Trang 21 của 28 Đầu tiênĐầu tiên ... 111920212223 ... CuốiCuối
Kết quả 201 đến 210 của 277

Chủ đề: BÊN LỀ CUỘC SỐNG - st những câu truyện hay

  1. #201
    Ngày tham gia
    Nov 2011
    Đang ở
    Hai duong
    Bài viết
    116
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Chúng mình cứ yêu nhau như thế này anh nhé!

    Khi màn đêm buông xuống thì cũng là lúc em nghĩ nhiều hơn, dằn vặt mình nhiều hơn. Ngồi trước màn hình máy vi tính và nghe bản nhạc không lời “Song from secret garden”, những dòng cảm xúc chôn giấu trong lòng cứ thế từ từ tuôn ra.
    Ngày 14 tháng 2 năm 2012:
         Ngày valentine – valentine của em vắng anh! Em đã cố gắng để mình không buồn, không khóc. Em bật nhạc DJ ầm ĩ cả ngày. Vì mỗi lần nghe thứ nhạc ấy, em lại không còn muốn buồn nữa. Em đã cười, đã vui khi không có anh. Em sợ phải đi ra ngoài đường vì khi nhìn thấy những cặp tình nhân sánh bước bên nhau, hạnh phúc bên nhau, em lại không kìm nén được cảm xúc.


         Thực sự em đã rất muốn uống rượu nhưng em đã không làm thế. Vì em nhớ lại lời anh đã nói “Đừng có như vậy nhé. Anh sợ em luôn đó. Một lần là đã làm anh đủ nhớ đến già rồi”, vậy là em đã không uống nữa. Uống rượu vào, chắc chắn em sẽ khóc. Mà giờ này khóc thì chắc chắn… nhiều người sẽ muốn khóc theo. Em cố gắng không khóc. Nếu có khóc thì cũng không để cho người khác nhìn thấy những giọt nước mắt yếu đuối đó. Anh cũng không muốn nhìn thấy em khóc đúng không? Vì anh, em sẽ cố gắng xua tan nỗi buồn giăng kín quanh em.
    Ngày 15 tháng 2 năm 2012

         Em suy nghĩ, suy nghĩ rất nhiều. Em chẳng thể giải thích nổi mối quan hệ giữa em và anh hiện tại là gì. Em biết đây không phải là tình yêu trong mắt của người khác. Đôi khi em cũng có cảm nhận đó anh ah. Trong cái mớ hỗn độn này, chỉ có mình em hiểu em yêu anh nhiều đến nhường nào thôi, còn anh sẽ chẳng bao giờ hiểu thấu cõi lòng em. Anh chỉ nghĩ đơn giản rằng em yêu anh và anh cũng chẳng thể biết được anh có yêu em như em đã yêu hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng anh cũng có tình cảm với em. Anh biết không? Cuộc sống của em không có anh  giống như con tim loạn nhịp. Không có anh em vẫn sống , vẫn cười nhưng nụ cười ấy có xuất phát từ trái tim hay không thì anh biết rõ mà. Không có anh, em hay ngồi nghe những bản nhạc buồn, hay tự kỉ trong phòng và chẳng muốn ra đường nữa. Không có anh, có thể em sẽ làm vợ của người khác nhưng đó chỉ là làm tròn bổn phận của đời người con gái thôi vì trái tim em đã lỡ trao anh mất rồi.


         Nếu không có em, anh cũng vẫn sống, vẫn cười và vẫn yêu người con gái khác. Không có em, cuộc sống của anh cũng chỉ có chút gì đó thay đổi vì những thói quen đã không còn như trước, anh sẽ chỉ thấy hơi khác khác nhưng rồi sẽ quen ngay thôi.
         Cuối cùng, em cũng chọn ra cho mình được một cách mà em cho là hay nhất lúc này đó là “Lặng lẽ bên anh” . Em sẽ vẫn cứ yêu anh như thế này nhé! Mặc cho người ta nói gì, em vẫn làm theo những gì em cho là đúng. Em sẽ không bao giờ hỏi “Anh có còn yêu em không?” hay “Tương lai của em và anh là gì?”. Anh muốn sao cũng được, miễn là cứ để em ở bên cạnh như thế này cho đến khi nào em đủ can đảm, đủ dũng khí buông tay anh ra và tự bước đi tiếp phần đường còn lại.
         Em chấp nhận là người tình của anh. Em sẽ là chỗ dựa mỗi khi anh kêu buồn chán. Em sẽ  gặp anh bất cứ khi nào anh muốn. Chúng mình cứ yêu nhau như thế này nhé! Thời gian hay tương lai thì cũng mặc kệ đi. Em sẽ chẳng bao giờ hối hận với những gì mình đã làm đâu anh.
    Yêu anh nhiều, tình yêu của em!

  2. #202
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Vài ba trăng khuyết…



    Không cần nhìn em thêm lần nữa thì cũng nhận ra em bị thiểu năng trí tuệ. Người mang dị tật này thường có dáng dấp, gương mặt với mắt này mũi này… giống hệt nhau. Tròn lẳn, bầu bĩnh, phúng phính nhưng làm người ta nhói đau khi va ánh mắt vào. Em nuôi bệnh ở giường bốn mươi tám, tôi ra vào với má ở giường năm mươi hai. Những buổi sáng khi mười mấy con người ở phòng này nhao nháo rối bời với việc tắm giặt, chải chuốt, ăn uống, thì em bò ra chùi rửa, quét dọn khoảng hành lang, mấy cái phòng vệ sinh nhớp nháp. Chúng tôi không nhúng tay vào vì biết đó là phần việc của mấy chị lao công bệnh viện, chút nữa họ sẽ làm, họ nhận lương để làm những chuyện này.

    Nhưng cô bé, với trí khôn khiếm khuyết của mình, não em thiếu mất vùng mang tên đùn đẩy, chờ đợi. Em làm vì thấy nơi này bẩn thỉu quá. Người khôn không vậy, họ thà chịu khó nín thở, bịt mũi, nhón dép lên những cái vũng chèm nhẹp… để chờ đợi. Ngay cả dì em, người đang sưng húp vì mang quả thận hư khá nặng, chị cũng cằn nhằn con nhỏ đi làm chuyện tào lao, ai kêu ?

    Phải em làm vì ai đó sai bảo thì em đã không đẹp đến vậy, không làm tôi mắc cỡ, tần ngần những khi nhìn em quét lau loẹt xoẹt, thấy mình giảm chiều cao chắc còn cỡ một thước hai, nhưng tôi là con người toàn vẹn, hiểu biết, đọc nhiều sách, nên tôi vẫn ngồi trơ trơ vảnh móng tay. Bù lại, tôi hay rủ em ra ngoài dúi cho khi hộp sữa tươi, khi cái bánh bông lan... Mừng rỡ nhận quà nhưng em dáo dác ngó vào trong, “dì chửi chết…”. Người phụ nữ đó không biết vì bệnh tật làm cho bứt rứt đau đớn hay do nỗi bực dọc gì mà rầy la em suốt ngày. Nhưng suốt ngày em chỉ toe miệng ra cười, lăng xăng đấm bóp, đi mua cơm, giặt giũ quần áo… Có lần tôi nói giỡn, “em với dì giống hệt nhau, y như hai mẹ con vậy…”. Em hạ giọng thầm thì, vẻ như sắp trao cho tôi một bí mật lớn lao, “mẹ em đó, em giả bộ kêu dì Chín để mẹ khỏi mắc cỡ, tại đẻ ra em khùng khùng…”. Xế trưa, tôi bỗng nhìn thấy một mảnh trăng đầu mùa, khuyết còng, mỏng tang gần như trong suốt treo diệu vợi giữa trời, ngó nao lòng lắm, không thể nói ra lời. Không biết vì đẹp hay vì buồn.

    Như món canh tạo hóa nấu lạt, cô bé chỉ thiếu một chút thôi là lành lặn kiếp người. Bất chấp điều đó, em vẫn đẹp theo kiểu của mình. Đẹp vì hao khuyết. Đẹp mà không biết.

    Xóm tôi ngày trước cũng có một anh thiểu năng trí tuệ, mọi người gọi Lủ khùng. Đám tang nào anh Lủ cũng tới, phụ lo trà nước và đánh trống. Khuya xa, khi mọi người đã mòn mỏi lủi đi kiếm chỗ chợp mắt, anh Lủ vẫn không bao giờ để thưa tiếng trống. Giữa hai hồi trống, thấy cỗ áo quan nguội lạnh, anh đi sửa lại cây đèn cầy nghiêng, đốt giấy vàng bạc, thắp nhang, rồi khói lại tiếp tục nối vào khói ấm áp… Lủ lủi thủi, mà tận tụy. Buổi khách viếng đông, đám thanh niên kia cà lơ phất phơ, bởi một mình anh Lủ chạy trà nước cũng đủ chu đáo rồi, dù mệt đừ, mồ hôi nhễ nhại, nhìn thương. Người như anh ở chốn nhốn nháo nào cũng bị lạc giữa những người khôn toan tính thiệt hơn.

    Lại nhớ Soi, một khán giả hâm mộ đặc biệt của anh nghệ sỹ bạn tôi, bẩm sinh ngây ngô dài dại. Chị mê cải lương, mùa khô nào đoàn hát về chị cũng đi coi, và vô cùng ngưỡng mộ anh bạn tôi. Hết buổi diễn, chị thường len vào đằng sau sân khấu để tặng anh khi thì trái khế, trái bần, khi thì cái bánh dừa, khúc mía… không quên ngọng nghịu khen, hát hay quá à... Lớn tuổi, anh không đi hát nữa, quản lý đoàn một thời gian anh về Sở làm việc như một công chức bình thường. Có chiều từ cơ quan về anh thấy chị Ngơ Ngẩn đứng chờ ở cổng. Anh hỏi, “Em kiếm tôi à, Soi?”. Chị chìa ra mớ bông rau muống héo queo, chắc là hái ở dọc đường, nói “Cho nè…”. Tay đưa về phía anh mà mặt day chỗ khác, ngượng ngùng đúng kiểu… cải lương. Xong chị ra về, từ trung tâm thành phố, Soi phải đi hơn hai mươi cây số đường sông mới tới nhà mình.

    Hơn nữa đời ca diễn, người nghệ sỹ nổi tiếng lần đầu tiên nhận được một bó hoa kỳ lạ. Nghe chuyện, ai cũng buồn cười, nhưng trong lòng nhuốm màu chua xót, mai kia khán giả không còn nhớ anh nữa, tên anh, giọng hát anh bị vùi dập mất tăm giữa những thần tượng mới, thì anh vẫn còn chị Ngẩn Ngơ, lâu lâu lại xuất hiện để tặng hoa cỏ dại hái bên đường xơ xác, tưởng thưởng cho người nghệ sỹ này đã từng sáng chói, vàng son. Chị không được trời cho chức năng quên lãng.

    Nhưng cái mối quan hệ bi hài, vừa buồn cười vừa ngọt ngào vừa xót xa đó không phải ai cũng có. Bạn tôi vô tình nhận được vì anh đã bình thản chào đón một khán giả dị tật như một người bạn lâu ngày, như một người bình thường với trái tim, khối óc bình thường, “Em chờ tôi lâu không, Soi ?”. Cho là anh giả bộ, anh diễn, nhưng hình như không nhiều người diễn cho ra cái vai nhân hậu đó…

  3. #203
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    KÝ ỨC NĂM HÀO

    Thủa bé đi học không sợ gì chỉ sợ đến ngày nộp học phí.

    Lương ba hình như 105 đồng, gọi là lương cao, nhưng 7,8 miệng ăn, chưa đến nửa tháng đã hết tiền. Suốt cả thời kì ấu thơ của mình, nhà mình khi nào cũng khốn đốn chuyện nợ nần.

    Có 8 hào học phí, mua được 16 cái kẹo văn, mà lần nào về xin học phí mạ cũng gắt um lên: Đi học sau này có làm vương làm tướng chi không mà tháng nào cũng đòi tiền tao.

    Mình ngồi khóc ri rỉ từ sáng đến chiều, cuối cùng mạ cũng cho. Mừng hết lớn.

    Nhưng tháng sau lại lặp lại y xì tháng trước, khốn khổ vô cùng.

    Có lần cô giáo nói: Nhà thầy Đạng mà không có 8 hào học phí à, vô lý. Nhục quá đã tính tự tử.

    Cho nên khi được giải học sinh giỏi lớp 4 của huyện, hình như giải 2, giải 3 gì đó cả văn lẫn toán, được thưởng 8 đồng, mừng muốn ngất, trông các thầy các cô nói cho nhanh xong buổi lễ mừng công để chạy ù về đưa tiền cho mạ.

    Mạ cười xoa đầu nói giỏi rồi rút ra cho mình 5 hào.

    Sau này đã có lúc làm đến vài trăm triệu nhưng chưa bao giờ có được cảm giác hân hoan như khi cầm 5 hào mạ cho ngày ấy.

    Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy rưng rưng.

    Mình cầm 5 hào chạy ù xuống nhà con Hà khoe: tao có 5 hào!

    Tưởng nó phục lắm, hoá ra nó vặn lưng quần chìa ra một tờ 5 hào, cười he he he.

    Mình vừa ngượng vừa tức, cứ xử nó tiêu hết 5 hào đi để mình nhiều tiền hơn nó nhưng nó kiên quyết không.

    Hồi này làng Đông Dương chẳng có quán xá gì. Mọi thứ chỉ chờ đến sáng có phiên chợ thì mua. Chợ họp nhanh, mặt trời chưa quá con sào đã tan, sợ máy bay bắn. Mình thì học buổi sáng, thành ra suốt tuần chẳng mua được gì.

    Cứ mong đến ngày chủ nhật, nhất định mua 2 cái bánh tráng với 2 lát bánh đúc ăn một bữa cho đã. Còn lẩm nhẩm tính cho đứa nào, không cho đứa nào.

    Con Hà thì nhất định cho nó rồi. Sáng nào đi học nhờ nó mà mình không bị đói.

    Có bất kì cái gì nó cũng để phần cho mình, kể cả mấy lát khoai dẻo. Em nó đòi nó không cho, kiên quyết để dành cho mình.

    Con Hà dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài. Nhà nó 5 chị em gái, ai cũng xinh.

    Mới 11 tuổi ngực nó đã nhú trái cau. Thỉnh thoảng nó lại vén áo cho mình xem đôi núm vú bé xíu của nó. Mình lấy ngón tay ấn ấn hỏi đau không, nó nói mới mọc hơi đau đau giờ hết rồi….

    5 hào mình để trong túi, thỉnh thoảng giật mình mò vào túi, vẫn còn, thở phào nhẹ nhõm. Sau sợ mạ hay lấy áo giặt bất thình lình làm nát tiền, mình kẹp vào chính giữa cuốn vở bài tập toán.

    Thế mà mất. Sáng thứ 7 mình soạn vở đi học, mở cuốn bài tập toán ra xem: 5 hào không còn nữa. Đêm qua trước khi ngủ kiểm tra vẫn còn, sáng dậy đã mất.

    Mình ngồi lặng ngắt, mồ hôi trán ướt đầm, nước mắt cứ thế chảy dàn dụa.

    Nghi nhất anh Thắng, anh Tường nhưng không bắt được tay vay được cánh đành chịu.

    Mình đến lớp ngồi im. Con Hà đưa cho củ khoai nướng không ăn, hỏi gì không nói. Mãi sau nó không hỏi nữa thì lại nói: tao mất 5 hào rồi. Nó giật cuốn vở bài tập toán lật lật mấy trang rồi chìa ra tờ 5 hào, nói đây nì!

    Mình nhảy cẫng lên, sung sướng quay cuồng. Mười năm sau mới biết đó là 5 hào của con Hà, nó làm vậy cho mình vui, chứ khi đó thì hoàn toàn không biết.

    Nó nói để tao cất cho, mi cất mấy anh lấy mất. Mình nói mai mi đi chợ mua ăn hết luôn. Nó nói mua chi, mình nói bánh tráng bánh đúc, chỉ hai đứa mình ăn thôi, không cho đứa mô hết. Nó nói ừ không cho đứa mô hết. Mình nói ừ không cho đứa mô ăn hết. Hai đứa vừa tranh nhau nói vừa nuốt nước bọt ừng ực.

    Sáng chủ nhật ngủ dưới hầm, ngủ chán mắt thì thôi, nghe bom nổ ầm ầm cũng không thèm dậy. Đến khi chui ra khỏi hầm thấy mạ đứng nói với mấy người hàng xóm bom thả trúng chợ chết hết rồi.

    Lúc đầu cũng chỉ ngồi nghe thế thôi, sau sực nhớ sáng nay con Hà đi chợ, mình ù té chạy xuống chợ.

    Chợ ở đầu làng, nằm dưới rặng trâm bầu. Mình chạy xuống chẳng còn ai, chỉ có mấy anh dân quân đang dọn dẹp.

    Bốn quả bom thả trúng chợ, nát bét hết, nước mắm, muối, bún, bánh đa, bánh đúc, thịt cá lẫn trong máu, cát và thịt người.

    Mấy anh dân quân đuổi mình đi, nói chạy mau lên không máy bay quành trở lại đó.

    Mình chạy về nhà con Hà.

    Nhà nó chật kín người, cả nhà nó đang khóc rú.

    Mình chen vào.

    Con Hà nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa sân, phủ một tấm vải trắng trùm kín đầu. Không thấy gì hết, chỉ thấy bàn tay nhỏ xíu của nó chuồi ra khỏi tấm phủ đang nắm chặt khư 5 hào.

    Mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.


  4. #204
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Chú đừng ghi âm nhé....


    “Chú nhà báo! Thực tình em chẳng có gì để nói. Mong chú đừng ghi âm, cũng đừng chép…”

    “Hôm đó, em đâu có nghĩ tới tình quốc tế… Thật, em không hề nghĩ”.

    “Sự tình hết sức đơn giản, trên đường đi làm về, em nhặt được cái bao, có rất nhiều ngoại tệ. Trời tối, em không dám đứng đợi người đánh mất, vội đến bốt công an. Chú công an đếm hơn một vạn đô la. Em chưa từng thấy số tiền lớn như vậy. Không dấu gì chú, lúc đó em rất sợ! Em muốn chạy mau về nhà. Chú công an cũng không hỏi tên em, chỉ xem qua chứng minh thư. Sáng sớm hôm sau em nghe nói, chú công an đã tìm ra người đánh mất, là một thương gia người Malaysia. Khi ấy làm sao em lại nghĩ đến tình quốc tế được”.

    “Xem ra, chú muốn biết một chút lai lịch về em… được, em kể cho chú nghe một điều bí mật mà từ trước đến nay em chưa kể cho ai hay”.

    “Chà, nói gì bây giờ, thôi em không nói đâu… mà thôi, nói thì nói… nhưng chú đừng ghi âm đó nghe…”

    “Mẹ em là một công nhân quét đường, làm từ ngày mới giải phóng đến nay, quét rác không nổi nên mẹ em xin về hưu. Bốn mươi năm quét rác của mẹ em, rác dồn lại chất thành núi, nhặt được không biết bao nhiêu thứ. Đơn vị mẹ em làm có một quyển sổ ghi lại công nhân nhặt rơi đem nộp 148 đồng hồ đeo tay, 17 dây chuyền vàng, 36 nhẫn vàng, 266 bót đựng tiền, còn bạc đúc, tín phiếu, giấy tờ không kể xiết. Có một lần… Ối! Đợi em kể tiếp…”

    “- Có một lần, mẹ em nhặt được một cái bao to, trong đó có một đứa bé mới sinh… Đứa bé đó… chính là em đây…, chú đừng ghi âm lại nhé chú.."

    “- Em rất thương mẹ, nhưng có lúc… Thôi, em không kể tiếp nữa…”

  5. #205
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    SƠ SÓT HOÀN HẢO.

    Ông ngoại tôi là thợ mộc. Trong đợt trường tôi quyên góp cho trẻ em mồ côi Trung Quốc, ông đóng các thùng gỗ đựng quần áo chuyển đi. Ông rất hứng thú với công việc này vì tính ông tôi rất thương người.

    Nhưng không may, khi về nhà, ông không tìm thấy kính của ông đâu. Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông cũng nhận ra điều gì đã xảy ra chi chiếc kính của mình. Khi ông đóng thùng, chắc chiếc kính đã tuột ra khỏi túi áo và rơi vào bên trong một trong những chiếc thùng - giờ đây đã được niêm phong.

    Thế là chiếc kính mới của ông ngoại lên đường sang Trung Quốc ! Ông bực lắm vì ông đã mua chiếc kính đó với giá 20 đôla, trong khi gia đình thì nghèo và ông có đến 6 đứa con nhỏ. “Trời đất ơi ! Mình đã bỏ công ra làm giúp người khác. Vậy mà cuối cùng lại thế này đây, chẳng ai giúp được mình !” – ông nhủ thầm.

    Vài tháng sau, ông hiệu trưởng trường trẻ mồ côi ở Trung Quốc – nơi nhận quà quyên góp - được đến thăm trường tôi. Ông hết lời cảm ơn chúng tôi vì quần áo cho trẻ mồ côi. Rồi ông cũng phát biểu:
    - Tôi cũng hết sức cảm ơn các bạn vì chiếc kính các bạn gửi cho tôi lần trườc. Vừa trước đó, chiếc kính cũ của tôi bị vỡ và tôi rất tuyệt vọng vì không thay được tròng kính, do hàng hóa khan hiếm ở đất nước nước tôi vào thời điểm đó. Tôi không nhìn rõ được và thường xuyên nhức đầu. Thế rồi các thùng quần áo các bạn gửi đến và khi mở ra, chúng tôi thấy chiếc kính.
    Mọi người chăm chú lắng nghe. Ông hiệu trưởng nói tiếp :
    - Các bạn ạ, khi tôi thử đeo kính vào, thật may mắn, tôi nhìn mọi vật đều rõ ràng ra, như thể nó được làm riêng cho tôi vậy. Tôi rất biết ơn các bạn về chiếc kính.

    Mọi người đều vui vì chuyện chiếc kính dù ai cũng bối rối : chiếc kính không nằm trong danh sách nhưng món quà được gửi đi Trung Quốc. Mọi người nghĩ rằng ông hiệu trưởng đã nhầm và chiếc kính đó là một nhà thờ khác gửi. Lúc đó, tôi thấy ông ngoại ngồi ở băng ghế sau cùng, kín đáo lau nước mắt. Ông, một người thợ mộc bình thường, đã nhận ra rằng Tạo Hóa đã cậy nhờ ông một việc đặc biệt, theo một cách đặc biệt nhất.

    Có những sự việc chúng ta tưởng như không may xảy ra, nhưng cũng có thể nó được sắp đặt để xảy ra như vậy - sắp đặt một cách có ý nghĩa.

  6. #206
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Con chó Giôn

    Nó tên Giôn, tức Giôn Xơn. Hồi chiến tranh, chó mèo đều lấy tên Giôn Xơn, Ních Xơn, Thiệu, Diệm ra đặt cả. Làm cái nhà vệ sinh công cộng, vẽ cái mặt Giôn Xơn, viết câu ca nhắc nhở: “Dù ai đi đâu về đâu/ về đây mà đái lên đầu Giôn Xơn/ căm hờn lại dục căm hờn/ về đây mà đái còn hơn đái ngoài”. Đi đái còn phải căm thù sâu sắc huống hồ là đặt tên chó mèo.

    Lúc mới mang từ nhà dì Thé về, cả nhà gọi nó là Giôn Xơn, sau gọi Giôn Xơn khó, người gọi Giôn Giôn Giôn, người gọi Xơn Xơn Xơn, nó bé bằng bắp hoa chuối mắt tròn xoe cứ ngơ ra nhìn, một tuần rồi vẫn chẳng biết tên nó là gì, cuối cùng cả nhà nhất trí gọi nó là Giôn.

    Mình yêu nó nhất nhà, mới 7 tuổi, bom đạn đầy trời, quanh năm suốt tháng trẻ con bị giam trong nhà, có con chó nhỏ như bắt được vàng, mình suốt ngày quanh quẩn bên nó, có việc để làm, khỏi phải ngồi ngạch cửa ngóng ra đường nữa.

    Đến lớp chỉ mong về chơi con chó Giôn. Đôi khi cắn bút ngẩn ngơ: con Giôn bây giờ làm gì nhỉ? Tối nào nó cũng nằm khoanh trong lòng mình, lâu ngày quen, vắng nó cái là không sao ngủ được. Đang ngủ quờ tay không thấy nó, giật mình chồm dậy kêu ầm Giôn mô rồi Giôn mô rồi. Nó ở đâu nhảy phốc lên giường, liếm liếm mặt mình, sướng mê man.

    Hè năm lớp 2, con Giôn đã bằng bắp vế mình, biết bắt chuột, sai nó lấy cái này cái nọ, chỉ cần nói đến lần thứ 2 là nó hiểu liền. Nó không ăn cứt, không phải nhờ có “ giáo dục”, nhà cũng chẳng đủ cơm cho nó, nhưng nó không ăn là không ăn. Một hôm mạ mình chìa đít con Lý, cháu gái mình, cho nó liếm, nó không liếm, còn nhìn mạ mình vẻ khó chịu, ra cái vẻ ta đây có văn hoá, không thèm.

    Một hôm máy bay Mỹ khui được kho dầu lớn ở làng Chánh Trực, sát ngay Ba Đồn, chúng quần đúng 6 tiếng, từ 2 giờ chiều đến 8 giờ đêm, bom nổ lửa cháy ngút trời, dân Ba Đồn xanh mặt kéo nhau chạy táo tác, nói chạy mau không mai nó đến càn nát Ba Đồn. Ba mình quyết định sơ tán ngay trong đêm.

    Các anh chị lớn lo gánh vác vận chuyển nhà cửa, mình bé chỉ phải đưa đống sách của mình đi thôi, thế mà cũng ốm xác. Mang trên lưng gần chục cân, lội bộ 11 cây số cát trong đêm, mình cùng con Giôn bị bỏ rơi khá xa.

    Mình lê lết kéo rê chân trên cát, vừa đi vừa nghỉ, lôi sách ra ném bớt đi cho nhẹ, nhưng nhìn thấy cuốn nào cũng tiếc, lại nhét vào, nghiến răng lê lết bước. Buồn ngủ quá, đang đi bỗng rơi phịch xuống cát, cứ thế ngủ không biết gì trời đất.

    May có con Giôn, nó vọt lên kéo ống quần ba mình làm hiệu, ông quay lại tìm, cõng về đến nhà mới làng Đông Dương.

    Mình lên lớp 3, con Giôn đã lớn, ngày nào cũng theo mình đi học. Mình ngồi học, nó ngồi ở cửa lớp ngóng vào, cái mặt nó nhìn mình có vẻ ngưỡng mộ lắm.

    Ra chơi là nó quấn lấy mình, chơi đã thôi. Cũng có hôm mình theo mấy thằng bạn chạy rong, ngoảnh lại thấy nó ngồi chống hai chân trước nhìn mình, mặt buồn thiu.

    Nó biết bắt cá, lúc đầu chỉ bắt cá ruộng cạn, sau nó dám nhảy xuống nước ngụp lặn như ngươi. Thỉnh thoảng nó gặm một con cá rô hay cá tràu ( cá lóc) chạy về nhà, thả vào chậu, mạ mình mắt sáng như sao, nói thằng L. làm răng phấn đấu bằng con Giôn.

    Đến bữa không bao giờ nó chạy lăng xăng quanh mâm. Nó nằm dài ở sân, mặt ghếch ra ngõ, ra cái điều có mời chắc gì ta đã ăn. Hết bữa, mạ mình tùa hết đồ ăn thừa vào bát, phải gọi hai ba lần nó mới uể oải đi vào, y chang mấy ông khách làm bộ: no rồi, ăn chơi bát cho vui thôi !

    Nó biết mình yêu ai ghét ai. Có anh cu Ly đeo răng vàng hay đến tán chị Quy, mình ghét lắm, hồi đó cứ thấy anh nào đeo răng vàng, chải tóc bóng mượt là ghét.

    Anh cu Ly thỉnh thoảng đạp xe từ Quảng Thanh đến, giả đò tán chuyện thời sự với ba chị Quy, ta thắng chỗ này, địch thua chỗ kia nhưng thực chất mắt trước mắt sau lôi chị Quy ra khỏi nhà.

    Anh cu Ly đèo chị Quy bằng cái xe đạp Phượng hoàng mới cứng, tụi mình chạy đuổi theo hét vang: có tiền mua lúa mua khoai/ đừng mua xe đạp mà lai đàn bà!

    Con Giôn hưởng ứng liền, nó chạy loăng quăng trước mũi xe anh cu Ly, anh tránh không được, ngã oạch. Tụi mình sướng rêm, nhảy cà tẩng dzê- ê dzê-ê.

    Nhà mình hồi đó nghèo lắm. Tám đứa con, chỉ trông vào đồng lương của ba mình, không nghèo mới chuyện lạ. Có chục đồng mượn mự Thơm hôm đi sơ tán mà mự cho người nhắn năm lần bảy lượt vẫn không trả được.

    Mình nhớ trưa hôm đó mình ngoài đồng về thì thấy má đang ngồi ròng xích cổ con Giôn. Nó nằm im nhưng toàn thân rung bần bật, đôi mắt ngước lên nhìn mình cầu khẩn .

    Mình hỏi mạ làm chi rứa. Mạ mình nói bán đi trả nợ cho mự Thơm. Mình vừa hét vừa nhảy, khóc lóc ầm ĩ, nói không không không. Mạ mình khóc, rất hiếm khi mạ mình khóc, nói mi không biết mô, mự Thơm ra giữa chợ chửi mạ.

    Mình tịt câm, cầm dây kéo con Giôn đi về nhà anh Dậu đúc soong nồi cuối làng, anh đã trả tiền cho mạ rồi.

    Mình và con Giôn đi đường cát sau làng. Nó chỉ chạy chừng mươi bước rồi trì lại, mắt ngước nhìn mình van lơn. Mình cứ cúi mặt kéo đi, nó lại chạy mươi bước lại trì lại, hai mắt dàn dụa nước. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất mình nhìn thấy chó khóc.

    Mình ngồi ôm nó khóc theo. Ngồi ước sao bỗng nhiên được mười đồng.

    Mình ngồi ôm con Giôn ngồi giữa cát nắng chang chang, khóc mãi, khóc khan cả cổ, nói đi nói lại ui trời ơi răng nhà tui nghèo ri hè. Con Giôn bỗng rùng mình một cái, vụt chạy. Tưởng nó chạy đi đâu, được mươi bước nó dừng lại ngoảnh mặt nhìn mình chờ đợi.

    Mình biết nó đã đồng ý đi, không chống đối nữa nên không cần dắt dây, cứ để nó chạy theo mình. Từ đó đến nhà anh Dậu mặt nó cứ cúi gầm. Đến ngõ nhà anh, nó mớí dừng lại run lẩy bẩy. Nhưng nó không khóc, mình cũng thế, cũng run lên nhưng không khóc.

    Cho đến khi anh Dậu tuồn nó vào bao bố, nó còn kịp nhìn mình trân trối, cái nhìn vừa trách móc vừa thương yêu bất tận, kêu ẳng một tiếng đau nhói tim.

    Anh Dậu ném cái bao bố xuống ao. Mình đứng im, chết giấc. Khi thấy hồ nước sủi bọt, mình bỗng xâm mắt, nghiến răng nhảy bùm xuống ao. Anh Dậu lôi lên cho một tát, nói ngu, điên, rồi đuổi về.

    Đến chiều thì mình lên cơn cảm hàn, sốt li bì, sốt quá phát cuồng vùng té chạy, ai đuổi theo cũng không kịp. Mình vừa chạy vừa hét lên ôi Giôn ơi Giôn ơi!

    ....Viết đến đây thì ngồi khóc, bây giờ đã 2 giờ sáng......

  7. #207
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    [YOUTUBE]http://www.youtube.com/watch?v=E1Rk68vr0t0&feature=fvwrel[/YOUTUBE]


    xem clip này mà mình rơi nước mắt...thương cậu bé quá....!

  8. #208
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

  9. #209
    Ngày tham gia
    Nov 2011
    Đang ở
    Hai duong
    Bài viết
    116
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Người đàn ông thật sự yêu em...

    Người đàn ông thật sự yêu em , là người...
    Ôm sẽ thật ấm áp, càu nhàu sẽ rất bực mình, ở gần thì ghét, ở xa em lại rất nhớ.

    Bát mì ăn dở không được để lãng phí, họ sẽ ăn nốt giùm em.

    Đôi bàn chân giá rét của em áp vào đùi, họ rét nhưng họ sẽ không bao giờ đẩy bàn chân em ra.

    Đi siêu thị mua đồ, họ sẽ xách nhiều hơn em một hai cái túi lớn, nhưng vẫn còn thừa ra một bàn tay để dắt em đi.

    Đi dạo phố em sẽ thêm một người cằn nhằn, nhắc em đừng mua linh tinh.

    Em ốm, họ có thể còn đau hơn em.

    Trước khi ra khỏi nhà, mắt họ ngắm em kỹ hơn một cái gương soi.

    Là người con trai hàng tháng nhớ mua băng vệ sinh theo lịch, là người dù cãi cọ với em dù có lỗi với em nhưng vẫn trơ trơ mặt dầy tới cầm tay em.

    Rồi sau nhiều năm, qua nhiều kỷ niệm ngày yêu nhau đầu tiên, họ đã quên đi tất cả, quên ngày Valentine, họ cũng quên trên đời còn có Lễ giáng sinh.

    Chỉ vì muốn xem trận bóng trực tiếp, họ sẽ vứt em sang một bên lạnh lẽo.

    Họ sẽ không còn mua tặng em hoa...

    Nhưng sẽ là người thường mua tặng em túi ni lông đựng rác, băng vệ sinh, trái cây...

    Rỗi rãi chả có việc gì làm họ sẽ quẩn quanh ở nhà em, nhưng có việc họ cũng vẫn cứ quẩn quanh ở nhà em.

    Làm em nghĩ, chả lẽ họ không có bạn bè nào khác sao?

    Là người vô cùng thích nhìn lúc em cười to thoải mái, rồi họ cười lại với vẻ đầy ngốc nghếch.

    Người hay bỏ sót các cuộc em gọi, nhưng lại gọi tới nóng rực máy em.

    Chăm em ăn cơm, chăm em xem phim, chăm em đi mua đồ, rồi lại nghĩ sau này sẽ chăm em những gì.

    Ghét nhất sợ nhất là khi em khóc, nên chỉ nghe tiếng nức nở, sẽ bay từ hàng nghìn km về bên cạnh em.

    Họ sẽ lặng lẽ làm cho em rất nhiều điều, nhưng sẽ không kể công.

    Họ là một người tự thấy cánh tay là chiếc gối cho em.

    Họ là một người có lòng dũng cảm, dám giành giật cái điều khiển ti vi với em, song sau cùng dù thắng cũng chỉ dám ngoan ngoãn ngồi dựa cằm vào vai em xem MTV.

    Lúc xa, họ vẫn bên em vô hình.

    Em một mình dựa vai khi nhớ.


    Nếu bạn thấy ở bên cạnh bạn có một người như thế này, thì... đừng để họ chạy thoát!

    (Trang Hạ phỏng dịch)
     

  10. #210
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi kitchut Xem bài viết
    [YOUTUBE]E1Rk68vr0t0[/YOUTUBE]


    xem clip này mà mình rơi nước mắt...thương cậu bé quá....!
    Xem các bài viết, bài báo liên quan thì kitchut còn khóc ko còn nước mắt vì cậu bé này hát "nhép" và đây là kịch bản do đạo diễn họ dựng lên.
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

Các Chủ đề tương tự

  1. Truyền thuyết lông đuôi voi!
    Bởi bmt_ds trong diễn đàn Tâm tình - Ăn uống - Vui chơi
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 13-09-2012, 12:37 PM
  2. ReFlex tự truyện :D
    Bởi Lead trong diễn đàn CLB Mô hình Hải Dương
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 16-09-2010, 04:26 PM
  3. Lịch phát sóng phóng sự về CLB FDC trên truyền hình HD
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 05-06-2010, 04:53 PM
  4. Chương trình So You Thing You Can Dance trên truyền hình Mỹ
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 09:41 PM
  5. Phóng sự truyền hình về CLB FDC
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Phòng truyền thống
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 09-10-2009, 08:41 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •