Trang 16 của 28 Đầu tiênĐầu tiên ... 6141516171826 ... CuốiCuối
Kết quả 151 đến 160 của 277

Chủ đề: BÊN LỀ CUỘC SỐNG - st những câu truyện hay

  1. #151
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Sức Mạnh của Nụ Cười


    Có một câu chuyện của Saint Exupéry mà tình cờ tôi đọc được. Những người say mê văn học không xa lạ gì với tác giả cuốn Hoàng tử bé. Ông từng là phi công tham gia chống phát xít trong Thế Chiến II. Từ những năm tháng này, ông đã viết ra Nụ cười. Tôi không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, song tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint Exupéry là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông nghĩ rằng nay mai mình sẽ bị xử bắn như những người khác. Ông viết :

    …Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi co giật và rút từ túi ra một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua chấn song, tôi nhìn thấy người cai tù. Anh ta không thấy tôi, nên tôi đành gọi :

    -Xin lỗi, anh có lửa không ?

    Anh nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Ngay lập tức, tôi mỉm cười. Tôi chẳng hiểu tại sao mình lại làm như thế.

    Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười.

    Lúc này, dường như có một đốm lửa bùng cháy ngang kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, song do tôi cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh bật diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây, trước mặt tôi không còn là một viên cai tù phát xít mà chỉ còn là một con người.

    -Anh có con không ? - Anh ta hỏi tôi.

    -Có - Tôi đáp, và lôi từ túi ra chiéc bóp có hình gia đình mình. Đoạn anh ta cũng lôi từ túi ra tấm hình của những đứa con và bắt đầu kể những hi vọng của anh đối với chúng.

    Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết rằng mình sắp chết và chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi thành phố, thả tôi ra rồi quay trở về.

    Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi nhờ một nụ cười.

    Từ khi đọc được câu chuyện này, tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi vỏ bọc mà chúng ta tạo ra để bảo vệ mình, bảo vệ phẩm giá và vị thế của mình, bên dưới những điều này còn có một cái thật quý giá mà tôi gọi là tâm hồn.

    Tôi tin rằng nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù nhau. Nếu bạn từng có khoảnh khắc gắn bó với người khác qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin bạn cũng đồng ý với tôi đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau. Mẹ Theresa đã cảm nhận điều này trong cuộc sống và bà đưa ra một lời khuyên chân thành :

    -Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ bạn, với chồng bạn, với con bạn và với mọi người - dù đó là ai, vì điều này sẽ giúp bạn lớn lên trong tình yêu của nhau.


  2. #152
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Hạnh phúc của người cha



    Niềm vui của con cái chính là hạnh phúc của người cha, và tình yêu thương con vô bờ đôi khi không thể hiện ngay ở nơi bạn có thể nhìn thấy mà ẩn chứa sâu bên trong những thứ tưởng chừng như rất hời hợt bên ngoài.

    Có một chàng trai trẻ sắp tốt nghiệp đại học. Trong nhiều tháng nay anh ta luôn mơ ước một chiếc xe ô tô thể thao tuyệt đẹp đang để ở phòng trưng bày mẫu hàng. Anh cũng biết rằng cha mình có thừa khả năng mua nó. Bởi thế, anh quyết định nói ra điều mong ước của mình với hi vọng rằng, cha sẽ tặng nó cho anh vào đúng lễ tốt nghiệp.

    Ngày mong ước cuối cùng cũng tới. Chàng trai trẻ chờ đợi trong hồi hộp những dấu hiệu cho thấy cha anh đã mua chiếc xe. Vào buổi sáng ngày tốt nghiệp, người cha gọi chàng trai vào phòng và bắt đầu nói ông tự hào như thế nào khi có một người con trai giỏi giang và ngoan ngoãn như anh. Rồi ông trao cho anh một hộp quà được gói rất đẹp.

    Chàng trai mở quà trong hồi hộp, kì vọng xen lẫn tò mò, nhưng trái với mong ước của anh, bên trong hộp quà chỉ là quyển kinh thánh bọc da có khắc chữ nổi tên anh vàng.

    Giận dữ, chàng trai lớn tiếng với người cha đáng kính: “Với tất cả số tiền của cha, cha chỉ có thể cho con một quyển kinh thánh thôi ư?” rồi lao ra khỏi nhà và vứt lại món quà.

    Nhiều năm trôi qua, chàng trai trẻ giờ đã trở thành doanh nhân thành đạt. Anh ta có một ngôi nhà đẹp, một gia đình hạnh phúc và chợt nhận ra rằng người cha của mình giờ đã rất già. Có lẽ anh cũng nên đi thăm ông ấy bởi từ ngày bỏ đi đến nay, anh không đến gặp cha lần nào cả.

    Tiếc rằng trước khi anh có thể thực hiện được ý định của mình, thì có một cuộc điện thoại báo cha anh đã mất và trong di chúc, ông để lại tất cả tài sản của mình cho con trai.

    Chàng trai vội vàng trở về nhưng khi bước chân vào nhà, cảm giác về một nỗi buồn và sự hối tiếc bất ngờ xâm chiếm. Anh bắt đầu tìm kiếm những giấy tờ quan trọng của người cha, bất chợt tìm thấy quyển kinh thánh vẫn còn mới, giống hệt như quyển kinh thánh anh đã để lại nhiều năm trước.

    Trong nước mắt, anh lần mở từng trang giấy. Bỗng một vật rơi ra từ quyển kinh thánh. Đó là chiếc chìa khoá xe ô tô và bên trong quyển sách còn có một cái thẻ tên nhà phân phối chiếc xe thể thao mà anh từng ao ước. Trên thẻ là ngày tốt nghiệp của anh và các chi phí mua xe đã được trả đầy đủ.

    Cảm thấy đau nhói nơi trái tim, giờ thì anh đã hiểu: Trái tim của một người cha luôn tràn ngập tình yêu thương nhưng tình yêu đó lại không thể nói thành lời !


  3. #153
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Đã đến lúc cho quá khứ ngủ yên

    Anh à, lâu rồi em không được gọi anh bằng cái tên thân quen đó, và dường như em cũng đã quên mất cái tên đó rồi thì phải.

    Dù em biết anh giờ đã khác xưa, nhưng không hiểu sao em vẫn bị dao động trước cái nhìn của anh. Khi cả lớp í ới nhốn nhào chọn anh làm lớp trưởng và đề cử em làm phó kiêm thủ quỹ thì bỗng dưng anh nhìn em và em cũng nhìn lại, phải chăng đó là phản xạ tự nhiên, khi cặp mắt của em vô tình chạm cặp mắt của anh, anh cười, có lẽ là khi ấy bao nhiêu cảm xúc chợt ùa về, …

    Em chưa quên được anh, chưa bao giờ em quên anh như em đã từng nghĩ nhưng em tin em sẽ quên được.
    Tình đầu là cái gì đó vẫn âm ỉ, dai dẳng trong trái tim mỗi người, và có lẽ chỉ khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, mối tình ấy mối có thể được chôn vùi cùng với gió cát…

    Giờ đây, em đã có cuộc sống mới cho riêng mình, tuy mỗi bước em đi không có anh kề bên nhưng em vẫn ngẩn cao đầu sải chân mà bước và bắt đầu ngày mới lựa chọn tình yêu cho riêng mình, cũng bắt đầu từ tình bạn như anh, anh ạ !

    Nhưng sao hai cảm giác thật khác nhau, người ta lo cho em, chăm sóc cho em khi trời trở gió và là người rất biết chia sẻ đồng cảm với em. Đó là lý do kéo em về với thực tại…
    Nhỏ bạn nói với em rằng: “mày đừng bao giờ quay đầu lại, hãy cứ bước tiếp những bước đi của mày trên con đường mày đã chọn, lòng mày đã dịu lại rồi, đừng để nó dậy sóng nữa, sẽ lấy chồng nhưng vấn đề là sớm hay muộn thôi…”

    Ừ, có lẽ cậu nói đúng, tính tổng thời gian đã hơn 2 năm rồi nhỉ, đã đến lúc cho quá khứ ngủ yên. Giờ anh và em mỗi người đều có một cuộc sống riêng, những hoài bão riêng, và trên hết em nên từng bước từng bước để đón nhận tình cảm của người ta, người đã cho em rất nhiều, cho em cảm thấy cuộc sống này còn nhiều niềm vui, em nên trân trọng người ta hơn, như người ta đã tôn trọng em. Có lẽ, em cần thực sự nghiêm túc cho một mối quan hệ mới và lâu dài…

    Anh à, hãy sống tốt nhé, em cũng mong anh dừng lại những câu chuyện không hồi kết, có cuộc sống hạnh phúc, cô ấy là hậu phương vững chắc cho anh và biết chia sẻ với anh trong mọi vấn đề của cuộc sống. Và em mong sao, cô ấy của anh cùng sát cánh bên nhau dù cho cuộc sống có khó khăn đến mấy.

    Tạm biệt anh của ngày xưa, tạm biệt anh cùng với những kỷ niệm đã khắc sâu trong em bao ngày.

    Chào anh, em sẽ đi cùng hạnh phúc mới,

    Chào anh của ngày hôm nay….

  4. #154
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    8 LỜI NÓI DỐI TRONG ĐỜI NGƯỜI MẸ

    Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi có đủ cơm ăn, mẹ liền lấy cơm ở trong chén mình chia đều cho các con. Mẹ bảo: Các con, ăn nhanh đi, mẹ không đói !

    ——>Mẹ nói câu nói dối đầu tiên!

    Khi cậu bé lớn dần lên, người mẹ tảo tần lại tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô bắt cá về cho con ăn cho đủ chất. Cá rất tươi, canh cá cũng rất ngon. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên nhằn đầu cá. Lấy lưỡi mà liếm những mảnh thịt sót lại trên đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát mình sang bát mẹ, Mẹ không ăn, lại dùng đũa gắp trả miếng cá về bát cậu bé. Mẹ bảo: Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá.

    ——> Mẹ nói câu nói dối thứ hai.

    Lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, Vừa làm thợ may, mẹ vừa đến Hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối, để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ cười nhẹ: Con trai, đi ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ !

    ——> Mẹ lại lần thứ ba nói dối.

    Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm, Ngày nào cũng đứng ở cổng trường thi, làm chỗ dựa tinh thần cho cậu bé đi thi. Đúng vào mùa hạ, trời nắng khét tóc. Người mẹ nhẫn nại đứng dưới cái nắng hè gay gắt chờ con suốt mấy tiếng đồng hồ. Tiếng chuông hết giờ đã vang lên. Mẹ nghiêng người đưa cho cậu bé bình trà đã được pha sẵn, dỗ dành cậu bé uống, bình trà nồng đượm, tình mẹ còn nồng đượm hơn. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà trong tay mời mẹ uống. Mẹ bảo: Con uống nhanh lên con. Mẹ không khát !

    ——>Mẹ nói dối lần thứ tư

    Sau khi Cha lâm bệnh qua đời, Mẹ vừa làm Mẹ vừa làm Cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá. Ngậm đắng nuốt cay nuôi con ăn học, cái khổ không lời nào kể xiết. Có chú Lý ngồi sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người chứ đâu phải cây cỏ, lâu rồi cũng sinh tình cảm. Hàng xóm láng giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, việc gì phải một mình chịu khổ thế. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn thủ thân như ngọc, kiên quyết không đi bước nữa. Mọi người có khuyên mẹ kiên quyết không nghe. Mẹ bảo: Mẹ không yêu chú ấy.

    ——>Mẹ nói dối lần thứ 5.

    Sau khi cậu bé và các anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ để duy trì cuộc sống. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: Mẹ có tiền mà!

    ——>Mẹ nói dối lần thứ 6.

    Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cậu ở lại làm việc tại một công ty nghiên cứu máy móc. Sống ở Mỹ một thời gian, khi đã có chút điều kiện. Cậu bé muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng mẹ tốt hơn. Nhưng lại bị mẹ từ chối. Mẹ bảo: Mẹ không thich!

    ——>Mẹ nói dối lần thứ bảy.

    Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ già đi nhiều và yếu quá rồi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến chết đi sống lại, thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ lại bảo: Con trai, đừng khóc, mẹ không đau đâu.

    ——> Đấy là lần nói dối cuối cùng của mẹ !!!


  5. #155
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Cuộc đời và những vòng tay





    Theo bạn, phần quan trọng nhất trên cơ thể con người là gì? Chắc hẳn câu trả lời của mỗi người sẽ không giống nhau. Riêng với tôi, đó chính là vòng tay. Tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành và một ngày nào đó sẽ từ giã cõi đời này cũng trong những vòng tay.
    Ngày tôi sinh ra, tôi đuợc đặt trong vòng tay mẹ. Sau cơn vượt cạn, thân thể mẹ đau đớn, rã rời, nhưng vòng tay vẫn mềm mại và ấm áp.

    Rồi tôi lớn lên trong vòng tay của bà, trong những buổi trưa bà hát ru tôi ngủ. Bà già yếu lắm rôi nhưng vòng tay bà ôm tôi chặt lắm. Bà bảo ôm chặt để cháu không bị giật mình thức giấc.

    Tôi tiếp tục trưởng thành trong vòng tay của cha. Tay cha to, chắc và chai sạn vì những vất vả đời thường. Cha thường bế con gái về giường mỗi khi tôi ngủ gục trên ghế hay chỗ nào đó trong nhà. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác lâng lâng khi được cha bồng trong giấc ngủ mơ màng.

    Tôi đi học và vô tư sống trong vòng tay bạn bè. Tôi thường ngắm nhìn bức ảnh chụp nhỏ bạn thân đang vòng tay ôm tôi dước gốc phượng, miệng hai đứa đều cười tươi. Tình bạn thật ấm áp làm sao.

    Tôi bước vào đời, không thể tránh khỏi những vấp váp sai lầm. Và vòng tay người tôi yêu đã dang rộng, chở che và giúp tôi đứng vững trước sóng gió của cuộc đời. Vòng tay ấy cũng là nơi tôi ngả vào tìm sự cảm thông, chia sẻ và truyền cho tôi hơi ấm của tình yêu và hạnh phúc những năm tháng sau này.

    Những đêm thao thức vì một người thân quen nào đó vừa ra đi, tôi chợt nghĩ tới những vòng tay sẽ ôm tôi khi tôi lìa đời. Thế nhưng những vòng tay ấy có ấm áp đến đâu thì cũng không thể xua đi sự giá lạnh của cái chết. Những lúc ấy, tôi chợt thèm đến một vòng tay ôm siết. Tôi muốn được nũng nịu rúc vào vòng tay người tôi yêu thương, và dang tay với những người cần tôi cảm thông, chia sẻ. Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác. Tôi không chắc mình có đem lại hạnh phúc thật sự khi trao cho người khác. Tôi không chắc mình có đem lại hạnh phúc thật sự không nhưng tôi tin là mình đã làm được điều gì đó cho họ. Và chỉ riêng ý nghĩ đó thôi cũng đủ làm tôi cảm thấy hạnh phúc.

    Bờ vai là chỗ dựa tin cậy để tìm sự cảm thông và an ủi. Còn vòng tay lại xoa dịu nỗi đau và chia sẻ niềm hân hoan. Vòng tay có thể nói thay những lời nói mà đôi khi ta không cần phải thốt thành lời:” Mình hiểu được tâm trạng của bạn!”,” Con nhớ mẹ vô cùng!”, “Con rất mừng khi bố ở bên con!”,” Cứ khóc đi để vơi hết những buồn đau!”, hay “Con rất quan trọng với bố mẹ!”

    …Và mỗi khi nhận được những thông điệp ấy từ vòng tay của người khác, bạn hãy nhớ rằng bạn đang là người may mắn và hạnh phúc nhất.

    Hãy biết trao và nhận những vòng tay, bạn nhé!




  6. #156
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Vẫn lạnh




    Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:

    - Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.

    Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:

    - Con đừng lo, mẹ xa rồi, có Dì thay mẹ chăm con.

    Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.

    Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:

    - Giá như đừng có Dì thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…


  7. #157
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    HAI BÁT MÌ BÒ

    Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cần mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh...

    Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

    Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội". Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

    Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt". Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ... ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy".

    Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng". Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

    Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, dưới bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

  8. #158
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Vẫn là Ước Mơ



    Chị mua giùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:

    - Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì?

    Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:

    - Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.

    Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:

    - Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.

    Dĩ nhiên là chị không trúng số.

    Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón...


  9. #159
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Bước chân trên tuyết

    Một bà cụ nặng nhọc lê bước trên phố. Bà cụ đi chân đất. Trên tuyết. Một đôi trẻ, tay xách lỉnh kỉnh những túi to- vừa nói chuyện vừa cười đến nỗi không để ý thấy bà cụ.

    Một người mẹ dẫn hai đứa con nhỏ tới nhà bà ngoại. Họ quá vội nên cũng không để ý.

    Một viên chức ôm một chồng sách đi qua. Mải suy nghĩ nên cũng không để ý.

    Bà cụ dùng cả hai tay để khép vạt áo đứt hết khuy. Dừng lại, nép vào một góc ở bến xe buýt. Một quý ông ăn mặc lịch lãm cũng đứng đợi xe buýt. Ông cố đứng tránh xa bà cụ một chút. Tất nhiên là bà già rồi, chẳng làm hại được ai, nhưng nhỡ bà ấy bị bệnh lây nhiễm thì sao…

    Một cô gái cũng đứng đợi xe buýt. Cô liên tục liếc xuống chân bà cụ, nhưng cũng không nói gì.

    Xe buýt tới và bà cụ nặng nhọc bước lên xe. Bà ngồi trên chiếc ghế ngay sau người lái xe. Quý ông và cô gái vội vã chạy xuống cuối xe ngồi. Người lái xe liếc nhìn bà cụ và nghĩ: “Mình không thích phải nhìn thấy cảnh nghèo khổ này chút nào!”.

    Một cậu bé chỉ vào bà cụ và kêu lên với mẹ:

    - Mẹ ơi, bà ấy đi chân đất! Mẹ bảo những ai hư mới đi chân đất, đúng không mẹ?

    Người mẹ hơi ngượng ngập kéo tay con xuống:

    - Andrew, không được chỉ vào người khác!- Rồi bà mẹ nhìn ra cửa sổ.

    - Bà cụ này chắc phải có con cái trưởng thành rồi chứ!- Một phụ nữ mặc áo choàng lông thì thầm- Con cái của bà ấy nên cảm thấy xấu hổ mới phải!

    Người phụ nữ này bỗng cảm thấy mình quả là người tốt, vì mình luôn quan tâm đầy đủ đến mẹ mình.

    - Đấy, ai cũng phải học cách tiết kiệm tiền- Một chàng trai ăn mặc bảnh bao thêm vào- Nếu bà ấy biết tiết kiệm từ khi còn trẻ thì bà ấy chẳng nghèo như bây giờ!

    Một doanh nhân hào phóng bỗng cảm thấy ái ngại. Ông lấy trong ví ra một tờ 10 đôla, ấn vào bàn tay nhăn nheo của bà cụ, nói giọng hãnh diện:

    - Đây, biếu bà! Bà nhớ mua đôi giày mà đi! Rồi ông ta quay về chỗ ngồi, cảm thấy hài lòng và tự hào về mình.

    Xe buýt dừng lại khi tới bến và một vài người khách bước lên. Trong số đó có một cậu bé khoảng 16-17 tuổi. Cậu ta mặc chiếc áo khoác to màu xanh và đeo balô cũng to, đang nghe headphone. Cậu trả tiền xe buýt và ngồi ngay vào ghế ngang hàng với bà cụ. Rồi cậu nhìn thấy bà cụ đi chân đất.

    Cậu tắt nhạc. Cảm thấy lạnh người. Cậu nhìn từ chân bà cụ sang chân mình. Cậu đang đi một đôi giày cổ lông dành cho trời tuyết. Đôi giày mới tinh và ấm sực. Cậu phải tiết kiệm tiền tiêu vặt khá lâu mới mua được. Bạn bè đứa nào cũng khen!

    Nhưng cậu cúi xuống và bắt đầu cởi giày, cởi tất, rồi ngồi xuống sàn xe, bên cạnh bà cụ.

    - Bà, cháu có giày đây này!- Cậu nói.

    Một cách cẩn thận, cậu ta nhấc bàn chân lạnh cóng, co quắp của bà cụ lên, đi tất và đi giày vào chân bà. Bà cụ sững người, chỉ khe khẽ gật đầu và nói lời cảm ơn rất nhỏ.

    Lúc đó, xe buýt dừng. Cậu thanh niên chào bà cụ và xuống xe. Đi chân đất trên tuyết.

    Những người khách trên xe thò đầu ra cửa sổ, nhìn đôi chân cậu thanh niên, xôn xao bình phẩm.

    - Cậu ta làm sao thế nhỉ?- Một người hỏi.

    - Một thiên thần chăng?

    - Hay là con trai của Chúa!

    Nhưng cậu bé, người ban nãy chỉ vào bà cụ, quay sang nói với mẹ:

    - Không phải đâu mẹ ạ! Con đã nhìn rõ rồi mà! Anh ấy là người bình thường thôi!

    Và việc làm đó, thật sự, cũng chỉ cần một người bình thường.

  10. #160
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    253
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Hiểu lầm nhỏ về gia tài của cô gái nhỏ



    "Chút tui lấy cái quý giá nhất của con nhỏ ho lao đó xài đỡ…", thằng Giang Hồ Con nói, thèm khát tươm ra mắt ướt ròng khi nó ngó vuốt theo bóng đứa gái chấp chới vào con hẻm tối. Ông già đang ăn bữa chiều với cháo trắng cùng trứng muối, chực nghẹn. Ông nạt nhỏ, giọng đuối như sắp khóc :

    - Bậy, mầy. Con nhỏ đó coi bộ hiền… Tội nghiệp nó…

    Nhưng dân giang hồ tuyệt không biết tới hai từ "tội nghiệp…", nhất là thằng Giang Hồ Con. Hồi mới lảng vảng ở địa bàn này, nó vỗ ngực xưng Năm Thẹo, Bảy Búa... Những cái tên oai hùng rùng rợn đó là nó tự sáng tạo cho kêu, cho thấy trong người nó chỉ chảy độc một dòng máu lạnh. Nhưng có vỗ ngực xưng ông trời thì với ông già từng dầm dề sương gió đường phố, thằng nhỏ vẫn là Giang Hồ Con. Bằng chứng là nó đang đói meo từ sáng giờ, sau khi lên xuống bao nhiêu xe buýt. Vào một ngày người ta bỗng dưng đầy cảnh giác, chẳng để lộ chút sơ hở nào. Vào một ngày chỉ một gói xôi năm ngàn đồng bạc còn kiếm không ra để lót lòng cho qua bữa, đừng nói tới chuyện teo phê tê mê.

    Buồn tình, Giang Hồ Con vạ vật chỗ ông già, bòn mót từng điếu thuốc. Khói không đủ no. Nhưng không đủ tắt đi dục vọng bỗng dưng bùng cháy trong người nó. Thằng nhỏ túng tiền, không tiền thì làm gì cho hết cái đêm thênh thang này ? Tình cờ đứa con gái kia chạy xe qua, tình cờ Giang Hồ Con nhìn thấy chút le lói của niềm vui chiếm đoạt. Nó liếm môi nhắc lại lần nữa, lấy cái quý giá nhất của con nhỏ.

    Đó là đứa con gái xanh, mảnh như nhánh trúc. Mỗi lần thấy con nhỏ đạp xe từ con hẻm Từ Hải tuôn ra là ông già thót ruột, cảm giác chút xíu nữa gió bụi trên đường Kiều sẽ làm cô tan vụn. Nhưng cô không tan, chỉ ngày càng gầy gò do vừa học vừa làm ở xưởng tàu hủ đâu đó trong hẻm. Cả lúc đi học con nhỏ cũng tranh thủ kiếm tiền thêm bằng cách chở theo lặc lè mấy giỏ tàu hủ, sữa đậu nành bỏ mối. Hôm nào nó cũng cắm đầu đi le te, ngang qua ông già theo kiểu tờ giấy quyến bay, lắt lay lắt lay. Mấy đứa giang hồ la cà ở chỗ ông già nhận xét "con đó bịnh ban" hay “con nhỏ ho lao”.

    Nhờ cái dáng vẻ bệnh hoạn mà con nhỏ sống yên trong con hẻm dân giang hồ hay lai vãng. Ở đây khuất tối, chằng chịt, nhiều ngoắt ngoéo nhiều ngách trổ phức tạp... nhưng không ai để ý đứa con gái có vẻ lặng lờ trong suốt nhạt nhòa chẳng ra đẹp xấu.

    Không may, đứa con gái đó chẳng tàng hình được mãi. Trong túng quẩn răng vắt không ra bợn cơm, không biết làm gì cho đỡ buồn tay buồn chân một thằng giang hồ vừa kết án cho cô. Dù trước đó không lâu khi ngó đôi tay trắng dởn của con nhỏ do thường ngâm trong nước tẩy, nó nói " thấy hết muốn ăn thịt chuột…".

    Ông già thắt ruột như mỗi ngày ngó cô ùa ra gió bụi.Con nhỏ chẳng phải quen biết thiết thân gì với ông. Chỉ là mỗi ngày ông nhìn thấy nó ít nhất hai lần, vị chi một năm ông gặp nó bảy trăm ba chục bận, chắc chắn nhiều hơn. Có lần con nhỏ dắt xe tới vá chỗ ông. Bữa đó ông hỏi hai câu và con nhỏ trả lời hai câu nhưng gom lại không được miếng nào. Hỏi bây học trường nào. Trả lời : Trường đại học. Hỏi trọ ở chặng nào. Trả lời trong hẻm. Nhưng con nhỏ chỉ nói nhiêu thôi, như thể nói làm nó mệt. Nhưng lúc quay đi bỗng nó kêu bữa nào chú vô nhà con nấu lẩu mắm ăn chơi. Nhà con đằng trước có chữ “định đẳng cấp quý tộc” với “Mì Caloso – hương vị tuyệt vời”. Định là khẳng định đó, nhưng chữ khẳng bị rách rồi…

    Con nhỏ không nói tên, cũng không cho hay là trong hẻm có tới sáu cái nhà dừng vách bằng hương vị mì gói tuyệt vời và định đẳng cấp quý tộc (vì nhiều lý do không khẳng được, bởi vướng thùng rác hay bị quảng cáo yếu sinh lý dán chồng lên…). Có năm đứa sinh viên làm thêm ở ba xưởng tàu hủ, cả năm đứa đều mỏng dờn. Một bữa mon men vô hẻm tìm, không biết con nhỏ ở đâu ông già đứng ngẩn ngơ rồi quay ra, nghe ngột ngạt trong mắt, trong cổ họng.

    Ông cảm tình với con nhỏ, bởi gần chục năm vạ vật ở đất này chưa ai mời ông tới nhà chơi. Giang hồ không, dân tử tế thì dè dặt với ông bởi ông chơi với… giang hồ. Không, chính xác là ông kiếm sống nhờ vào tụi nó : những giang hồ bệ rạc, những du đãng hết thời. Ban ngày Bảo tàng trong kia mở cửa, ông ne nép bên gốc cây với tủ thuốc lá và cái pit - tông vá xe, đêm tới ông chiếm dụng mái hiên bảo tàng làm nhà làm quán với rượu trắng và vài món cá khô, trứng vịt lộn, đậu phộng rang… Giang hồ tép riu la cà nhậu nhẹt ở chỗ ông lấy dũng khí trước khi đánh quả hay ăn mừng thắng lợi sau đó. Phạm trù thắng lợi cũng mênh mông, có lúc tụi nó gặt được nhiều món nữ trang lấp lánh có lúc thắng lợi là lết được cái thân về dù cả người tả tơi thương tích. Khi đó ông già đem bông băng thuốc đỏ ra bán với giá cắt cổ. “Máu con người ta đâu có rẻ, tụi bây…”, ông nói vậy trong lúc vuốt cho phẳng phiu mấy tờ giấy bạc nhoe nhoét máu, cho vào túi quần đang mặc, sau đó cài năm cây kim tây, dù ông biết giang hồ đè ông ra cướp bất cứ lúc nào.

    Nhưng giang hồ không làm vậy, cư dân lai vãng hẻm Từ Hải cũng có thứ đạo nghĩa riêng. Nhiều khi tụi nó cần ông ngồi đó, cho có người hoặc gợi nhớ những hình bóng thâm tình đã xa xôi… Nhất là nửa đêm về sáng, sau khi bay xong nằm ườn thiếp đi trên chiếc chiếu rách dưới bàn tay tẩm quất điêu luyện của ông già cô độc. Lúc nào cũng có vẻ buồn bã lủi thủi cúi gằm. Giang hồ với ông già tuyệt không có cái gọi là tình nghĩa. Tiền trao rượu múc. Giang hồ nói chuyện “làm ăn” cũng không sợ bị lộ, dù tiếng lóng ông già rành sáu câu. Trà trộn giữa tụi nó lâu ngày ông biết mình phận mỏng lắm. Người ta có thể bỏ mạng bởi “có cái mặt thấy ghét” theo con mắt thẩm định của giang hồ, chuyện đó ông chứng kiến rồi. Ông muốn tiếp tục kiếm sống ở cái vỉa hè này được chừng nào hay chừng ấy, để tìm kiếm một người, để nói lời xin lỗi…

    Ông không biết cách nào ngăn thằng Giang Hồ Con lại, dù tội nghiệp cho đứa con gái đó. Đứa con gái từng rủ ông tới nhà chơi. Đứa con gái vẫn cung cúc chở tàu hủ sữa đậu nành đi bỏ mối khi húng bạn cùng trang lứa với nó đêm đêm thành bướm mọc cánh bay ra những khách sạn bên kia đường kiếm tiền son phấn hay học phí kỳ hai.

    Con Giấy Quyến sẽ nhàu nhừ khi thằng ôn dịch này đụng vào. Ông già nghĩ vậy khi nhìn vào cánh tay lông lá u sù đầy dấu kim của thằng du đãng. Kéo ghế ngồi gần nó, ông thủ thỉ vài câu chuyện vẩn vơ, cốt là câu giờ. Bỗng dưng ông nghĩ biết đâu thâm tình làm cho con quỹ trong thằng nhỏ này thôi trỗi dậy, buột miệng hỏi, "Ông bà già mầy sống đâu ? Hỏng chừng má mầy đang chờ cửa…". Chưa hết câu mà hối hận rào ra làm đuối lưỡi, ông ngờ rằng những lời đó làm thằng nhỏ bỏ đi sớm hơn. Giang hồ Con xô ghế đứng lên, nói khuya rồi, tui tà tà vô hẻm chơi. Sau mỗi bước chân cái lưng quần nó lại tụt thêm một chút, phô ra hai múi đít lỏng thỏng thâm sì. Nó cần làm gì đó vui vui, bữa nay buồn quá.

    Ông già thẩn thờ đứng nhìn theo thằng Giang Hồ Con. Nó hát ngêu ngao "Ngày lấy chồng em tưng tưng tưng tưng…" bằng thứ giọng phấn khích rạo rực. Rồi thì con hẻm chỉ còn tiếng huýt sáo của nó ngắc nga ngắc ngéo trên mảng hàng rào người ta cắm đầy miểng chai nhọn hoắc.

    Ông già Khô Mực hay còn gọi là Ê Tẩm Quất hay Ê Vá Xe đã sống ngót chục năm trên đường phố, đã từng thấy máu không biến sắc, vết chém nào cũng đã ngó qua… bỗng hoang mang. Trong thinh lặng ông nghe nước chảy leo lẻo bên dưới miệng cống. Âm thanh nước chảy luôn lừa mị ông, lúc nào cũng róc rách trong veo bất kể màu nước đen ngòm bốc mùi hôi thối. Tiếng nước nhẩn nha, lòng ông cồn cả, cảm giác như hồi chiến nằm trốn lính trong rừng mà ngóng về ấp chiến lược. Mấy đứa em và người con gái ông thương kẹt lại trong đó. Người sau này là vợ ông, và đã không còn ở bên ông từ đêm tân hôn cô thấy chồng mình hì hụi tìm dấu máu tươi trên giường cưới.

    Chiều hôm sau khi quay trở lại chỗ ông già, thằng Giang Hồ Con nhăn nhở khoe lượm con ho lao quá dễ. Ông già nín lặng, ông biết tấm vách gá bằng thùng giấy và những tấm nhựa quảng cáo không ngăn nổi một cuộc cướp đoạt, giày vò. Đứa con gái đó sáng nay đã đi qua chỗ ông. Đi bộ. Hai tay xách hai giỏ tàu hủ đậu nành lặc lè xao xác. Chân xà bát. Vai oằn cô độc. Mất mát. Chắc con nhỏ đau đến nỗi không ngồi lên yên xe đạp được, ông nghĩ vậy, cái thằng bất nhân quá…

    Ngó ông già xót xa đờ đẫn, Giang Hồ Con thấy lạ. Nó chỉ lấy cắp chiếc xe đạp thôi mà, mắc gì ông già mủi lòng đau đớn vậy ? Làm như nó đã giết con nhỏ, không bằng...

Các Chủ đề tương tự

  1. Truyền thuyết lông đuôi voi!
    Bởi bmt_ds trong diễn đàn Tâm tình - Ăn uống - Vui chơi
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 13-09-2012, 12:37 PM
  2. ReFlex tự truyện :D
    Bởi Lead trong diễn đàn CLB Mô hình Hải Dương
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 16-09-2010, 04:26 PM
  3. Lịch phát sóng phóng sự về CLB FDC trên truyền hình HD
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 05-06-2010, 04:53 PM
  4. Chương trình So You Thing You Can Dance trên truyền hình Mỹ
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn TIN TỨC TRONG NƯỚC - THẾ GIỚI
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 09:41 PM
  5. Phóng sự truyền hình về CLB FDC
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Phòng truyền thống
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 09-10-2009, 08:41 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •