát của tôi. Anh nói : Chắc em đau lắm phải không?. Tôi đáp: "Vâng, em gẫy chân, gẫy tay và gẫy chín cái xương sườn nữa". Anh nhìn tôi đầy ngạc nhiên. Anh thương tôi, một người con gái bé nhỏ, yếu đuối mà phải chịu quá nhiều đau đớn và không người thân chăm sóc.

    Vài ngày sau tôi xuất viện và chúng tôi trao đổi điện thoại và tin nhắn cho nhau. Anh nhắn tin cho tôi : Từ ngày em xuất viện anh nhớ em lắm. Qua tìm hiểu tôi biết anh vẫn chưa vợ và bằng tuổi tôi. Chẫn tôi bị nhiễm trùng, phải nhập viện mổ lại. Bác sĩ nói, chân tôi gẫy rất phức tạp và viêm xương. Tôi phải điều trị ít nhất là một năm trong bệnh viện hoặc lâu hơn nữa mà chưa chắc đã đi được". Tôi buồn quá, cuộc đời thật bất công với tôi, tôi còn con nhỏ phải nuôi. Tôi lấy đâu ra tiền để nằm viện một năm bây giờ? Tôi khóc rất nhiều. Anh luôn gọi điện thoại động viên tôi và mong tôi hãy lạc quan và yên tâm điều trị. Nhưng tôi quá bi quan, chân tôi đã mỗ 4 lần mà vẫn không hết nhiễm trùng, chắc tôi phải cưa chân rồi. Thương tôi, anh lặn lội hơn 100 cây sỗ từ Bình phước xuống bệnh viện thăm tôi. Gặp tôi, anh nắm chặt tay tôi và nói: Anh thương em lắm em có biết không? Anh thương em khi nhìn thấy em lần đầu tiên ở Bệnh viện Chợ rẫy. Tôi không dám tin đây là sự thật. Tại sao bao nhiêu người con gái lành lặn sẵn sàng đến với anh mà anh không thương mà lại thương em, một người chân gẫy nát và không có tương lai như em. Tôi nói cho anh nghe sự thật về cái chân của tôi và nghĩ rằng anh sẽ nản lòng và bỏ cuộc. Nhưng không anh nói: Anh thương em nhiều hơn. Anh tin rằng, một ngày nào đó em sẽ lành lặn.

    Chị Thúy một người tôi bạn tốt của tôi, đến thăm tôi. Chị nói vợ chồng chị muốn rớt nước mắt vì thương tôi. Chị quyết định giúp đỡ tôi một phần viện phí và đổi bác sĩ giỏi điều trị cho tôi với hy vọng tôi sẽ không phải cưa chân. Tôi rất cảm động trước lòng tốt của chị dành cho tôi. Trên đời này có biết bao nhiêu người tốt mà ông trời đã mang đến cho tôi để giúp tôi quên đi nhưng cơn đau cùng cái cẳng chân gẫy nát này. Ước mong một ngày tôi lành lặn để tạ ơn chị.

    Khách hàng thân thiết của công ty tôi cũng đến bệnh viện thăm tôi và giúp đỡ tôi viện phí. Họ thỉnh thoảng vẫn gọi điện thoại cho tôi và động viên tôi lạc quan chiến đấu với bệnh tật.

    Tháng 5/2011, tôi nhập viện lần thứ 3 và mổ chân thêm 2 lần nữa vì nhiễm trùng. Tôi nhìn xung quanh rất nhiều bệnh nhân cũng bị nhiễm trùng và phải điều trị rất lâu với hơn 10 lần mổ mà vẫn chưa khỏi. Nghĩ đến tương lai cái chân của tôi, tôi lại bật khóc. Tôi bị tai nạn 4 tháng, 6 lần mổ rồi, lại bị cắt một đoạn xương do nhiễm trùng nữa làm sao tôi còn đi được nữa đây. Con tôi ai sẽ lo đây?Có ai thương tôi không? Đời tôi sao khổ thể này? Đúng lúc đó, được sự động viên của gia đình anh gọi điện anh sẽ đến bệnh viện chăm sóc cho tôi vì anh rất thương tôi và yêu tôi. Tôi không tin điều này là sự thật. Trời ơi, giữa thời buổi bon chen, thực dụng này vẫn còn chuyện cổ tích xảy ra hay sao?Tôi nói chuyện với bố tôi. Bố tôi lên Bình Phước gặp gia đình anh và được biết cả gia đình anh đều rất thông cảm với hoàn cảnh của tôi và động viên anh chăm sóc cho tôi. Biết đâu với sức mạnh của tình yêu anh dành cho tôi, tôi sẽ mau lành bệnh. Anh nói với tôi: “Anh sẵn sàng từ bỏ công việc, anh không làm việc này thì làm việc khác, nhưng anh sẽ chăm sóc cho đến khi em lành lặn, dù anh biết rằng chặng đường chữa bệnh của em lâu dài và gian nan”.

    Những ngày anh chăm sóc cho tôi trong bệnh viện là những ngày tôi hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Anh chăm sóc cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ, và rất chu đáo. Đêm nào anh cũng ngồi lặng lẽ bóp chân cho tôi và an ủi tôi mỗi khi tôi khóc lóc, bi quan, chán nản. Những người xung quanh tưởng anh ấy là chồng nên bảo tôi. Số tôi thật có phước lấy được một người chồng thật chu đáo và thương yêu vợ hết lòng. Anh nói với tôi: "Mình đăng ký kết hôn em nhé"". Tôi nói: "Em sợ lắm, nhỡ đâu em phải cưa chân thì sao, bác sĩ không nói em còn đi được nữa không". Anh nói: Cho dù em như thế nào, có phải đi bằng chân giả đi chăng nữa anh vẫn thương em. Anh yêu trái tim và tâm hồn em."Hiện giờ, anh vẫn ở bên tôi, yêu thương và chăm sóc tôi tận tụy, ân cần. Hàng ngày anh còn thay băng cho cái chân gẫy của tôi chẳng khác gì một điều dưỡng thực thụ. Cám ơn ông trời đã mang anh đến cho tôi.Tôi rất cảm động trước tình yêu anh dành cho tôi.

    Cuộc đời tôi như thế này tất cả là do thằng say rượu gây ra. Nó không thăm hỏi tôi và bỏ trốn. Tôi tin rằng ông trời có mắt và có một ngày nó sẽ sa lưới pháp luật.

    Tôi xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ quý báu của ông chủ và tất cả đồng nghiệp công ty Vietnam Housewares, bạn bè K25, Khoa tiếng Trung quốc, ĐHNN,ĐHQG HN, gia đình, họ hàng và bạn bè xa gần đã bên cạnh tôi và giúp tôi vượt qua cái chết trở về với cuộc sống. Tôi nhận ra một điều, nếu bạn sống tốt khi bạn gặp nạn sẽ có rất nhiều người thương yêu và giúp đỡ bạn. Trên đời này vẫn còn rất nhiều người tốt và có tấm lòng nhân ái. Tôi hy vọng câu chuyện của tôi sẽ là thông điệp nhắn gửi tới tất cả các bạn: Hãy tin rằng còn có rất nhiều người có tấm lòng nhân ái trong xã hội này.

    P/S: Có ai biết bác sĩ CTCH nào giỏi chữa được bệnh viêm xương thì giới thiệu giúp tôi nhé. Tôi vô cùng biết ơn. Email:
    lebichly@gmail.com

  8. #148
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Lời cuối cho em.

    Có một cặp vợ chồng đã trên 50 tuổi, điều kiện kinh tế khá giả, đáng lẽ ra cả hai nên dành thời gian để tận hưởng cuộc sống về hưu, nhưng họ lại cùng nhau mời một luât sư để làm thủ tục ly hôn. Nguyên nhân là kể từ khi cưới nhau đến giờ hai người thường xuyên cãi nhau, ý kiến bất đồng, tính cách trái ngược nhau. Họ đã kết hôn 20 năm, nếu không vì thương con thì họ đã chia tay nhau từ lâu rồi.

    Rồi cũng đến ngày con cái họ trưởng thành, hai người không còn phải lo lắng nhiều nữa. Để trả lại tự do những năm tháng cuối đời cho nhau và để không phải chịu đựng những trận cãi vã vô vị nữa, họ quyết định ly hôn.

    Vị luật sư đề nghị sau khi làm xong thủ tục ly hôn, ba người sẽ đi ăn một bữa cơm thân mật với nhau. Trước mặt vị luật sư, phần vì nể nang, phần vì nghĩ rằng hai người đằng nào cũng ly hôn rồi, lại chẳng có thù hận gì với nhau, nên đi ăn một bữa cũng được.

    Cả ba người đi ăn ở nhà hàng trong một bầu không khí rất ngượng ngập Kể ra cũng hơi lạ, một vị luật sư lạ hoắc đi ăn cùng một cặp vợ chồng đã ly hôn. Đúng lúc đó, người bồi bàn mang đến một đĩa gà quay. Người đàn ông lập tức gắp cái đùi gà đưa cho bà vợ và nói :” Em ăn đi, em thích ăn đùi gà mà”

    Vị luật sư mắt sáng lên, bụng thầm nghĩ, cặp này may ra có cơ hội đây.

    Nhưng không ngờ, người đàn bà mắt đỏ hoe nói :” Em rất yêu anh, nhưng con người anh chỉ biết nghĩ đến bản thân mình thôi, chuyện gì anh cũng nghĩ mình đúng, chẳng bao giờ anh nghĩ đến cảm nhận của người khác. Anh có biết rằng , món ăn mà em ghét nhất trên đời chính là đùi gà đấy?”.

    Người đàn ông nghẹn ngào nói :”Em… em chưa bao giờ hiểu tấm chân tình anh dành cho em. Lúc nào anh cũng mong muốn làm thế nào để em được vui vẻ và nhường những gì ngon nhất, tốt nhất cho em. Trên đời này anh thích nhất là đùi gà đấy.”

    Vị luật sư cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Trong mắt ông, hai người này tình nghĩa thật sâu đậm, chỉ vì không hiểu nhau nên phải đối diện với kết cục đau buồn này.

    Đêm hôm đó trong lòng hai người đều cảm thấy một chút tiếc nuối. Bao nhiêu năm tình nghĩa vợ chồng, vậy mà giờ đây kết cục ra nông nỗi này.

    Người đàn ông cả đêm trằn trọc, không ngủ được. Tim ông nhói đau, như có ngàn mũi kim châm. Ông suy nghĩ rất lâu. Cố nén nỗi đau, ông gọi điện thoại cho bà. Ông muốn nói với bà rằng ông hối hận biết bao nhiêu, rằng ông yêu bà biết nhường nào.

    Chuông điện thoại reo, bà biết là ông điện thoại đến, nhưng trong lòng bà còn hận ông lắm. Bà nghĩ ông đã phụ bà cả một đời, bà không muốn nghe thấy giọng nói của ông. Không biết chuông điện thoại đổ trong bao lâu, nhưng bà nhất quyết không nghe. Đằng nào thì cũng ly hôn rồi, sĩ diện quan trọng hơn, làm sao bà có thể nghe điện thoại , thậm chí bà còn ngắt dây điện thoại.

    Ông nắm chặt cái ống nghe lạnh lùng, rất lâu mà không cách nào buông ra ,không nghe thấy giọng nói của bà, tim ông đau như có dao cắt. Thực ra, cả đêm hôm đó bà cũng rất đau lòng, không tài nào chợp mắt, hơn nữa, bà đã quên rằng………………..ông bị bệnh tim.

    Ngày hôm sau, ông được tìm thấy chết trong phòng khách, tay vẫn nắm chặt ống nghe điện thoại.

    Bà không thể tin nổi điều này là sự thật, chỉ vì một chút bực tức mà bà đã để cho người mình yêu sâu đậm vỡ tim mà chết. Giờ đây, cho dù bà có kêu gào cỡ nào, thì cũng chẳng có cách nào làm nụ cười của ông quay trở lại.

    Bà đau lòng sắp xếp những di vật của ông để lại. Bỗng nhiên bà nhìn thấy trong ngăn kéo có một tờ bảo hiểm. Ngày mua bảo hiểm là ngày kết hôn của ông bà, tên người hưởng bảo hiểm là bà. Cho dù số tiền bảo hiểm chỉ có một triệu Đài tệ, nhưng bên trong còn có một bức thư:

    “Em yêu, khi em nhìn thấy tờ bảo hiểm này thì có thể anh sẽ không còn trên cõi đời này nữa, nhưng tình yêu anh dành cho em sẽ không thay đổi, trách nhiệm chăm sóc em sẽ không bao giờ kết thúc. Số tiền bảo hiểm này sẽ thay anh chăm sóc em và tiếp tục thể hiện tình yêu và sự quan tâm của anh đối với em, như anh vẫn đang ở cạnh bên em vậy. Yêu em mãi mãi………

    Bà lúc này nước mắt như mưa, bà đã không nhìn lầm người. Ông là người chân thành tình nguyện chăm sóc cho bà cả cuộc đời.

    Đừng bao giờ để những hối tiếc như vậy xảy ra trong cuộc đời của bạn. Hãy sớm gạt bỏ đi những thành kiến và những sĩ diện không cần thiết. Hãy đổi xử với nhau bằng tình yêu, trái tim chân thành và lòng bao dung, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ đi cơ hội nghe người thân yêu nhất trong cuộc đời thốt lên câu cuối cùng : “Anh yêu em”. Đến lúc đó cho dù bạn có ân hận cỡ nào cũng không thể lấy lại được những gì đã mất.

    Đôi lời nhắc nhở dành cho bạn, nếu có cơ hội, hãy để người yêu của bạn biết rằng bạn yêu người ấy biết bao nhiêu. Hãy dũng cảm nói ra nỗi lòng mình bạn nhé. Nếu như bạn không thể nói ra ba từ “ Anh yêu em” , thì chỉ cần bạn có một tấm lòng, rồi sẽ một ngày người ấy sẽ hiểu ra.

  9. #149
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Lâu lâu gặp lại


    Quán ăn gần trường học của thằng bạn nhỏ mình buổi sáng thường đông khách. Tầm sáu giờ thì trong quán toàn đồng phục đi học của trẻ con, ngồi cạnh là ông cha hoặc bà mẹ hoặc cả hai ba mẹ ngồi giục tụi nhỏ ăn nhanh nhanh. Lúc đó thì chỉ nghe vài thứ âm thanh đều đều đơn điệu, như tiếng húp sì sụp của bầy trẻ, tiếng đũa muỗng khua lẫn trong cái câu hết đơm trên môi này lại nở trên miệng khác : “Ăn lẹ đi con, không thôi trễ học…”.

    Nhưng với hai cha con ngồi bàn kế bên chỗ mẹ con mình thì việc ăn sáng cũng đầy kịch tính. Mới bước vào ông cha hỏi ông con liền tù tì, con ăn bún hay mì, có rau không, ăn giò hay chả cua hay lấy luôn hai thứ, uống trà đá hay nước mía ? Ông con lớn bộn, phù hiệu ghi là học lớp năm, mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn gừng, trả lời ba nó bằng cách kêu vói qua chị chủ quán: “Dì nấu cho con tô bún giống như cũ…”. Ông cha tẽn tò bối rối.

    Ông cha có lý do để bối rối, vì người ta là người dưng lại biết ý, thuộc lòng khẩu vị của thằng con anh, điều mà anh đang làm vô cùng lụp chụp. Vì chiếc CUB "cánh én" của anh tàn tạ quá, vừa nổ điếc tai vừa phun ngói đen mù làm ai cũng ngó lúc nó dừng trước quán. Vì bộ đồ anh mặc sáng nay không được đẹp, đã lấm lem dầu nhớt mà còn te tua khó coi. Vì thằng con anh đang cáu kỉnh quạu quọ. Nó hậm hực đá ghế, quăng cặp, thả nón bảo hiểm xuống nền nhà gây ra những âm thanh gay gắt.

    Ông con cũng có lý do để quạu. Cái áo đồng phục nó đang mặc bị đứt cái nút trên cùng, nghe lóm trong tiếng gầm gừ của nó thì rõ là thằng nhỏ sợ Đội Sao Đỏ trong trường bắt bẻ nó ăn bận không chỉnh tề. Chiếc xe cùi bắp dằn xóc làm nó ê ẩm cái mông. Ba nó ngủ quên không kêu sớm nên nó vẫn chưa kịp chuẩn bị bài. Và thằng nhỏ tức muốn khóc khi ông cha không hỏi gì (vì đã hỏi mà nó không trả lời ?), lặng lẽ vít một muỗng tương ớt bỏ vô tô bún riêu.

    -Đã nói là tui không có ăn cay mà - nó giãy.

    Cha nạt nhẹ hều : “Ê, hổn mậy… “ rồi xìu co ngồi xớ rớ bên mép ghế. Anh muốn chăm chút cho nó, nhưng rõ ràng càng làm càng sai, càng bối rối đến nỗi lấy… thuốc ra hút.

    Thằng con giằng đũa xuống bàn, không thèm nói, tay phe phẩy trước mặt còn mắt ngó ba nó trừng trừng như thể hai cái tròng trắng sắp bung ra. Ông cha lủi thủi đứng dậy bước ra vỉa hè đi tới đi lui vừa nhả khói vừa lấm lét nhìn vô, nom tội.

    Cái bụng dần no chắc làm thằng nhỏ dần nguôi giận, khi ba nó trở lại nó đã thôi nghiến ngầm. Nhưng hai ba con đầy ngượng ngập, chuyện trò cứ trống không. Chán quá, không biết chừng nào mẹ mới xong công chuyện nữa. Ừ, chán quá bữa trước kêu qua giữ con giùm hai ngày, nay nay ngày thứ tư rồi chưa thấy bóng dáng đâu. Trưa nay ăn cơm quán nữa hả ? Chớ sao ? Thì cũng ngán nhưng còn đỡ hơn ăn mì gói.

    Nhát gừng. Thảng hoặc. Nhưng cũng đủ làm nên một câu chuyện của một người cha lâu lắm mới gần gũi con, câu chuyện của một đứa trẻ vắng mẹ, phải làm quen lại với người mà nó gọi là ba, với bao nhiêu lạ lẫm. Muốn xích lại nhưng đầy bỡ ngỡ, chưa kịp quen thì đã kịp xa. Câu chuyện của hai con người lẽ ra phải gắn bó với nhau…

    Nhưng cái sự xa lâu đã làm đau cả hai khi rón rén cầm tay lại. Mình hình dung mười, hai mươi năm nữa, hai người này gặp nhau cũng chỉ vài ba câu để nói, lúc này khỏe không, làm ăn sao, nhà cửa có ổn không ? Xong. Hết chuyện. Người dưng hơn những người dưng. Mình nghĩ vậy, khi ngó ông con bàn bên kia lặc lè ghì cái cặp sát vô ngực để che chỗ nút áo đứt, mặt thất thểu đi bộ qua trường. Lúc dợm bước đi nó không quên dặn:

    -Nhớ rước con đúng giờ đó, để con chờ lâu như chiều hôm qua là con méc mẹ cho coi….

    Cha gật gật nói khỏi lo khỏi lo, và đứng nhìn theo ngơ ngẩn, như thể nhìn cái bong bóng bay lên trời, biết là mất mà không cách nào giữ được. Và cái cảm giác bâng quơ đó thật rõ ràng khi người cha bỗng day qua níu mình hỏi hớt hãi :

    - Cô cho hỏi thăm sáng nay tụi nhỏ tan học lúc mấy giờ ? Thằng con tôi học trái buổi, tôi quên hỏi.

    Lúc đó mình có ý nghĩ lạ lắm, mình nghe như câu hỏi đơn giản kia là tiếng khóc. Vậy mới kỳ chớ…


  10. #150
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Giây phút cuối đời của tử tù

    Sống trong buồng biệt giam và không được biết trước ngày cuối đời nên hầu hết tử tù đều sống trong tâm trạng thấp thỏm. Nếu 2h sáng, không nghe thấy tiếng lách cách của khóa cửa sắt buồng giam, tử tù biết mình may mắn sống sót thêm một ngày. Thế nhưng, đa phần họ đều âm thầm chuẩn bị cho cuộc ra đi.

    Một quản giáo của Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội nhớ lại, trong suốt 20 năm công tác, từng tiếp xúc với rất nhiều tử tù, dù hội đồng xét xử nhận định họ "mất hết tính người, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội", nhưng mỗi một cuộc "chia tay" với tử tù ông cảm thấy lòng nặng trĩu.

    Theo thông lệ, 2 giờ sáng cán bộ quản giáo sẽ là người đầu tiên vào buồng giam, đánh thức tử tù. Câu nói quen thuộc bắt đầu bao giờ cũng là: "Hôm nay đi trả án nhé". Câu nói sau đó như rơi tọt vào khoảng không gian thinh lặng.

    Vào những giây phút ấy, đa phần tử tù đều trở nên luống cuống. Dù tất cả tử tù đều biết rõ hình phạt đối với mình và đã chuẩn bị tâm lý nhưng hầu hết đều bị sốc và suy sụp. Họ được tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân, được thay quần áo mới để chuẩn bị cho cuộc ra đi.

    Sau khi công bố việc đơn xin ân xá bị bác, họ được trích xuất để làm thủ tục ra pháp trường. Tử tù sẽ được phép viết thư hoặc nhắn tin (qua máy ghi âm) cho người thân.

    Thượng tá Bùi Ngọc Bình (Giám thị trại tạm giam số 1) nhớ lại lần đưa tử tù Nguyễn Văn Thuân và Nguyễn Thế Đô ra pháp trường. Đó là một ngày cuối tháng 9/2010, sương giăng mù mịt quanh trại tạm giam Công an Hà Nội. Thuân mới ngoài 20 tuổi, anh ta phạm tội giết người, cướp của. Nạn nhân là một cụ già.

    Khó khăn lắm, Thuân mới đi đến được phòng thủ tục với sự giúp đỡ của hai cảnh sát. Cán bộ đẩy đến trước mặt cậu ta cây bút và tờ giấy trắng. Bàn tay Thuân run lập cập, phải rất lâu, anh ta mới viết được vài chữ vẫn còn sai chính tả: “Bố mẹ, tại con, con làm nên tội con phải chịu. Bố mẹ đừng buồn làm gì".

    Ngập ngừng mãi, Thuân viết tiếp: "Con đi rồi thì nhớ đưa con về nằm với bà, đừng để con ở ngoài Hà Nội này...".

    Thượng tá Bình kể, trong suốt thời gian sống trong biệt giam, tử tù Nguyễn Thế Đô luôn ân hận về tội ác của mình và thương hai đứa con gái. Đô là một kẻ nghiện ngập, vợ bỏ vào Nam sinh sống để lại 2 đứa con gái. Một lần, anh ta đã cầm dao đâm chết bà lão bán ma túy để cướp chiếc nhẫn vàng... Đô từng tâm sự, anh ta luôn bị ám ảnh về tội lỗi đã gây ra.

    Trong giờ ra pháp trường, Đô run rẩy dòng chữ: "Hôm nay con phải đi xa mẹ và gia đình mãi mãi rồi. Con nhớ thương mẹ và các cháu nhiều lắm, con ngàn lần xin gia đình tha lỗi cho con. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe để nuôi dạy hai cháu cho con, đừng để các cháu phải khổ mẹ nhé".

    Rồi Đô dặn dò hai con gái: "Bố ân hận không giúp gì cho các con trong quãng đời còn lại, các con tha thứ cho bố nhé. Bố thương hai con nhiều. Vĩnh biệt...".

    Thủ tục nhận dạng, lăn tay, ký vào bản giao nhận quyết định thi hành án xong, tử tù được ăn bữa ăn cuối cùng, gồm một bát phở gà, một cốc nước và một điếu thuốc lá. Đô cầm đũa khều khều mấy cọng phở, mắt anh ta ầng ậng. Quản giáo khuyên: “Ăn một chút đi, kẻo chết lại phải làm ma đói. Kiếp sau có làm người thì sống cho tốt hơn nhé!”.

    Lời nói cuối cùng, Đô cảm ơn các cán bộ quản giáo đã giúp đỡ và chia sẻ với mình những ngày cuối đời. “Thôi, đi nhé. Đi là hết nợ!”, một người an ủi. Đô được dẫn giải ra pháp trường. Rất nhanh, một quả chanh lăn vào miệng, đề phòng tử tù cắn lưỡi.

    Pháp trường tờ mờ sáng, đìu hiu, quạnh vắng. Cọc gỗ dựng bên huyệt đã được đào sẵn từ đêm trước. Tử tội được dẫn vào vị trí, chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình đọc tội trạng: “Tử tội cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội". Năm tay súng sắp hàng nghiêm trang.

    Tất cả chú ý! Giương súng. Mục tiêu tên tội phạm. Bắn!

    Việc thi hành án tử tù tại trại tạm giam Hà Nội thường kết thúc trước lúc mặt trời mọc. Nói như lời của ông Nguyễn Văn Hoắc, nguyên giám thị trại tam giam Hà Nội: "Những xấu xa, tội lỗi cần được gột rửa trước khi một ngày mới bắt đầu".


Các Chủ đề tương tự

  1. Truyền thuyết lông đuôi voi!
    Bởi bmt_ds trong diễn đàn Tâm tình - Ăn uống - Vui chơi
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 13-09-2012, 12:37 PM
  2. ReFlex tự truyện :D
    Bởi Lead trong diễn đàn CLB Mô hình Hải Dương
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 16-09-2010, 04:26 PM
  3. Lịch phát sóng phóng sự về CLB FDC trên truyền hình HD
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 05-06-2010, 04:53 PM
  4. Chương trình So You Thing You Can Dance trên truyền hình Mỹ
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 09:41 PM
  5. Phóng sự truyền hình về CLB FDC
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Phòng truyền thống
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 09-10-2009, 08:41 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •