Trang 17 của 28 Đầu tiênĐầu tiên ... 7151617181927 ... CuốiCuối
Kết quả 161 đến 170 của 277

Chủ đề: BÊN LỀ CUỘC SỐNG - st những câu truyện hay

  1. #161
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Hoa gạo rụng





    (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ)


    Có một bà già nghèo nhỏ thó sống trong một căn nhà nhỏ bên cạnh một cây gạo già. Cây gạo già nhưng vẫn trổ hoa vào tháng ba. Tháng ba bà già nhỏ thó đứng dưới gốc cây để xem hoa gạo rụng. Hoa gạo ở đầu cành lặng lẽ bứng khỏi cành, rơi cái núm hoa xuống trước, năm cánh hoa xoay tròn trong không khí như cái chong chóng. Cách rụng hoa kiểu chong chóng, cánh hoa không bị giập nát khi tiếp đất. Bà già nhỏ thó nhặt bông hoa đó mang vào nhà. Còn nếu hoa rụng bộp xuống đất đó là khi có gió lay hoặc những cánh hoa úp xuống. Khi đó những cánh hoa đỏ bị bầm giập. Bà già nhỏ thó nhặt hoa gạo lên thương tiếc rồi lại vứt xuống đất.

    Bà già nghèo nhỏ thó có một nỗi niềm riêng mà không bao giờ bà nói cho ai biết. Chỉ có những bông hoa gạo nở vào tháng ba mới biết điều đó. Và một bông hoa gạo đã kể cho tôi nghe khi tôi đi qua nhà bà vào tháng ba, tôi đã đứng lặng dưới gốc để chờ một bông hoa gạo rụng.

    ….Xưa, bà già nghèo sống trong một gia đình nghèo. Gia đình nghèo sống trong một cộng đồng nghèo. Nghèo là đói. Cái đói triền miên. Nhưng cái đói thanh sạch. Không biết từ bao giờ mà từ cộng đồng đến gia đình và từng cá nhân biết chịu đựng cái đói. Điều này nhìn vào là biết ngay, nhà không cần cửa, vườn không cần rào.

    Trong gia đình bà già nghèo có một cái chum rất to. Ở trong đó có những thứ ăn được. Lũ trẻ bụng lúc nào cũng đói meo nhưng không bao giờ dám bén mảng đến gần cái chum. Chỉ có mẹ là người duy nhất trong nhà được mở chum để lấy gạo nấu ăn, hoặc một loại thức ăn nào đó. Một lần mẹ lấy từ trong chum ra một thứ gọi là mì sợi. Mẹ bắc chảo rồi cho mì sợi vào rang. Mẹ cho thêm ít mỡ và một ít đường. Một món ăn tuyệt vời. Nó ngon hơn tất thảy mọi thứ ngon nhất ở trên đời này. Chỉ đơn giản là bọn trẻ con khi ấy chưa bao giờ được ăn thứ gì ngon hơn.

    Mấy ngày sau bố mẹ đi làm chỉ có ba chị em ở nhà. Bà già nghèo nhỏ thó là chị cả, lên mười tuổi, gầy đen như que củi nhưng mầm lớn đang cựa quậy để trỗi dậy. Cái món ăn tuyệt vời của mẹ làm cho ba chị em cứ nhòm ngó vào cái chum. Không thể dừng được nữa, ba chị em quyết định mở chum để lấy một ít mì sợi, đường và mỡ. Chị cả gầy đen bảo với hai thằng em:

    - Chúng mày ra ngõ đứng canh mẹ. Mẹ mà bắt gặp chị em mình ăn vụng thế này mẹ sẽ rất đau khổ. Nếu mẹ về chúng mày hô “hoa gạo rụng” thì tao sẽ giấu chảo mì.

    Hai thằng em ra ngõ canh mẹ. Chị cả gầy đen cập rập nổi lửa rang mì. Chảo mì đã bốc mùi thơm lựng, chỉ cần cho ít đường nữa là xong. Bỗng nhiên một tiếng hô lớn ở ngõ dội vào bếp: hoa gạo rụng !

    Chị cả gầy đen cuống quýt bắc chảo mì giấu vào đống rạ. Vì sợ quá mà quên dùng lót tay nên hai bàn tay đỏ ửng lên vì bị bỏng chảo nóng. Chị cả gầy đen đau rát ở hai tay nên thu hai tay vào trong áo, áp vào bụng thấy đỡ đau. Chị cả gầy đen chạy ra cổng. Hai thằng em đang cười nhăn nhở. Chúng bảo chúng chỉ ….dọa chị thôi.

    Chị cả khóc nức lên, giơ hai bàn tay đỏ ửng cho hai thằng em xem.

    Nhưng có một thứ mà chị cả không cho hai thằng em nghịch ngợm xem được đó là các mầm lớn trong chị cả đã bị thui rụi rồi. Cái lúc ba từ “hoa gạo rụng” lọt vào tai chị cả thì một sự sợ hãi tột cùng ập đến. Chị cả rùng mình và cảm nhận được một sự lìa đứt vô hình trong cơ thể mình. Như cái lúc bông hoa gạo lìa cành chỉ có mình chị cả nhìn thấy, mà có giải thích thế nào hai thằng em cũng không cảm nhận được. Điều này thì y học tiến bộ chứng minh được.

    Từ đó chị cả không lớn lên được nữa. Bố mẹ đã mang chị cả đi đến nhiều bệnh viện để khám và chữa. Không có một thuốc nào làm chị cả lớn lên được tí nào.

    Hai đứa em lớn lên đi khỏi làng. Chúng thành đạt trên đường đời chúng chọn.

    Chị cả ở lại căn nhà nhỏ của cha mẹ nghèo. Chị cả thành một bà già nghèo nhỏ thó. Hai đứa em thi thoảng về thăm. Chúng nói chuyện với nhau rằng bây giờ người ta no đủ trong sự dối trá và suy đồi. Chúng bảo với bà già nghèo nhỏ thó rằng :

    -Chị thật hạnh phúc, tháng ba chị được xem hoa gạo rụng và chị vẫn còn thích món mì rang đường, chị không phải bon chen.


  2. #162
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Đưa tay anh ngắt cọng ngò...




    Một,

    Lâu rồi, má tôi có đi coi phim Công lý báo thù người ta chiếu đằng sân Xã ủy. Dượng Bảy (lúc chưa phải là dượng Bảy) bữa đó cũng coi chung, ngồi kế bên má, gần cái phông vải lớn. Coi hát thì chỗ này là ngon lành nhất, nhìn đào kép rõ, mụt ruồi giả của họ bị rớt, hoặc áo vua rách mình cũng thấy, nhưng đây là chiếu bóng, cái phim từ đầu tới cuối chỉ ca hát với đánh nhau. Cứ mỗi lần nhân vật ra đòn là má tôi né, thấy máu má tôi che mắt kêu trời, tới cảnh mấy con trăn rắn lớn bò tới thì khán giả đều sụt lùi ngã rạp sắp lớp lên nhau la ó ré. Má tôi sợ tới quên trời đất, dúi mặt vô lưng người thanh niên lạ hoắc bên cạnh, tức dượng Bảy. Khi phim gần hết, nam nữ chính múa hát ứ ư thì dượng Bảy đã chính thức chạm vào ngón tay út của má.

    Hết phim má tôi để lại một cái lông ngỗng, em là cháu ông xã Nghiệp, rồi chìm mất vào dòng người. Năm bữa sau dượng Bảy (lúc đó sắp là dượng Bảy) nhờ một người bạn của ông ngoại tới nhà. Bữa đó má tôi chở mía đi lò đường để ép, dì Bảy ở nhà nấu cơm. Bạn già của ông ngoại khều dượng Bảy hỏi, “mầy thương đứa đó hả ?”. Dượng ngó cái người thấp thoáng trong bếp, thấy cái eo thon, đuôi tóc dài, gương mặt nhỏ nhắn xinh xẻo, trên môi lúc nào cũng nhoẻn cười , dượng tưởng người quen liền gật đầu.

    Tới đám ăn trầu uống rượu mới hay dì Bảy có người chị sinh đôi, tức là má tôi. Hai người giống nhau đến mức khó mà phân biệt được, nên đã nhiều người há hốc, “Ủa, mới thấy con Bảy xách giỏ đi chợ cái độp giờ sao nó làm cỏ ở nhà rồi ?” Bây giờ, Dượng Bảy cũng cầm khay rượu há hốc ra, hết nhìn cô chị rồi tới cô em. Bẽ bàng. Lỡ làng.

    Hai,

    -Cô không phải người tôi thương.

    Dượng Bảy phũ phàng nói thẳng trong một tối say mèm, say đến nỗi thay vì chỉ thẳng dì Bảy thì dượng dứ dứ vô cái gối. Dì Bảy mắc cười quá, khẽ khều sườn chồng, nhỏ nhẻ, em bên này nè anh. “Tôi nhớ em từ bữa đi coi chiếu bóng tới giờ…”, dượng nói sau khi day lại ôm dì, sau khi cầm ngón út nhỏ nhắn của dì nắn mãi. Dì kệ, để tay mình ở đó, mặt héo lòng hon bỡi bàng hoàng, phải như bình thường dì đã thanh minh giòn giã, “Đây Bảy à nghen, con Bảy, không phải Sáu…” Nhưng dì biết nói gì cũng muộn, người nhầm lẫn là chồng dì, tối đó đúng tối tân hôn.

    Bữa sau ra vườn đắp mấy họng đìa, hồn vía để đâu mà dượng xắn lưỡi dá vô chân, máu chảy đầm đìa. Dì Bảy bứt lá chuối non nhai nghiến ngấu đắp lên vết thương của dượng, máu trôi bã chuối này dì đắp lên bã chuối khác, miệng không hay chát. Dượng lắc đầu nói :

    -Cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy máu trên phim còn không dám nhìn…

    Hôm gặt, dì đẩy xuồng lúa bó trên mương ruộng cạn, mồ hôi này chưa khô mồ hôi kia lại tươm bê bết, lúc ăn cơm dượng ngồi gần nhăn mặt:

    - Cô không phải người tôi thương, đàn bà gì đâu mà chua lè, người ta kia thơm phức như múi mít…

    Năm sau vợ chồng cãi nhau, bữa đó chồng có rượu nói ngang, tức quá vợ đá vô ống quyển của chồng rồi té chạy. Chồng rượt sát đằng sau. Lọt qua cây quao che khuất tầm nhìn, vợ liền xõa tóc đủng đỉnh đi ngược lại, hỏi lớn, “dượng Bảy, cầm chổi chà chạy đâu gấp vậy ?”. Chồng tưởng chị vợ tới chơi, khựng lại sượng trân, “à, tôi.. tôi đuổi mấy con gà…” rồi mời vợ vô nhà, rót nước cho …..vợ uống, hỏi vợ đói bụng không để chồng nấu cơm. Vợ nằm chờ cơm đòng đưa trên võng, ngó dượng chổng mông thổi lửa, mắc cười nhưng buồn quá, không cười được.

    Tối đó chồng chắc lưỡi hít hà xoa dầu gió vô chỗ chân bầm tím, chồng nói:

    -Cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy đánh nhau trong phim còn sợ...

    Năm sau dì sinh con gái đầu lòng, tóc rụng xơ xác, dượng Bảy ngó lom lom vào đỉnh đầu trống trãi , nghĩ : vẫn không phải người tôi thương, người ta kia tóc nắm môt vốc, mướt rượt…

    Cô không phải là người tôi thương ! Sau này dượng còn nhắc đi nhắc lại câu này, mỗi khi say. Mà nghề thợ mộc cất nhà của dượng thiếu gì dịp say. Dỡ gỗ, nhậu. Lên đòn dông, nhậu. Lợp nhà, nhậu. Nhưng say nhất là về đám giỗ bên vợ, phải ngượng ngập gặp chị vợ lúc này cũng đã có chồng, phải nhớ lại mùi tóc, làn da, ngón tay nhỏ xíu nóng rẫy năm xưa. Nhưng đáp lại cái câu tạt mặt phũ phàng vô duyên vô dùng là một cái nhoẻn cười, cũng đôi khi dì Bảy hỏi lại, “chắc không à?”, mà dượng có lần dõng dạc nói chắc, dì vặn ngay, ‘vậy sao hồi hôm ôm tui ?”. Dượng Bảy không biết trả lời sao, đành ngoẹo đầu ngáy o o.

    Có lần dượng đi đám giỗ ba bữa chưa về, dì lấy tờ giấy vẽ bản đồ nhà mình, vẽ sông Cái Tàu cong cong ẹo ẹo qua rạch Giồng Ông, vẽ chòm cây trâm bầu dưới bến, vẽ cái nhà có bàn ông Thiên đằng trước, ghi chú rõ ràng “Nhà Hai Hiệp”. Trâm bầu thì dì viết chữ “trâm bầu”, không thôi người ta nói đó là so đũa sao. Xong dì sai con đem tờ giấy cho dượng. Đi te te về, dượng nạt:

    -Ý cô nói tui đi nhậu không biết đường về nhà hả ? Cô sâu cay hết biết. Thiệt là… cô không phải người tôi thương, người ta kia mủ mỉ thật thà…

    Ba,

    Ba mươi năm sau, dượng Bảy đột quỵ. Chân yếu, miệng méo, xãi lai nằm một chỗ, mỗi khi dì dìu đỡ vào nhà tắm, giặt khăn với nước ấm lau khắp người, thay quần áo cho, dượng mắc cỡ quá nói câu gì đó, dì Bảy phiên dịch là, “cô đâu phải người tôi thương. Người ta kia kín đáo, ý tứ tới cái tên còn không dám nói thẳng ra…”.

    Dượng nghe chảy nước mắt. Dì hết hồn, hớt hãi nhắn xuống xóm Rẫy kêu má tôi qua, để an ủi tinh thần dượng.

    Buổi đó nhá nhem, đèn đỏ ối, dượng Bảy nhìn má tôi rồi ngơ ngác ngó quanh tìm dì, rướn cái cổ lên dượng nói từng chữ lục cà lục cục, “chị không phải người tôi thương…


  3. #163
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Xa



    Thi đỗ vào đại học, trước mắt là một tương lai tiền đồ rực rỡ. Suốt mấy năm đại học, họ chẳng hề biết nhau. Ra trường, thất nghiệp, lộc cộc đạp xe đi xin việc, gặp nhau, cảm thông, yêu rồi đám cưới.

    Vượt bao gian lao vất vả, họ đã có một cơ ngơi, con cái học hành thành đạt, một khoảng thời gian hạnh phúc trong khốn khó. Thời mở cửa, anh luôn tất bật với những công việc của anh, chị luôn bận rộn với công việc của chị, chẳng mấy khi được ngồi cùng ăn cơm với nhau ở nhà như ngày xưa lúc còn lận đận…

    Hàng ngày ít khi gặp nhau,

    Hàng tuần hiếm khi gặp nhau,

    Hàng tháng gặp nhau được vài lần…

    Rồi cả anh và chị đều phải liên tục ra nước ngoài công tác, người đi kẻ về.Hàng năm cũng chỉ gặp nhau đôi ba lần.

    Khi cả gia đình chuyển đến căn biệt thự khang trang hơn thì giữa họ khoảng trống càng lớn hơn. Không còn hiểu nhau, không còn cảm thông, nguội lạnh…

    Rồi chia tay!

    Các con đã khôn lớn, mỗi đứa một phương trời và tự lo cho hạnh phúc của bản thân chúng.

    Anh chị vẫn bươn trải, chẳng phải để làm giàu, mà cho khuây khỏa. Họ không gặp nhau, nhiều năm rồi họ chẳng hề biết thông tin về nhau…

    Sao kỳ vậy ?


  4. #164
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Hai viên gạch xấu xí

    Đến một miền đất mới, các vị Sư phải tự xây dựng lại mọi thứ, họ mua đất, gạch, cát, đá, vữa . . .và bắt tay vào việc. Một chú tiểu được giao việc xây dựng một bức tường gạch, chú rất tập trung vào công việc, chú luôn kiểm tra xem viên gạch đã đặt thẳng chưa, hàng gạch có ngay ngắn không? Công việc tiến tiển khá chậm, vì chú đặc biệt kỹ lưỡng, tuy nhiên chú không lấy đó làm phiền lòng, vì chú biết chú đang xây bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.


    Cuối cùng chú cũng hoàn tất công việc, khi hoàng hôn buông xuống. đứng ra xa, chú ngắm nhìn công trình lao động của mình, chợt chú nhận thấy có điều gì đó không ổn trong công trình. Mặc dù đã rất cẩn thận xong có 2 viên gạch đã bị đặt nghiêng, và điều tồi tệ nhất là 2 viên gạch đó lại nằm giữa bức tường. chúng như đôi mắt trừng trừng nhìn chú. Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu dẫn họ đi khắp nơi, trừ chổ bức tường mà chú xây dựng.

    Một hôm, có 2 vị sư già đến thăm ngôi đền, chú tiểu dẫn 2 vị đi khắp nơi, và lái sang những chỗ khác, song 2 vị sư già cứ nằng nặc đòi đến khu vực bức tường mà chú tiểu xây dựng. Đứng trước bức tường, một trong 2 vị mới thốt lên: Ôi bức tường mới đẹp là sao!

    Hai vị nói thật chứ! Hai vị không thấy 2 viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư? Chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên. “ có chứ! Nhưng chúng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép lại thành bức tường tuyệt vời ra sao” vị sư già từ tốn.

    Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với chính bản thân mình cứ luôn nghiền ngẫm với những mà ta đã mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nghĩ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã quên rằng đó chỉ là 2 viên gạch xấu xí trong 998 viên gạch hoàn hảo.

    Đôi khi chúng ta lại cũng quá nhạy cảm với những lỗi lầm của người khác. Khi gặp ai mắc lỗi, ta nhớ từng chi tiết và mỗi khi ai đó nhắc đến họ là ta liên hệ ngay đến những lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.

  5. #165
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    XÓM CŨ

    Những gương mặt người. Những nóc nhà thưa. Những cây cầu khỉ. Mỗi khi nhớ về xóm cũ, hiện lên ngay trong đầu cái phác hoạ giản dị đó, cùng những cánh đồng, mảnh vườn xanh xanh đậm nhạt bọc quanh. Một con đường khấp khểnh băng qua xóm, bên lối đi lau sậy chập chờn.

    Và hai cái ti vi trắng đen, niềm vui, nỗi xao xuyến không tan của đám trẻ con nghèo, khi những rạ rơm, ao đìa, những trò nghịch trèo cây hái trái đã tạm khép cùng ánh sáng mặt trời. Chỉ còn đêm dài lắm. Nhiều lúc ngó mưa sụt sùi nhớ cũng mưa vầy, cũng những tối nhão ướt như vầy, mình ngoi ngóp trùm cao su đi coi ti vi. Lội bộ cũng xa, mò mẫm trong màu trời nhập nhoạng mà hớn hở như đi hội. Tối nào tụi trẻ con trong xóm cũng xúm lại hai nhà giàu sang nhất xóm (vì có… ti vi), dán mắt vào cái ánh sáng trắng lung linh kỳ ảo. Có đứa cứ hết chương trình hoạt hoạ là ngủ khò, ngáy pho pho mà không đêm nào vắng. Vài đứa khác mơ mộng thật thà, cứ khóc oà khi vở cải lương tới khúc đoạn trường, cô Nguyệt bồng con tới nhà người yêu cũ. Đường về khuya lơ khuya lắc, bạn bè lần lượt tới nhà, cứ qua mỗi ánh đèn là vắng đi đôi bước chân. Rồi chỉ còn lại một mình, đi qua những lùm trâm bầu, lùm tre hình thù kỳ dị bên đường, tưởng tượng bao nhiêu chuyện ma quái, đêm nào cũng quắn đuôi bỏ chạy. Vậy rồi chiều lại, vẫn xao xuyến lặn lội đi hẹn hò với cái… ti vi.

    Nên xóm thêm một nóc nhà, trẻ con mừng hơn cả. Đường bớt vắng, thêm một ngọn đèn, thêm bạn, cùng những điều lạ lẫm. Dì Tư sinh tố quảy thùng kem về xóm, với bảy đứa con gái môi đỏ tóc dài, mớ tiếng Huế rặt của nhà dì như mở ra một chân trời mới, cả xóm mừng rơn khi biết o đi mô, có nghĩa cô đi đâu vậy. Trưa nào dì Tư cũng quảy thùng kem ngang qua xóm, dì gầy, đi hai hàng, cảm giác nếu chân dì mà thẳng thớm, thì sức nặng của thùng kem sẽ khiến dì té nghiêng té ngửa. Cứ xà bát hai hàng, dì rung chuông, sau tiếng chuông rung là tiếng chó sủa giòn tan, tiếng người lớn nạt mấy con chó, tiếng trẻ con xin tiền. Nghe như tiếng chuông của dì chọc nguậy vào một cái chảo âm thanh, khuấy nó lên, đảo đều rộn rã cho tới khi dì đi khuất.

    Thêm một tiếng cười, lau sậy cũng bớt dày, đi vắng ba ngày đã thấy bên đường cặm một ngôi nhà mới, thấp tủn. Đất ven đường chỉ cỏ hoang mọc chen trong đá, bỗng thành cái rẫy dưa, bắp xanh rì. Ông Sáu Rẫy lại mở ra chân trời khác, làm bọn trẻ xóm nghèo há hốc với Bến Te, con cá zô bỏ vô zổ, nó nhảy nghe zột zẹt. Bà Sáu thì điếc đát, hỏi chiều nay ăn cơm với gì, bà nói zẫy không trồng khoai mì. Hỏi bà ơi bồ ngót bao nhiêu một bó, bà nói ừ, nhà có nuôi bốn con chó. Ông Sáu cuốc đất ngoài hè, nói vọng vô, “cái bà này, điếc mà hay nói…”, bà ngỏn ngoẻn cười, “tối đâu mà tối, còn mặt tời mà…”.

    Ngày ông Sáu tới, rồi lại nhổ chòi tha vợ con về xứ, cả xóm vẫn chỉ gọi ông, nhớ ông vận theo nghề rẫy mà gia đình ông gắn bó. Như tên dì Tư gắn với thùng sinh tố, cà rem. Như quên luôn tên thật của bà Tám Bánh Cam, ông Mười Cốm Bắp. Gọi tên một người xóm cũ là gọi cả hình ảnh bàn chân chai, vết sẹo dài, bàn tay khô, màu da sạm… và tên những đứa trẻ đã theo cha mẹ đến đây, kết bạn kết bè. Bỗng một sáng vài đứa đi mất, mù mịt như chưa từng có ở trên đời.

    Cuộc đời lại cặm vào mảnh đất bỏ trống một ngôi nhà mới, những đứa trẻ mới, một số phận mới. Người đàn ông đi chân giả lúc nào cũng bước cắm cúi, thằng bé con chú vác cái bụng to vèo đằng trước, chắc là nó ăn đất quá nhiều. Chiều đi ngang qua gặp nó đang gặm mớ rễ tranh – ba má nó đào bật lên để lên giồng gieo cải. Nó chìa tay ra, khoe “ngọt lắm!”, sau này nhớ lại, mắc cười, trẻ con có thể tiệc tùng kết bạn từ mớ… rễ cây.

    Người lớn chậm rãi hơn, họ sẽ rề lại hỏi cư dân mới của xóm, anh thứ mấy, quê quán ở đâu mà tới đây, và ngó cái chân giả cứng đờ, hỏi anh bị thương ở trận nào. Phước Long hả? Tui cũng bị cái thẹo bự này, ngay trận đó. Câu chuyện bỗng trở nên ngượng ngập, họ đã từng cầm súng đối mặt nhau, cùng nhau mang về những vết thương, vết thấy được đã lành, vết lòng vẫn rịn máu.

    Nhưng người lớn biết cách chữa lành, bằng những điều đơn giản. Đem cho tô chè đậu xanh, nửa mục măng tre, phụ giúp nhau lợp mái nhà, cất chòi vó, sẻ nhau vài gánh nước mưa uống trong mùa nắng, mớ củi chụm qua mùa mưa. Ba của thằng Rễ Tranh đã thôi giấu mình trong lầm lũi, ánh mắt không còn ủ dột cặm xuống chân. Chiều chiều, ông còn vui vẻ tấp tểnh qua bên xóm uống trà.

    Con đường xóm lông chông đá, lổn nhổn những ổ gà, hai mươi năm qua với tôi, vẫn là con đường đẹp nhất. Nó đưa đón những bàn chân tần tảo, nó chứng kiến những tấm lòng thơm thảo. Thỉnh thoảng tôi vẫn để nhớ dắt tay về chỗ ngồi yêu thích, vắt vẻo trên ngọn cây cao, ở đó, tôi thấy cô bé bưng dĩa bánh lá mít chan nước cốt dừa đang đi dưới mưa lất phất, tay nó cầm cái nón nhỏ lóng ngóng che đầu thì sợ bánh ướt, che bánh thì ướt đầu, cuối cùng, nó che nửa này nửa kia. Đi một đỗi đường, cô gặp một thằng bé khác đang đứng chơi, cô sượng sùng nói, “má tao cho má mày bánh”. Ở đó, tôi nhìn thấy chị hai mình, lúp xúp đội thúng rau muống, ngò gai đi chợ sớm mai, tôi nhận biết từng người quen trong xóm, qua nón, áo, qua cái dáng đi cắm cúi, xấp xải, hớt hải, tất tả, hay thong thả…

    Họ mới là linh hồn của xóm. Sau này đi đây đó, đôi khi gặp lại vài khung cảnh y hệt như xóm – của – mình, nhưng xúc động chỉ thoáng qua rồi tạnh, bởi không có những gương mặt, dáng đi quen.

    Bây giờ, xóm còn nguyên chỗ cũ, nhà tôi vẫn còn chỗ cũ, chỉ láng giềng không còn. Người đã dời đi tản mác. Người vẫn ở đó nhưng không phải là người của những năm xưa. Đôi lúc trên đường về, qua những ngôi nhà cao tầng kín cửa, qua những cãi cọ đôi co từng tấc đất, qua những bon chen háy nguýt, bỗng nghĩ, nơi đây từng có những người đàn bà, lúc xay bột làm bánh, họ không quên đong thêm vùa gạo để thơm thảo với láng giềng.

    Bây giờ họ đã về đâu?!

  6. #166
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    2 Đôla và 1 giờ

    Một người cha đi làm về rất muộn, mệt mỏi và bực bội sau một ngày bận rộn ở cơ quan. Ông vừa về đến nhà, đứa con trai năm tuổi đã ngồi chờ từ lúc nào và hỏi:

    - Bố ơi, con hỏi bố một câu được không?

    - Được chứ, con hỏi gì - Ông bố đáp.

    - Bố ơi, bố làm được bao nhiêu tiền một tiếng đồng hồ?

    - Đó không phải là việc của con. Mà tại sao con lại hỏi một việc như thế hả ? - Ông bố hết kiên nhẫn.

    - Con muốn biết mà - đứa con nài nỉ.

    - Nếu con cứ khăng khăng đòi biết, thì bố sẽ nói. Bố làm được hai đôla một giờ đồng hồ.

    - Ôi - đứa bé rụt rè hỏi - bố cho con vay một đôla được không?

    Ông bố rất bực mình:

    - Nếu lý do duy nhất con muốn biết bố làm được bao nhiêu tiền chỉ là để vay mà mua mấy thứ đồ chơi vớ vẩn, thế thì mời con đi ngay vào phòng mình và ngủ đi. Hãy nghĩ xem tại sao con lại ích kỷ đến thế! Bố làm việc vất vả cả ngày, và không có thời gian cho những chuyện ấy đâu!

    Đứa bé đi vào phòng đóng cửa. Ông bố ngồi xuống càng nghĩ càng cáu. Tại sao đứa con lại dám hỏi mình một câu như thế chứ?

    Một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông bố nghĩ có thể đứa con rất cần tiền để mua một thứ gì đó, và nghĩ rằng mình đã quá nghiêm khắc với nó. Ông đi vào phòng con:

    - Con ngủ chưa?

    - Chưa ạ, con còn thức! - cậu bé nằm trên giường đáp.

    - Bố suy nghĩ rồi, có thể bố đã quá nghiêm khắc. Đây là một đôla cho con.

    Cậu bé cầm lấy rồi thò tay xuống dưới gối, lôi ra thêm mấy tờ tiền lẻ nữa.

    Ông bố thấy con có tiền từ trước lại cáu. Khi đứa con xếp thành một xếp tiền ngay ngắn, ông bố càu nhàu:

    - Tại sao con lại vay thêm tiền khi con đã có rồi?

    - Vì con chưa có đủ ạ! - Bỗng đứa trẻ ngẩng lên vui sướng - Bây giờ thì con có đủ rồi! Bố ơi, đây là hai đô la, con có thể mua một giờ trong thời gian của bố không?

  7. #167
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Một cách xử sự

    Mr.Thomas là một chủ nông trại giàu có. Ông và vợ mình đối xử rất thân thiện với mọi người nên ai cũng yêu mến họ cả.

    Một hôm ông thấy vợ mình, bà Thomas sai người giúp việc đến cuối làng, nhà bà John - một tá điền của ông - để mượn một cái bào rau củ. Sau khi người này đi khỏi, ông hỏi vợ :

    - Anh không nghĩ rằng nhà ta lại không có một cái bào hay không đủ khả năng mua mà em lại sai người đi mượn cho thêm phiền phức như thế.

    Bà Thomas từ tốn trả lời :

    - Đây, anh xem, cái bào của nhà ta vẫn còn rất tốt. Em biết mọi người ở vùng này đều yêu quí chúng ta vì chúng ta đem lại nhiều vật chất cho họ hơn các ông chủ khác; nhưng em không muốn như vậy. Em muốn được yêu mến bằng một thứ tình cảm cao hơn, tình làng xóm. Mà điều đó chỉ có thể khi nào chúng ta và họ không có khoảng cách giữa chủ và tớ, giữa giàu và nghèo. Như vậy chuyện cái bào rau củ chỉ là cái cớ để anh và em đến gần với mọi người hơn mà thôi.

  8. #168
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Làm dâu

    Anh là con trai duy nhất trong gia đình 7 chị em gái, cha mất sớm, mẹ một mình tảo tần nuôi các con khôn lớn. Anh lấy tôi mặc cho sự ngăn cản của các chị em ruột, con gái ở chợ biết có thích nghi với thôn quê và kham nổi công việc đồng áng. Chỉ có mẹ là không can ngăn, mẹ đồng tình bảo anh:

    -Con có thương ai thì cứ việc lấy.

    Tôi về làm dâu mà lòng luôn thắc thỏm, lúc nào cũng canh cánh lo âu, vừa sợ ánh mắt dòm ngó của các chị em chồng vừa ngại lỡ nói năng không khéo làm mẹ chồng phật ý. Có lần tôi sơ ý nấu nồi cơm chỗ sống chỗ khét, mấy bà chị chồng không ngớt nói bóng gió xa xôi. Đêm đến, tôi tủi thân len lén ra sàn nước phía sau nhà ngồi khóc. Ngẩng mặt lên thấy mẹ đang đứng kế bên. Mặt tôi tái đi còn mẹ bình thản đưa chiếc khăn tay cho tôi lau nước mắt. Mẹ chẳng những không hỏi han gì mà còn kể lại chuyện ngày xưa mẹ về làm dâu nhà bà Nội của chồng tôi, cũng là người khó tánh có tiếng. Mẹ nói vì mẹ đã từng trải nên ít nhiều cũng cảm thông với sự lo lắng của tôi, con gái xa nhà, làm dâu xứ người không tránh khỏi những lúc chạnh lòng, hờn tủi.

    Tôi biết ơn mẹ chồng tôi nhiều lắm. Từ lúc tôi chân ướt chân ráo bước vào nhà cho đến lúc sanh con gái đầu lòng, mẹ chưa bao giờ tỏ ra mặt nặng mày nhẹ. Biết tôi sức khỏe không tốt, mẹ dặn chồng tôi kêu tôi hạn chế ra đồng, chỉ quanh quẩn ở nhà làm mấy công việc lặt vặt. Chị em chồng hay so đo tị nạnh, mẹ gạt phắt đi. Mẹ kêu bọn tôi dọn ra ở riêng, viện cớ tiếng con nít khóc đêm làm mẹ không ngủ được khi căn bệnh tim lúc về già lại giở chứng. Tôi biết mẹ muốn vợ chồng tôi sống thoải mái khi mẹ cầm bàn tay đứa cháu nhỏ xíu không nỡ dứt mà ánh mắt lại buồn buồn xa xăm.

    Chúng tôi ở riêng mà chẳng trọn niềm vui vì còn thiếu hơi ấm thân quen của mẹ. Đòi đón mẹ về ở chung, bà lúc nào cũng lắc đầu từ chối:

    -Mẹ già rồi, còn hương hỏa, mồ mả cha bây, còn bà con láng giềng, chòm xóm...

    Mỗi lần tôi về là mẹ cứ nắn nắn tay chân, mẹ buột miệng xuýt xoa khi phát hiện vòng vàng nơi cổ tay tôi biến mất. Mẹ lần mò giở cái bọc giấu dưới gối, nhét vào tay tôi mấy cái khâu. Lúc nào mẹ cũng khuyên răn, có làm gì làm cũng ráng giữ sức khỏe để chăm sóc con trai của mẹ và hai đứa cháu nhỏ. Tôi biết đó là số vàng mẹ dành dụm bấy lâu và chỉ lấy ra khi có dịp cần kíp. Tôi không nỡ cầm số tài sản phòng thân của mẹ và thầm biết ơn vì mẹ thương con dâu bằng cả con trai.

    Ngày vợ chồng tôi chuẩn bị đồ đạc dọn vào căn nhà hai tầng mới xây cũng là lúc mẹ ra đi đột ngột. Cả họ hàng tiễn đưa, ai cũng sụt sùi cảm thương cho người đàn bà goá bụa một tay nuôi nấng 8 người con lớn lên khỏe mạnh, thành đạt.

    Cứ mỗi lần về quê giỗ mẹ, ngồi làm gà vịt gần bờ rào, tôi lại nhớ cái sàn nước cách đó không xa có một người đàn bà năm xưa đưa chiếc khăn tay cho cô con dâu lau nước mắt.



  9. #169
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Má, con và…


    Tôi nghĩ, đôi khi vô tình tôi làm má buồn.

    Như chiều qua, tôi nói lúc này tóc con bị rụng quá trời, coi trên internet người ta dạy mua thuốc này thuốc này sẽ bớt. Hay hôm kia khi giỡn với nhóc con, phát hiện ra lưỡi nó bị nấm đóng dày, tôi mở máy tính, xong gật gù, trên mạng người ta kêu mua thuốc x thuốc y, hoặc hái lá a, lá b giã lấy nước rơ lưỡi, nhóc sẽ khỏi.

    Có lần tôi khoe vài bí quyết nấu ăn, cách chọn gà ngon, má ngạc nhiên, mèn ơi trên mạng có đủ thứ hết trơn hả ? Tôi cười khoái chí, gì cũng có má à, trên trời dưới đất, muốn biết gì cứ gõ vài ba chữ là mạng cho mình biết tuốt. Má nói ngộ quá, cái mạng là cái gì mà hay dữ ta. Giọng má không một chút ngậm ngùi nhưng bỗng dưng tôi nghĩ má ngậm ngùi.

    Là vì má đang ở bên tôi, nhưng khi bối rối và ngơ ngác tôi đã không hỏi má. Sống bảy chục năm dài, trải qua bao nhiêu biến cố, má vén khéo đảm đang, chèo chống gia đình nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn, phải nói là má biết nhiều, rất nhiều. Nhưng tôi không hỏi má, tôi chạy tới internet, gọi “vừng ơi…”, và đôi lúc khoe khoang những kiến thức mà má đã “rành sáu câu” rồi.

    Một phần ý nghĩa của mối quan hệ già – trẻ (hay má - con) là cho – nhận, dạy – học… nhưng giá trị đó đang ít nhiều thay đổi. Sự mất mát rất từ tốn không nhận biết ngay được, cho đến khi đủ lớn và sâu, người ta mới giật mình, sực nhớ ra lúc này mình nói bằng ngón tay nhiều hơn bằng miệng, nhìn màn hình máy tính hay điện thoại nhiều hơn nhìn người. Sực nhớ có thể má đã buồn, má sống nhiều nhưng những trải nghiệm mà má đang gìn giữ, tôi không ngó ngàng tới.

    Như thể tôi là tôi khác, không phải con bé đen nhẻm hồi lên bảy lên mười, đi vào cuộc đời bằng cánh cửa do má mở, suốt ngày lẽo đẽo theo chân má, để hỏi má ơi cái kia để làm gì, má ơi cái này tại sao... Ngày tôi về nhà chồng, má không dám đi đâu, suốt ngày chờ bên điện thoại, vì tôi hay gọi về hỏi, má ơi kho cá bằng muối hay nước mắm, nấu canh chua bằng me hay bằng giấm, con lỡ làm cơm khét rồi, giờ biết làm sao ?

    Hồi đó má ở xa chỗ tôi chừng mười lăm cây số, nhưng má chỉ cách tôi một hồi chuông điện thoại. Băn khoăn chút chút, nghi ngại chút chút, lo lắng chút chút… tôi lại nghĩ tới má. Và má luôn có câu trả lời. Như bà ngoại luôn có câu trả lời cho má. Như bà cố luôn có câu trả lời cho ngoại. Người ta cứ sống vậy, già rót đầy cho trẻ, đi trước dẫn đường cho đi sau, tưởng đâu nối tiếp hoài hoài.

    Nhưng khi nền tảng ứng xử giữa người và người lung lay bởi quá nhiều phương tiện hiện đại, tôi cũng buông lơi bàn tay má. Ngụp lặn trong biển thông tin mà tôi tin với chúng, tôi sẽ xử lý tốt mọi tình huống xảy ra với cuộc đời mình. Tôi quên, má không biết nơi lạnh nhất vũ trụ nhưng má có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con lớn mau. Má không biết cách diệt virus máy tính nhưng bẫy chuột là số một. Má không biết viết blog nhưng nấu ăn rất ngon. Nhưng tôi quên. Má, như những người già khác, đôi lúc nào buồn tênh trong ý nghĩ mình đang sống thừa, tàn lụi không tăm tích.

    Tôi còn giữ hình ảnh những người già nước Hàn xa xôi mà tôi đã từng gặp mặt. Những ông bà già buồn rượi, lặng lẽ. Vật vờ như bóng, lắt lay như khói. Anh bạn của tôi nói đất nước anh càng phát triển càng hiện đại thì người già càng cô độc, hai thế hệ già – trẻ hầu như không còn chuyện gì chung để nói với nhau. Khi chụp ảnh những gương mặt sầu muộn đó, tôi luôn nhớ tới má, thầm so sánh và khoái chí vì má gọn gàng lanh lợi hơn họ, má tươi tắn vui vẻ hơn họ, dù má nghèo, thiếu thốn hơn họ.

    Nhưng giờ tôi biết má cũng buồn, bởi nhiều lúc tôi bỏ bà một mình ở nơi cũ, thời gian cũ để một mình tôi đi vào thế giới ảo đầy quyến rũ. Không cần nổ lực lớn nào, không cần với tay cao, cũng có thể hái được trái. Nó sẵn sàng xoa dịu, đưa ra những lời khuyên khi tôi than vãn đầu gối tôi mỏi, con mắt tôi bỗng nhiên mờ, vùng thắt lưng nghe nhói, cái đầu đau...

    Riêng trái tim thường chẳng hết đau nếu chỉ nhận được những lời an ủi thao thao, bạn hãy quên bạn hãy vui, phải này phải kia... nên có lần đem trái tim đau lên mạng thở than, chớ hề nhận được cái khăn lau nước mắt. Những lúc đó nhớ má quá …

    Không biết, khi tôi đi rất xa và quay lại, thời gian còn cho má bao dung đứng chờ ?!!


  10. #170
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    không bít bài mình post đọc có được không mà chẳng thấy bà kon thanks mình cái nào cả nhỉ....?

Các Chủ đề tương tự

  1. Truyền thuyết lông đuôi voi!
    Bởi bmt_ds trong diễn đàn Tâm tình - Ăn uống - Vui chơi
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 13-09-2012, 12:37 PM
  2. ReFlex tự truyện :D
    Bởi Lead trong diễn đàn CLB Mô hình Hải Dương
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 16-09-2010, 04:26 PM
  3. Lịch phát sóng phóng sự về CLB FDC trên truyền hình HD
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 05-06-2010, 04:53 PM
  4. Chương trình So You Thing You Can Dance trên truyền hình Mỹ
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 09:41 PM
  5. Phóng sự truyền hình về CLB FDC
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Phòng truyền thống
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 09-10-2009, 08:41 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •