thienduongkhongloi
Dép lê
Tham gia ngày: Aug 2008
Bài gởi: 87



Ensemble ... Ensemble... Ensemble" Có lẽ 3 tiếng đó đã không còn xa lạ đối với những ai đã từng học nhạc một cách nghiêm túc từ nhạc dân tộc, nhạc cổ điển cho đến Jazz hay Rock...Có những giai điệu du dương, cao vút trên một bè trầm ấm áp và mềm mại. Có những phá cách tinh nghịch đầy cá tính được nâng lên bởi nét đạo mạo, thâm trầm. Và cũng không thiếu những cuộc đối thoại đầy hào hứng giữa những nam thanh nữ tú xuất hiện trong các bản nhạc. Chàng thì mạnh mẽ và kiêu hãnh còn nàng uyển chuyển nhưng vô cùng sắc sảo ...

Nhớ lại cách đây gần 20 năm, khi còn là cô bé con 8 tuổi chân ướt chân ráo bước vào năm thứ 1 cua trường nhạc, tôi đã nghe dến 3 tiếng "Ensemble". Đó là lần đầu tiên tôi dược hoà tấu cùng piano. Thầy giáo tôi thường nhắc nhở tôi và các bạn, các anh chị khác phải chú ý đến "Ensemble". Khi ấy, tôi chỉ mang máng hiểu "Ensemble" là không được tuỳ ý chơi nhạc nhanh lên hoặc chậm đi mà phải khớp với nhịp của ngưòi chơi piano đệm cho mình và ngược lai. Lớn hơn một chút, chúng tôi phải tự lựa chọn và luyện tập cùng với các bạn ở Khoa piano những bản Sonate hoà tấu của Beethoven và một số nhạc sĩ khác. Đó là những bản nhạc rất hay nhưng cũng rất khó. Và điều làm chúng tôi "ngại nhất" không phải là techniques cá nhân mà là " Ensemble". Đến lúc ra trường, được chơi trong dàn nhạc với chỉ huy nước ngoài, khái niệm "Ensemble" dường như trở thành kỹ năng bắt buộc để chúng tôi thực hiện ý đồ sáng tác và dàn dựng tác phẩm.


ENSSEMBLE: Đó là khái niệm chỉ sự phối hợp cực kỳ chính xác về tiết tấu, hoà âm, giai điệu và cảm xúc giữa 2 hoặc nhiều người khi trình diễn một đoạn hay một bản nhac. Khi đó, mỗi người trong số hai hoạc 1 nhóm, và thậm chí là cả dàn nhạc, ngoài việc phải chịu trách nhiệm về phần bài của mình còn phải luôn luôn tập trung toàn bộ các giác quan của mình cho tác phẩm. Mắt vừa phải đọc bản nhạc, vừa quan sát chỉ huy; tai phải nghe xem những người ở bè mình và ở bè khác đang chơi những gì và chơi như thế nào để sau đó tự điều chỉnh tempo,âm lượng và nhạc cảm. Các nhạc trưởng thì nhắc đi nhắc lại trong suốt quá trình tập luyện và trước buổi diễn: Feel (cảm), Watch (quan sát), Listen (nghe), then Do something. Tất cả những điều đó đã giúp chúng tôi làm nên những buổi diễn thành công. Đó là trong âm nhạc.


Trong khiêu vũ thì sao nhỉ. Có một điều rất lạ là các vũ sư Việt Nam khi dạy từ cơ bản đến nâng cao hầu như không thấy nói về " ENSEMBLE". Trong khi đó, đây lại là điều quan trọng bậc nhất bởi khiêu vũ là môn nghệ thuật mang tính tập thể. Lâu nay ở Việt Nam mình có tình trạng người học thầy này khó mà nhảy cùng người học thầy khác vì các bước và thứ tự các bước mà các thầy dạy không hoàn toàn giống nhau. Người dẫn cứ mặc sức thể hiện các "tuyệt chiêu" mà sư phụ họ truyền đạt, người theo như bị giật dây, còn âm nhạc và những người xung quanh nhiều khi chẳng liên quan gì đến họ. Khả năng Ensemble phần lớn mới chỉ do năng khiếu. Hãy thử quan sát các đôi nhảy chuyên nghiệp quốc tế. Bạn thấy sao ??? ĐẸP... RẤT ĐẸP VÀ RẤT ĐAM MÊ phải không, mặc dù có thể họ đang trình diễn trên nền nhạc mà họ chưa từng biết đến. Ở họ ngoài trình độ cá nhân điêu luyện còn phải kể đến sự phối hợp ăn ý đến tuyệt vời và khả năng nghe nhạc rất tốt. Bây giờ, hãy quan sát những người phương Tây bình thường trong khiêu vũ giao tiếp. Các bước nhảy khá đơn giản, kỹ thuật cá nhân chưa phải ở mức điêu luyện, tất nhiên. Nhưng họ phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và hiếm khi thấy họ bước sai nhạc, nếu có họ sẽ lập tức điều chỉnh ngay. Trên sàn nhảy giao tiếp, họ không mấy khi phô trương kỹ thuật, ngay cả khi họ biết các kỹ thuật đó. Với họ, mỗi điệu nhảy thực sự mang lại niềm vui và sảng khoái cho tất cả những người tham gia. Những đòi hỏi về " ENSEMBLE" trong khiêu vũ theo tôi có lẽ không khác trong âm nhạc là mấy. Điều đó có nghĩa là: cả người nam và người nữ đều phải tập chung mọi giác quan khi khiêu vũ. Người nam phải biết dẫn, biết ra những tín hiệu cơ thể, nét mặt và ánh mắt cho partner của mình. Người nữ phải biết theo, biết đáp lại những hướng dẫn nhận được từ phía nam để thực hiện các bước nhảy và các động tác cơ thể. Người nam là hiện thân của sức mạnh, là trụ cột và là khởi nguồn của mọi bước nhảy. Người nữ tiêu biểu cho sự mềm mại, quyến rũ, họ phải biết lắng nghe, chia sẻ và nâng các chuyển động khiêu vũ thành nghệ thuật. Cuối cùng, cả hai cũng luôn phải Cảm (feel), Quan sát (watch), Nghe (listen) và rồi tự Điều chỉnh bước nhảy của mình. Đến đây, tôi có một liên tưởng khá thú vị khiến tôi quyết định đề cập đến cùng một chủ đề ở 3 lĩnh vực khác nhau: ÂM NHẠC - KHIÊU VŨ và THỂ THAO. Chúng ta biết rằng có rất nhiều điệu nhảy có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và Nam Mỹ những Người Tây Ban Nha và Nam Mỹ cũng có một niềm đam mê khác nữa là bóng đá . Ở 2 lĩnh vực này, tôi nhận thấy có một nét tính cách rất đặc trưng của họ: đó là tính tự do, phóng khoáng, là sự nồng nhiệt và khao khát thể hiện cái tôi. Điều đó làm nên nét hoa mỹ trong mỗi bàn thắng của các đội bóng của họ nhưng cũng không ít lần họ bị phê phán vì chơi bóng thiếu tính đồng đội. Tuy nhiên, trong khiêu vũ tôi cho rằng phong cách Latin rất đam mê và cá tính. Cho dù không quá nhấn mạnh đến sự hài hoà và cân đối trong từng động tác nhưng không thể nói họ hoàn toàn không để ý đến " ENSEMBLE". Khác với người Tây Ban Nha và Nam Mỹ, những người Châu Âu lục địa vốn đã phát triển rất nhiều học thuyết về tổ chức và quản lý dường như quan tâm nhiều hơn đến việc kết hợp các yếu tố trong một tổng thể để tạo hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, phong cách và các điệu nhảy có nguồn gốc từ lục địa già này đòi hỏi phải chú ý đến ENSEMBLE nhiều hơn.

Quay trở lại với Việt Nam ta, tôi thấy chúng ta không theo phong cách nào trong số đó, càng không là sự kết hợp 2 phong cách như người Ý, bởi xét mặt nào chúng ta cũng thiếu. Cách đây vài hôm, tôi có xem một bộ phim tài liệu của BBC có tên "Harmomy in Hanoi - Hoà âm Hà nội". Trong đó, họ đã nhận xét: Lịch sử Việt Nam phần lớn là thời kỳ Bắc thuộc. Đạo Khổng của người Trung Quốc được truyền bá và ăn sấu trong suy nghĩ và hành động của mỗi người Viêt Nam, khiến họ trở nên dè dặt hơn trong việc bộc lộ cảm xúc và đưa cái tôi hoà nhập vào cộng đồng. Trải qua nhiều năm chiến tranh, bị cấm vận và bao cấp, các nhạc công Việt Nam giờ đây phải học cách chơi nhạc cùng nhau, học cách ENSEMBLE. Họ hoàn toàn có thể chơi nhạc giao hưởng và chơi hay nữa ...". Những lời rút ra từ bộ phim Hoà âm Hà nội đã thay Haviolon nói lời kết cho bài viết này và đây cũng là mong mỏi của Haviolon đối với các bạn khiêu vũ Việt Nam. Hãy đừng để ENSEMBLE chỉ dừng lại ở bản năng . Hãy luyện tập dù phải đổ mồ hôi và công sức, chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị hơn trong mỗi điệu nhảy. Và chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều đôi nhảy ăn ý và đẹp hơn.