thienduongkhongloi
Dép lê
Tham gia ngày: Aug 2008
Bài gởi: 87



Khiêu vũ theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ bao giờ không rõ, chắc vào khoảng đầu thế kỷ trước. Tuy nhiên có lẽ phải vào khoảng những năm 30, thời kỳ mà nhà cầm quyền lúc đó, để xoa dịu dân chúng, đã đề xướng phong trào “vui vẻ trẻ trung”, khiêu vũ mới phát triển rộng vào cộng đồng thị dân chủ yếu là tầng lớp quan lại, tư sản và tiểu tư sản. Bằng chứng là đó đây rải rác trong các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn cũng như một số tạp chí thời đó như Ngày Nay, Phong Hoá ... có nói đến khiêu vũ. Cũng thới kỳ đó tân nhạc Việt Nam khởi phát với các ca khúc như Bướm hoa, Giọt mưa thu, Đêm thu ... Một số các nhạc sĩ thời đó như Nguyễn Xuân Khoát, Canh Thân ... cũng là các nhạc công trong các dàn nhạc nhảy. Vì thế các bài hát có tiết tấu của các điệu nhạc khiêu vũ đã xuất hiện rất sớm cùng với nền tân nhạc Việt Nam.

Trong số các ca khúc Việt Nam đầu tiên, các ca khúc có nhịp ¾ chiếm tỷ lệ khá cao. Trong số đó có các bài Trào Lòng của Thẩm Oánh, Đêm Thu của DZoãn Mẫn, Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước, các ca khúc đầu tiên của Văn Cao như Cung Đàn Xưa, Thu Cô Liêu ... có lẽ có thể coi là những bản nhạc có thể dùng khiêu vũ đầu tiên của Việt Nam. Sau này danh sách đó được kéo dài thêm bởi các bài Làng Tôi, Ngày Mùa, Mùa Xuân Mới ... của Văn Cao, Thu Vàng, Hoài Cảm của Cung Tiến, Quay Tơ của Tử Phác, Thoi Tơ của Đức Quỳnh, Gửi Người Yêu Dấu của Nguyễn Đức Nghiêm, sau này lại có thêm các bài Nụ Cười Sơn Cước của Tô Hải, Bến Cũ của Anh Việt và khá nhiều bài hát của Phạm Duy như Khối Tình Trương Chi, Chú Cuội, Tà Áo Văn Quân, Cây Đàn Bỏ Quên, Thuyền Viễn Xứ, Giọt Mưa Trên Lá, Mai, Trả Lại Em yêu, Nghìn Trùng Xa Cách ... Các bài hát đó với khúc thức đơn giản và điển hình của thể loại âm nhạc ca khúc, với lời ca rất trau truốt, nhiều chất thơ và có khi mang tính triết lý, với giai diệu mượt mà giầu tính dân tộc mà vẫn không xa lạ với thế giới đều có thể dùng để khiêu vũ điệu Van. Tuy nhiên các bản nhạc đó ngoài một số thích hợp cho Van Chậm, đa số có tempo trung bình khoảng 45 – 50 nhịp/phút, dùng để khiêu vũ Van nhanh giao tiếp thì tốt, nhưng không thích hợp cho Van Viên.

Trong giai đoạn đầu của nền tân nhạc Việt Nam, chưa thấy có tango. Có thể vì so với nhạc Van, Tango ra đời chậm hơn nhiều và do mặc đầu xuất xứ từ Tây Ban Nha, nhưng sau khi chu du sang các nước Nam Mỹ, Tango chỉ trở lại châu Âu vào khoảng năm 1912. Bản nhạc tango Việt Nam đầu tiên có lẽ là Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương. Cho đến nay Đêm Đông vẫn là một trong những bản Tango Việt Nam hay nhất, sau đó xuất hiện bản Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh. Sau năm 1950, một loạt các bài hát có tiết tấu Tango ra đời, trong đó đáng kể nhất là những bài hát của nhạc sĩ Hoàng Trọng với những bài như Đường Về, Sầu đông, Chờ Một Kiếp Mai, Chiều Tha Hưong ...Rồi đến những bài Nghệ sĩ Trong Sương Chiều của Châu Kỳ, Bóng Chiều Xưa, Chiều của Dương Thiệu Tước (phổ thơ Hồ DZếnh), Mưa Rơi của Ưng Lang. Phạm Duy cũng có một số bài Tango như Tiếng Đàn Tôi, Phố Nghèo ...Một bài hất rất nổi tiếng của Trần Hoàn là bài Sơn Nữ Ca cũng rất đẹp khi được trình diễn trong hình thức Tango. Sau năm 1954 ở miền Nam xuất hiện một loạt các bài hát Tango như Tango Dĩ Vãng, Bài Tango Cho em, Bài Tango Cuối cùng, Đêm Vũ Trường, Kiếp Cầm Ca... Mấy năm gần đây thấy xuất hiện một số bài hát chơi theo tiết tấu Tango nhưng không để lại dấu ấn gì đáng kể.
Rất nhiều bài hát Việt Nam được viết trong nhịp 4/4 tuy nhiên đa số đều có tempo khá chậm vì thế hiện chỉ thấy được dùng để nhẩy “Slow” trong tình tiết kiệm điên ở rất nhiều vú trường hiên nay. Để khiêu vũ Foxtrot có lẽ đáng kể là Mơ Hoa của Hoàng Giác, Tình Nghệ Sĩ của Đoàn Chuẩn, Mùa Thi của Kim Bảng.

Bài hát Rumba Việt Nam đầu tiên có lẽ là bài Lửa Rừng Đêm của Nguyễn Hữu Ba. Sau này có Trăng Sơn Cước của Văn Phụng, Gió Mùa Xuân Tới của Phạm Đình Chương, Đêm Mê Linh (không nhớ tên tác giả). Đây là những bản Rumba khá hay, đặc biệt Lửa Rừng Đêm một bài hát vể đề tài nghĩa quân một thời lịch sử nào đó, có một âm hưởng vừa rất Việt Nam vừa rất Phi Châu. Sau 1954, ở miền Nam xuât hiện một số nhạc sỹ có khuynh hướng nhạc giầu tính tiết tấu như Y Vân, Văn Phụng và nhạc Rumba rất thịnh hành trong các ca khúc thời đó. Tôi nhớ có các bài Náng Chiều của Lưu Trọng Nguyễn, Tình Có Cũng Như Không của Nhất Sinh, Ai Lên Xứ Hoa Đào ...
Họ hàng với Rumba là Cha Cha Cha. Trong số những bản Cha Cha Cha Việt Nam đầu tiên có bài Khúc Nhạc Dưới Trăng của Dương Thiệu Tước. Bản Mơ Hoa của Hoàng Giác cũng hay được chơi với tiết tâu Cha Cha Cha. Một bản Cha Cha Cha nữa rất phổ biến là bài Gặp Nhau Làm Ngơ. Có thể kể ra một danh sách khá dài các bài hát Cha Cha Cha Việt Nam: Món Quà Kỷ Niệm, Sài Gòn Đẹp Lắm ... đa số xuất hiện sau 1954.

Mặc dầu người Việt Nam vốn trầm lặng và kín đáo, nhưng những ca khúc có tiết tấu Swing với đặc diểm có rất nhiều đảo phách kép cũng đã xuât hiện khá sớm trong tân nhạc. Điển hình là các bài Hương Tình của Ngọc Bích, Ghen của Trọng Khương phổ thơ Nguyễn Bính xuất hiện trước năm 1950.
Gần đây xuất hiện một số ca khúc Việt Nam chơi theo tiết tấu Tango, Rumba tuy nhiên không gây được ấn tượng gì cho người nghe cũng như người chơi khiêu vũ.

Trước năm 1945, ở các thành phố lớn nước ta đã có một số ban nhạc khiêu vũ do người Việt Nam chơi trong các quán barchủ yếu là phục vụ người Pháp lúc đó còn đang trhống trị nước ta. Trong giai đoạn 1950-1954 ở Hà Nội có ban nhạc Lúa Vàng và một ban nhạc khác do Hoàng Trọng chỉ huy chơi nhạc khiêu vũ khá hay tuy nhiên họ hầu như không chơi nhạc Latinh. Trong giai đoạn 1954-1975 ở các thành phố lớn miền Nam, phong trào khiêu vũ đại chúng bùng nổ, nhạc có tiết tấu khiêu vũ cũng phát triển, các tiết tấu Latinh như Rumba, Cha Cha Cha ...và các tiết tấu Mỹ như Swing, Rock’n Roll, Woogie Boogie... trở nên phổ biến. Nhiều ban nhạc khiêu vũ hoặc chơi theo phong cách nhạc khiêu vũ xuất hiện trong đó được nhiều người biết đến là các ban nhạc của các nhạc sĩ Y Vân, Văn Phụng, Ngọc Chánh ...

Vào khoảng giữa những năm 1980, khiêu vũ bắt đầu trở lại nước ta và dần trở thành một sinh hoạt phổ biến. Các ca khúc Việt Nam chơi theo tiết tấu khiêu vũ ngày một sử dụng nhiều hơn trong các sàn nhảy. Tuy nhiên tempo của các bài hát đó thường không mấy thích hợp cho khiêu vũ. Rumba hoặc Tango thường quá chậm, Cha Cha Cha thường quá nhanh. Thêm nữa các ca sĩ lại hay lạm dụng các thủ pháp như syncope, ad libitum khiến khó nhảy theo.Tình trạng đó khiến dân chơi khiêu vũ nhiều người ác cảm với nhạc khiêu vũ Việt Nam. Thật ra, ca khúc Việt Nam có rất nhiều bài nếu được hoà âm phối khí và trình diễn kỹ lưỡng có thể cho ta những bản nhạc khiêu vũ hay và tốt. Một sự thật là hầu hết nhạc khiêu vũ Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc Hải Ngoại. Mong rằng các nhạc sĩ Việt Nam trong nước quan tâm đến nhạc khiêu vũ hơn để dân ta có cái mà chơi không phải chỉ biết đi mượn của nước người.