Kết quả 1 đến 6 của 6

Chủ đề: Các bài viết phản đối các loại thuế, phí oto

  1. #1
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Các bài viết phản đối các loại thuế, phí oto

    Đây mới xứng đáng là Bộ trưởng Bộ Giao thông

    Phí hạn chế ô tô, đã sai ngay từ cái tên rồi. Hạn chế ô tô, tức là kìm hãm sự phát triển của thị trường, kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và kéo theo đó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.





    Trong lần nói chuyện với “đại gia gàn” Bùi Xuân Hải, tức Hải “Đồ Cổ” – doanh nhân một thời đất Cảng, ông khẳng định: “Muốn kinh tế đất nước phát triển, có hai nút thắt quan trọng nhất cần gỡ bỏ, đó là vốn hóa quỹ đất và giải phóng nền công nghiệp sản xuất ô tô”. Ông đã viết vô số đề án tỉ mỉ phân tích về hai “nút thắt” này.


    Ông Bùi Xuân Hải: "Nền công nghiệp ô tô là tiền để của công nghiệp vũ khí, tên lửa, vệ tinh, vũ trụ..."

    Theo ông, chính sách của nước ta, phân biệt đất ruộng, vườn, ao, rừng, thổ cư… thì chính chúng ta đã hạ thấp giá trị của “tấc đất tấc vàng”. Đất được biến thành phương tiện sản xuất, được cầm cố ngân hàng huy động vốn, thì sẽ tạo ra nguồn vốn khổng lồ phục vụ sản xuất. Đất được giải phóng, thì đất nước ta sẽ có thêm hàng vạn tỷ phú.

    Giải phóng nền sản xuất ô tô: Giảm các loại thuế, phí, thì thị trường ô tô sẽ phát triển. Nhiều người sử dụng ô tô thì các nhà sản xuất nước ngoài sẽ đem công nghệ sản xuất ô tô vào Việt Nam. Ngành sản xuất ô tô trong nước cũng sẽ cạnh tranh lành mạnh để cùng khởi sắc.

    Chúng ta bảo hộ, co hẹp thị trường, thì nước ngoài không muốn đầu tư vào, còn trong nước dựa vào ưu tiên nên cũng không muốn phát triển. Các doanh nghiệp trong nước cứ mua phụ tùng về lắp ráp, rồi bán, đỡ nhọc óc mà dễ kiếm ăn hơn không? Điều này lý giải vì sao Công ty Ford đầu tư vào Hải Dương 10 năm trước thế nào, thì giờ vẫn thế, không phát triển, không mở rộng được thêm tý nào.

    Theo ông Hải, nền công nghiệp sản xuất ô tô còn quan trọng hơn cả sản xuất máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ… Sản xuất ô tô phát triển, sẽ thúc đẩy công nghiệp điện tử, luyện kim, nhựa, cao su, chế tạo máy… tạo ra hàng ngàn nhà máy sản xuất phụ trợ, tạo việc làm cho hàng triệu người.

    Nền công nghiệp phụ trợ phát triển, thì ô tô sẽ rẻ, chúng ta sẽ xuất khẩu được ô tô (như Thái Lan) và chúng ta mới có cơ may trở thành công xưởng của thế giới.

    Nền công nghiệp ô tô phát triển, sẽ thúc đẩy công nghệ thông tin, viễn thông, hàng không, tên lửa, vệ tinh, vũ trụ… Và như vậy, đất nước mới có cơ hội cất cánh, mới hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.

    Trong khi chúng ta không mở “nút thắt”, thì lại đi thắt cổ luôn nền công nghiệp ô tô, triệt tiêu luôn cái động lực phát triển kinh tế, mà tất cả các nước tư bản đều coi trọng.


    Thu được từ chiếc Kia morning này 20 triệu đồng tiền phí hạn chế, thì chúng ta thất thu 300 triệu đồng tiền các loại thuế, phí, vì người dân không mua nó nữa.

    Tôi hỏi ông Hải “Đồ Cổ”: “Nếu sản xuất ô tô nhiều, bán rẻ, thì làm gì có chỗ đỗ ô tô, nói gì đến việc lưu thông?”. Ông Hải xua tay: “Đó là việc của ngành giao thông. Ngành giao thông phải lo việc đó. Đấy không phải việc của ngành công nghiệp”.

    Theo ông Hải, nếu nền công nghiệp ô tô phát triển, đất nước giàu có, thì việc trả nợ cho những con đường bằng ODA, bằng vốn vay khác, bằng vốn hóa quỹ đất, sẽ rất đơn giản.

    Phí hạn chế ô tô, đã sai ngay từ cái tên rồi. Hạn chế ô tô, tức là kìm hãm sự phát triển của thị trường, kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và kéo theo đó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.

    Hiện tại, để một chiếc ô tô lăn bánh, Nhà nước đã thu về vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng với siêu xe, một khoản tiền không nhỏ. Nhưng chỉ vì mức phí mấy chục triệu đồng, người dân không mua ô tô nữa, thì coi như Nhà nước đã mất một cục to. Bộ GTVT đang trình một đề án “thả con cá sộp để bắt con săn sắt”. Chưa kể, nó đang đẩy xã hội vào một mớ bòng bong khó khăn khi vô vàn liên lụy kéo theo.

    Đây không phải sáng kiến mà là “tối kiến”.
    http://vtc.vn/31-327130/oto-xe-may/n...n-che-o-to.htm
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

  2. #2
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Mỹ Linh: 'Thu phí lưu hành xe chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi'

    Mỹ Linh: 'Thu phí lưu hành xe chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi'

    Thứ hai 26/03/2012 12:08

    LTS: Khi vấn đề thu phí lưu hành đối với xe cá nhân đang làm nóng dư luận, trên một tờ báo online đã đăng tải cuộc trò chuyện với diva Mỹ Linh. Theo bài báo, Mỹ Linh cho rằng việc đưa ra phí này là bất hợp lý. Chúng tôi đăng tải lại bài viết này.


    - Sống ở ngoại thành, hàng ngày phải di chuyển cả một quãng dài hàng chục cây số để “tiến về Hà Nội”, nhà lại có đến hai con xe bốn bánh - câu chuyện xăng tăng giá, thu phí lưu hành giao thông đường bộ… hẳn nằm trong mối quan tâm của chị?


    Không chỉ quan tâm mà phải nói còn là ở mức vô cùng bức xúc. Xăng tăng giá liên tục, mà lần này còn tăng những hơn 2000 đồng/lít, rồi thì thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí trong khi cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn, chất lượng công trình giao thông không đảm bảo cho sự an toàn của người dân và chưa tương xứng với những khoản tiền mà dân phải đóng thì thử hỏi, như thế liệu có công bằng với người dân không? Sao không hỏi người dân họ cảm thấy thế nào, sức chịu đựng của họ ra sao…

    Trong khi, nói đâu xa, ngay như trong một gia đình, những người làm cha làm mẹ trước khi đưa ra một quyết định quan trọng nào có thể làm ảnh hưởng tới cuộc sống của con cái thì cũng còn cần phải hỏi ý kiến của bọn trẻ, chứ không thể thích nói gì thì nói, làm gì thì làm...
    - Hỏi dân thì… hỏi làm gì, vì cầm chắc đã biết trước câu trả lời?

    Biết trước câu trả lời không có nghĩa là không cần hỏi! Vì một câu hỏi, trước hết, còn là một thái độ. Hãy tự hỏi, tại sao khi anh làm thất thoát tiền thuế của nhân dân bằng bao nhiêu khi quy hoạch dốt, thiếu tầm nhìn; hay thi công những công trình giao thông kém chất lượng và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thì không thấy ai đứng ra từ chức, nhận trách nhiệm, mà lại chỉ nghĩ đến chuyện đổ gánh nặng sang dân là thu thuế, thu phí? Vì sao lương Việt Nam kém xa thế giới hàng bao nhiêu lần nhưng giá thì luôn đòi ngang ngửa và tăng liên tục? Đã thế còn phải đóng thêm đủ thứ thuế, phí… Khi anh độc quyền và tùy tiện áp giá, đổ gánh nặng lên đầu người dân bằng những quyết định từ trên trời thì đó theo tôi là một hành động không “fair”…


    - Sao lại không “fair”, khi mà mục đích thu phí lưu hành ở đây là để giúp bảo trì đường sá, hạn chế phương tiện cá nhân (nhất là ôtô) và từ đó, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông?


    Ai bảo bắt cái ô tô oằn mình chịu đủ thứ thuế, thứ phí… là sẽ giúp giảm thiểu được tai nạn giao thông, khi mà đi xe máy ở Việt Nam mới là dễ bị tai nạn nhất! Bằng chứng là chỉ mới cách đây hơn hai tuần thôi, vào đúng ngày 8/3, chị bạn tôi vừa mất một câu con trai 10 tuổi cũng vì hai bố con chở nhau đi xe máy, bị người ta quệt phải. Còn trước đó đi ôtô thì không sao, nhưng ôtô đã phải bán vì bố mẹ cháu không chịu nổi cơn tăng giá, tăng phí…


    - Nói như chị, thế chẳng lẽ an toàn giao thông chỉ là thứ người giàu riêng hưởng?

    Giàu hay nghèo thì tất cả cũng đều cùng phải lưu thông trên những cung đường đầy hiểm họa. Nhưng cái hiểm họa ở đây không chỉ nằm ở con đường, mà nó còn ở những nơi mà con đường ấy chạy qua. Là lỗi tại anh quy hoạch kém, anh để trường ĐH, bệnh viện… tập trung quá nhiều ở những thành phố lớn khiến người dân khắp nơi đổ về và gây nên tình trạng quá tải. Trong khi, lại có quá ít hoặc không có những bệnh viện ở vùng sâu vùng xa để khi cần, có thể giúp giảm thiểu hậu quả của tai nạn giao thông đến mức thấp nhất bằng những can thiệp kịp thời…

    Tóm lại, chừng nào còn chưa rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, chừng nào quy hoạch giao thông còn đầy rẫy những bất cập thì chừng đó, tai nạn giao thông vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối mà trong đó, lỗi không thuộc về người dân. Nên càng không thể giải quyết nó bằng một giải pháp đơn giản và phi lý hết sức là bắt dân đóng phí và phải “mua” một “mặt hàng” mà họ không ưng ý và không tự nguyện. Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!
    - Nhưng ít ra thì cũng dạy được dân bài toán tiết kiệm?

    Dân đã bao giờ là hoang phí, tiền đâu mà hoang phí! Hoặc giả, dân có hoang bằng giời thì cũng không lại được với sự hoang phí của một bộ phận quan chức, mà trong đó, sự hoang phí đáng lên án nhất là hoang phí tiền đóng thuế của nhân dân!


    Theo Đẹp Online
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

  3. #3
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Đường nghìn tỷ chỉ để… phơi mì và đi bộ lên rẫy

    Đường nghìn tỷ chỉ để… phơi mì và đi bộ lên rẫy

    (Dân trí) - Được đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng với 8 làn xe, dài chừng 18 km, con đường cao tốc nối quốc lộ 14 với cửa khẩu Bờ Y đã hoàn thành gần 2 năm nay nhưng vẫn chỉ để nông dân... lên rẫy và phơi mì.
    Trong khi tại nhiều vùng quê, thậm chí cả ở thành phố, hàng vạn người dân phải chịu cảnh bức xúc, khốn khổ vì hàng ngày phải “đánh vật” với những con đường “đau khổ”, lầy lội bùn đất, gập ghềnh nguy hiểm... thì tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum lại đang tồn tại một nghịch cảnh trớ trêu: Con đường N5 - con đường đẹp nhất Tây Nguyên, được kết cấu 6-8 làn xe chạy, với những bồn hoa, cây cảnh đẹp mắt, vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng - gần 2 năm nay lại không hề có phương tiện lưu thông. Đường đẹp nhất Tây Nguyên chỉ để người đi đường liếc nhìn, còn nông dân tận dụng làm “sân” phơi mì, thi thoảng đi bộ lên rẫy, hoặc làm bãi tập lái xe…


    Con đường nghìn tỷ không một bóng xe qua lại

    Con đường “nghịch cảnh” này nằm ở phía bắc thị trấn Plei Kần, Ngọc Hồi, Kon Tum, cách quốc lộ 40 chừng 4km. Đây là gói dự án phát triển khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y của tỉnh Kon Tum, với viễn cảnh phá thế độc đạo, giảm “áp lực” lưu thông cho quốc lộ 40. Mặc dù từ trước đến nay, lượng xe lưu thông trên quốc lộ 40 lên cửa khẩu Bờ Y không hề nhiều.


    Con đường đẹp nhất Tây Nguyên

    Kể từ khi đường hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, hiếm hoi lắm người ta mới thấy có xe chạy. Hầu hết các phương tiện giao thông vẫn chọn con đường quen thuộc là quốc lộ 40 để đi lên cửa khẩu.

    Một số nông dân đi làm rẫy bằng đường cao tốc vì đường đẹp mà lại vắng bóng xe cộ

    Do đường rộng, bằng phẳng mà lại ít xe lưu thông nên trở thành điểm phơi mì lý tưởng của bà con nông dân. Một số người nhà gần đường nghìn tỷ thì nay đã có đường cao tốc để đi... làm rẫy. Ngoài ra, đường nghìn tỷ còn có thêm công dụng nữa là nơi một số người vẽ vòng cua số 8 để tập lái xe máy.

    Tập kết...
    ... và phơi mì.
    Chỉ nói riêng ở Kon Tum, những người dân đang phải đánh vật với những con đường bùn lầy cheo leo, những học sinh và giáo viên đang phải hàng ngày liều mạng đi đò hay lội qua sông tới trường,... họ sẽ nghĩ gì khi đi qua và ngắm nhìn con đường đẹp “ế ẩm” này?

    Thiên Thư
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

  4. #4
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Đang ở
    TP Hải Dương
    Bài viết
    273
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Khoảng trống và phiếu chống
    Đào Tuấn



    Chuyện áp phí đến mức “không thể đi” đối với ô tô và “cấm tiệt xe máy” sẽ là chuyện một sớm một chiều. Cấm quá dễ, đôi khi chỉ cầm cắm biển cấm và “sử dụng anh hùng Núp” – như cách nói của cư dân mạng. Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là người dân sẽ đi bằng gì?

    Năm 2001, Hà Nội ra quyết định cấm toàn bộ xe xích lô sau vài năm cấm ở vài tuyến phố . Sau này, Giám đốc CA Hà Nội tướng Phạm Chuyên, một trong số các tác giả của lệnh cấm , dù vẫn cho rằng: Chính phủ phải có chính sách khả thi với việc hạn chế xe máy ở các thành phố lớn” – như Hà Nội đã từng hạn chế xích lô, nhưng ông cũng nói tới trách nhiệm của nhà nước đối với xây dựng cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải công cộng như một điều kiện tiên quyết. “Phải làm thật tốt đã rồi mới nói được người dân. Thế mới công bằng. Đừng cứ nói đến tai nạn, ùn tắc thì đổ hết lỗi cho dân”.

    Hôm qua, một bức ảnh lạ, hình một người đàn ông “cưỡi ngựa còi” ngay giữa thủ đô Bắc Kinh được đăng tải trên một tờ báo chính thống [bức ảnh trong bài này chụp ngay ở thủ đô Hà Nội, chứ không phải Bắc Kinh, xem ở đây – BVN]. Bức ảnh sau đó được đưa lên mạng xã hội và nhận được vô số những lời bình luận. Hình như ngựa, sau vài tháng nữa – sẽ phổ biến trong các thành phố lớn ở Việt Nam. Hoặc xe trâu chẳng hạn.

    Bức ảnh rõ ràng không ngẫu nhiên xuất hiện. Tuần rồi, hai tin xấu đồng loạt đổ ập xuống đầu dân chúng: Phí bảo trì đường bộ đã được chính thức quyết định. Chưa đầy 72h sau đó, Bộ GTVT, cương quyết đến kinh ngạc, tiếp tục đệ trình phí lưu hành phương tiện. Bộ trưởng Thăng thậm chí “đổi toẹt tên” thành ra phí hạn chế phương tiện cá nhân.

    Đối với ô tô, Bộ GTVT tiên đoán “Sẽ có một bộ phận người dân mặc dù đủ khả năng mua ô tô cá nhân nhưng không chịu nổi mức phí đóng hằng năm, khi đó họ sẽ phải lựa chọn phương tiện khác thay thế”. Điều này thì khỏi phải bàn cãi khi các loại “phí lăn bánh” sẽ khiến những chủ xe nghèo nhất nhì thế giới sẽ phải bỏ ra đến 60 triệu đồng mỗi năm để có thể sử dụng loại phương tiện mà thế giới đã bắt đầu sử dụng từ năm 1885.

    Người dân sẽ phải bỏ ô tô, khẳng định chắc chắn, để đi xe máy.

    Nhưng xe máy cũng đang chịu sự ghẻ lạnh không kém từ Bộ trưởng Thăng. Nào là “Sẽ phải cấm xe gắn máy ở trung tâm Hà Nội và TP HCM”. Rồi thì “Hạn chế xe cá nhân là một chủ trương lớn và nhất định chúng ta phải thực hiện nhằm đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông”.

    Chuyện áp phí đến mức “không thể đi” đối với ô tô và “cấm tiệt xe máy” sẽ là chuyện một sớm một chiều. Cấm quá dễ, đôi khi chỉ cầm cắm biển cấm và “sử dụng anh hùng Núp”- như cách nói của cư dân mạng. Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là người dân sẽ đi bằng gì?

    Cùng với tuyên bố sẽ “hạn chế ô tô, tiến tới cấm toàn bộ xe máy ở 2 TP lớn”, Bộ trưởng Thăng cũng nói tới “việc tăng cường vận tải công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, tàu điện ngầm và đường sắt trên cao”.

    Có điều, tất cả chuyện công cộng, từ hạ tầng đến phương tiện- đều ở thì tương lai. Thứ duy nhất trong phạm trù “vận tải hành khách công cộng” đang hiện hữu là những chiếc xe bus. Loại phương tiện mà dân gian gọi là “Quan tài bay”. Loại “vận tải công cộng” mà Bộ trưởng Thăng từng bắt nhân viên ngành giao thông phải sử dụng “ít nhất một ngày trong tuần”. Và có lần, chắc buột miệng, Bộ trưởng đã thật thà: Đến tôi cũng không đi nổi xe bus.

    Năm 2001, khi cấm toàn bộ xe xích lô, Hà Nội đã gặp may khi bỗng nhiên có một giải pháp từ trên trời rơi xuống”: “Làn sóng Loncin” ào ạt đổ vào Việt Nam với giá chỉ gấp 3 một chiếc xích lô. Có điều xích lô bấy giờ chỉ là phương tiện kiếm cơm của vài ngàn người dân, chứ không phải là 28 triệu đôi chân – chiếc cần câu cơm như của 40% trong số 90 triệu dân bây giờ. Và chiếc “quan tài bay”, rõ ràng không thể thay thế cho chiếc Loncin Tàu.

    Chính xác là đang có một cách áp đặt chính sách ngược đời khi Bộ GTVT hạn chế, thực chất là cấm phương tiện tư nhân, trước khi hoàn thiện xong vận tải công cộng.

    Cũng cần phải nói thêm, phí hạn chế phương tiện cá nhân là một trong nhóm những biện pháp giảm ùn tắc, chủ yếu ở hai TP: Hà Nội và TP HCM. Nhưng đây là một “khoảng trống” bất hợp lý của chính sách. Bởi như thế, người dân, trừ Hà Nội và TP HCM, nhất là gần 70% nông dân sống ở nông thôn, lại đang phải đóng phí cắt cổ để trả giá cho những bất cập về quy hoạch và phát triển hạ tầng của HN và TP HCM?

    Vì thế, nếu thực sự có một cuộc trưng cầu như hứa hẹn của các chính khách sống ở thành phố, “khoảng trống” này chắc chắn sẽ nhận được “phiếu chống”.

    Năm 2008, Bộ NN và PTNT đã công bố một thông tin khiến nhiều người ngậm ngùi: Nông dân, ngoài chuyện phải nộp các loại phí và lệ phí, như tất cả những người không phải nông dân, còn phải nộp 30-50 khoản phí khác không nằm trong danh mục.

    Nhưng khoản phí vô lý nhất, có lẽ mới chỉ sắp xuất hiện, nông dân ở nông thôn sẽ phải đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân để chống ùn tắc cho Thành phố.

    Đ. T.

    Nguồn: daotuanddk.wordpress.com

  5. #5
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Cái chết của ô tô và giấc mơ trung lưu

    Cái chết của ô tô và giấc mơ trung lưu

    Theo NGƯỜI ĐƯA TIN:

    Trong nhà nhiều gia đình trung lưu Việt Nam hiện vẫn lưu giữ những chiếc đạp “vấn lốp” cổ lỗ sỉ. Đó là kỷ vật điển hình về thời bao cấp, khi phải dồn đổi tem phiếu cho một chiếc săm xe hiệu Sao vàng.


    Cùng với sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế đất nước, tầng lớp trung lưu cũng ngày càng trở nên khấm khá. Những năm 90s biểu trưng phổ biến của sự phương trượng được nhìn thấy ở những chiếc xe Dream II nhập khẩu Thái Lan của hãng xe Nhật Honda.




    Rồi bắt đầu có nhiều người đổi sang được xe hơi….

    Phương tiện giao thông trong văn hóa, nói đúng hơn là lối sống Việt Nam ngày nay được nhìn nhận như một sự tưởng thưởng cho quá trình cần cù lao động, phấn đấu của mỗi người dân, mà thứ tự ưu tiên gần như chỉ xếp sau nhà cửa.

    Con số hơn 612.691 ô tô trong diện phải chịu phí mà Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ để biện hộ cho đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân rõ ràng có tính hai mặt. Bộ này cho rằng, tương ứng với 612.691 ô tô là khoảng 612.691 chủ phương tiện, chỉ chiếm 0,77% dân số cả nước, cho nên tác động chính sách đối với xã hội không cao. Nhưng khi nói như vậy, Bộ này quên mất một điều, sau gần 30 năm đổi mới, đất nước ngày một hội nhập vào đời sống quốc tế mà chỉ “nhiêu đó” người dân được thụ hưởng tiện nghi giao thông, như vậy quả là đáng buồn. Đối với một cơ quan chuyên trách về giao thông, được cử tri giao phó trách nhiệm đảm bảo quyền đi lại tự do, an toàn cho người dân, lẽ ra phải nhận trách nhiệm vì con số quá khiêm tốn này.

    Trở lại với câu chuyện của các gia đình trung lưu, giờ đây, khi các đề xuất của bộ trưởng Đinh La Thăng và thuộc cấp thành hiện thực, có thể nói giấc mơ ô tô hay sự tưởng thưởng cho thành quả lao động theo tập quán thông thường sẽ tan thành mây khói.

    Nhìn vào con số ô tô trên dân số, có thể nói chính người trong Bộ Giao thông cũng thấy rõ ô tô không có lỗi trong gây ùn tắc giao thông, lỗi nằm ở quy hoạch hạ tầng. Cũng chính người trong Bộ này có thể thấy rõ hơn ai hết, ô tô chỉ là một phương tiện đi lại, trừ những chiếc siêu sang, ô tô không đáng phải chịu thế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng xa xỉ và không đáng phải hạn chế sử dụng trong một đất nước đang phát triển và hội nhập.

    Vậy tại sao ô tô vẫn bị bạc đãi bởi đủ các loại thuế, phí? Phải chăng dưới những tuyên ngôn về chống ùn tắc giao thông đang cho thấy những biểu hiện lạm thu. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ số ra hôm 22/3 về thuế thu nhập cá nhân, GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mức huy động vào ngân sách của Việt Nam hiện nay là rất cao. Ông Mại dẫn báo cáo Đại hội **** của Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn 2006-2010 chúng ta đã huy động vào ngân sách tới 28% GĐP, trong khi mức chung các nước chỉ khoảng 15-16% GDP. Điều quan trọng, GS Mại cho rằng, thay vì tận thu người làm công ăn lương (những người “có tóc”), Nhà nước nên tập trung chống thất thu thuế ở một số lĩnh vực khác (chính thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn đã thừa nhận, số tiền gian thuế bằng biện pháp chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể lên đến cả chục ngàn tỷ đồng).


    Quả thật như vậy, với chính sách thu hiện nay, giới trung lưu Việt Nam đang trở nên quá ngột ngạt. Phải chăng vì người nghèo thì không có gì nhiều nhặn để thu còn “đại gia” thì đủ trăm phương ngàn kế để lách thuế, mà những người làm công ăn lương trở thành đối tượng phải cáng đáng .


    Trong làn sóng dư luận dấy lên bởi đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, một số người cũng đã đề cập đến vấn đề lợi ích nhóm. Với một chiếc xe sang của giới nhà giàu, con số mấy chục triệu tiền phí mỗi năm rõ ràng không đáng kể, trong khi, con số đó có khi xêm xêm phần tư giá trị chiếc xế hộp bình dân. Và như báo Lao Động số ra hôm qua đặt câu hỏi, nộp phí hạn chế phương tiện: dân được lợi gì?. Dân nói chung thì “hạ hồi phân giải”, nhưng riêng đối với giới chủ xe sang, thì khi “xe cỏ” bị dọn sạch, phải chăng Bờ Hồ đã trở thành đặc quyền của họ.



    LINK: http://www.nguoiduatin.vn/cai-chet-c...uu-a36497.html
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

  6. #6
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Bộ GTVT "đẻ phí"... vỡ kế hoạch (luật sư Nguyễn Đăng Quang)

    Bộ GTVT "đẻ phí"... vỡ kế hoạch (luật sư Nguyễn Đăng Quang)

    “Phí hạn chế xe cá nhân cụm từ phí này chưa quy định trong Pháp Lệnh phí, nay Bộ giao thông tự đẻ ra thì giống như “sinh đẻ không có kế hoạch vậy”, vi phạm luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”, luật sư Nguyễn Đăng Quang, Trưởng văn phòng Luật sư Đăng Quang (Hà Nội) trao đổi với PV.

    - Bộ Giao thông vừa đề xuất thu phí lưu hành phương tiện với ô tô, xe máy và phí lưu thông vào nội đô tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng và Hải Phòng... Quan điểm của ông về việc này thế nào?

    Quan điểm của tôi là không khả thi. Liệu việc thu đó có bảo đảm không rơi vào túi cá nhân những người thu tiền giống như những người đang thu phí đỗ xe? Nếu thu được thì tiền đó dùng vào việc gì? Có mở rộng được các tuyến phố không? Không có lẽ vì vấn đề nộp phí người ta lại phải để xe ở nhà, mà bán xe đi thì không ai mua.

    - Sau một thời gian đưa ra đề xuất trên, có thể do bị dư luận phản ứng, gần đây, Bộ Giao thông đã đề nghị Chính phủ thay đổi tên gọi phí lưu hành phương tiện thành phí hạn chế xe cá nhân, ông nói sao về điều này?

    Tôi thấy thật tức cười bởi “phí lưu hành phương tiện” đã giao cho bộ phận kiểm định rồi, họ kiểm tra xe có đủ điều kiện an toàn thì mới được nộp phí kiểm định để được dán tem lưu hành, giờ họ lại nghĩ ra tiền phí mới là: “phí hạn chế xe cá nhân”, cụm từ phí này chưa quy định trong Pháp Lệnh phí.

    Việc Bộ Giao thông tự "đẻ" ra nó thì giống như “sinh đẻ không có kế hoạch vậy”, vi phạm luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật vì Điều 8 Chương II Pháp lệnh Phí và lệ phí quy định thẩm quyền quy định về phí và lệ phí: “Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Danh mục phí và lệ phí kèm theo pháp lệnh”. Thứ nữa là nó có thể vi phạm đến quyền có tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.

    - Mới đây Bộ Giao thông vẫn lên tiếng khẳng định việc thu phí Bảo trì đường bộ và phí hạn chế xe cá nhân không có chuyện phí chồng phí. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

    Nhiều ý kiến cho rằng Bộ giao thông đang muốn lạm thu tiền của người dân khiến phí chồng phí, tôi cho ý kiến đó là quá đúng. Cụ thể là đã thống kê được trên một chục loại phí đều nhằm mục đích duy tu đường bộ, nhằm giảm ùn tắc giao thông!

    Bộ Giao thông đang đề xuất chính phủ cho phép thu phí hạn chế xe cá nhân để hạn chế tắc đường trong 5 đô thị lớn
    - Theo luật sự, liệu mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân để hạn chế xe cá nhân lưu thông ngoài đường có thực hiện được khi mà người dân đã đóng tiền, và họ hoàn toàn vẫn có thể lưu thông xe ra đường?

    Họ hoàn toàn có quyền ra đường bởi nhu cầu cần phải đi, việc có quá nhiều loại phí là chính sách tận thu chứ không giải quyết được vấn đề ùn tắc trong thành phố như tôi đã nêu ở trên, thu rồi Bộ Giao thông có mở rộng được các tuyến phố trong nội đô?!

    Ùn tắc giao thông là do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là ý thức người tham gia giao thông, cộng với nguyên nhân khác như phát triển hạ tầng giao thông chậm, các phương tiện phục vụ giao thông công cộng còn thiếu và kém cả về chất, lượng lẫn thái độ phục vụ kém văn minh. Đồng thời có cả những quyết sách sai lầm như cho nhập ôtô, xe máy giá rẻ một cách ồ ạt và cả việc mở rộng Hà Nội làm xáo trộn nhân sự các cơ quan bộ và địa phương cũng làm tăng thêm lượng người tham gia giao thông….

    Việc thu thêm các loại phí không làm giảm ùn tắc giao thông, việc làm giảm thiểu ùn tắc giao thông Bộ, ngành không làm được thì đừng đổ lên đầu dân, làm góp phần tăng thêm giá cả thị trường dẫn đến lạm phát cao.

    Hơn nữa việc thu phí theo đầu xe liệu có công bằng? Có người một tháng xe không lăn bánh 1 lần thì sao? Có chiếc ô tô chỉ giá trị 50 triệu đồng, 100 triệu đồng mà mỗi năm phải nộp đến 60 - 70 triệu đồng thì liệu có chịu nổi? Liệu các thành phố lớn có trở lại thời kỳ thành phố toàn xe đạp như những thập kỷ 60-70? Chỉ còn xe của các quan chức đi xe công không phải nộp phí.

    - Trước việc Bộ Giao thông đề xuất thu hết loại phí này đến loại phí khác, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có pháp lệnh về việc thu phí. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

    Đã có Pháp lệnh phí rồi, tôi nghĩ tất cả các cơ quan, tổ chức nhà nước và công dân đều phải chấp hành theo pháp lệnh. Nếu muốn thêm hoặc sửa đổi Pháp lệnh phí thì phải được Quốc Hội thông qua rồi mới giao cho Bộ Tài Chính tính toán mức phí phù hợp, tránh làm tăng khó khăn thêm cho người dân vốn đã rất khó khăn.
    - Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
    (24h.com.vn)
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

Các Chủ đề tương tự

  1. CLB cần thuê thêm phòng tập
    Bởi Lead trong diễn đàn Quảng cáo - Xì pam
    Trả lời: 3
    Bài viết cuối: 22-09-2011, 04:26 AM
  2. Kỹ thuật lái xe cơ bản
    Bởi Lead trong diễn đàn Lái xe an toàn
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 28-09-2010, 02:41 PM
  3. Thuật ngữ các vị trí trên bàn chân
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Kĩ thuật chung trong khiêu vũ
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 10:23 PM
  4. Các bài tập bổ trợ kỹ thuật
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Kĩ thuật chung trong khiêu vũ
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 10:11 PM
  5. Kỹ thuật cơ bản
    Bởi haiduongdancesport trong diễn đàn Kĩ thuật chung trong khiêu vũ
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 18-10-2009, 09:54 PM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •