Viết bởi vodanh


Trong quá trình học tập khiêu vũ “Đếm Nhạc” đóng một vai trò quan trọng. Đếm nhạc (trong khiêu vũ) là kiểm soát sự tương ứng giữa diễn tiến của các phách nhạc và diễn tiến của các động tác của cơ thể trong các step nhảy.

Việc đếm nhạc liên quan đến các yếu tố sau:

1) Hệ thống các tín hiệu như 1 2 3 ..., “and”, “và”, “a”, “nhanh”, “chậm”, “quick”, “slow, “nhẹ” “mạnh”, “cha cha cha” ...
2) Nhịp điệu (tiết tấu) tức là cấu trúc thời gian tính theo phách giữa các tín hiệu đếm.
3) Ngữ điệu khi phát âm các tín hiệu như nhấn hoặc không nhấn hoặc kéo dài. Thí dụ trong VAN dáng lẽ đếm một hai ba thì lại đếm một, haaai, ba hoặc trong JIVE thay vì đếm 1 2 3 a 4 3 a 4 thì lại đếm 1 2 3 a 4 3 a 4 (nhấn mạnh vào 2 và 4 ).

Khi tập nhảy cùng một điệu nhảy người ta có thể đếm theo nhiều cách khác nhau. Thí dụ : Trong Rumba nếu đếm theo thứ tự các step nhảy thì là 1 2 3 4 5 6, nếu đếm theo phách nhạc thì là 2 3 4_1 2 3 4_1, nếu đếm theo tiết tấu thì là NHANH NHANH CHẬM NHANH NHANH CHẬM . Đếm như thế nào còn phụ thuộc vào trình độ, trình độ càng cao cách đếm càng phức tạp. Thí dụ với BASIC MOVEMENT của Rumba khi mới học thì đếm 234_1 234_1, cao hơn có thể đếm 2&3&4&1&2&3&4&1&, cao hơn nữa có thể đếm 2&a3&a4&1&a. Với BASIC MOVEMENT của JIVE khi mới học có thể đếm 1 2 3 a 4 3 a 4 hoặc 12 3 a 4 5 a 6, cao hơn thì lại đếm 1 2 3 a 4 1 a 2 hoặc 3 4 1 a 2 3 a 4 ( đó là đếm theo nhịp nhạc để khớp vao câu nhạc – musical phrasing). Cách đếm nhạc cũng phụ thuộc vào việc quan niệm nhạc được viết trong nhịp nào. Thí dụ với tổ hợp Walk / Walk / Progressive Link / Closed Promenade của TANGO nếu quan niệm nhạc được viết trong nhịp 4/4 thì người ta có thể đếm 1_2 / 3_4 / 2 2 / 3_4 3 2 3 _4. Nhưng nếu quan niệm nhạc viết trong nhịp 2/4 thì lại đếm 1_& / 2_& / 2 & / 2_& 3 & 2_& (các số viết đậm ứng với phách 1 của nhịp nhạc và cũng là con số cho biết nhịp nhạc tương ứng trong tổ hợp).

Khi đếm nhạc, kỹ năng đầu tiên phải đảm bảo là phải đếm đúng tiết tấu nghĩa là phải đếm sao cho khớp với cấu trúc thời gian (timing) của bước nhảy. Phải đếm sao cho quãng thời gian giữa các phách phải đều nhau tăm tắp như một máy đánh nhịp (métronome). Tuyệt đối không đếm lúc nhanh lúc chậm , lỗi này thường mắc phải khi tập những bước nhảy khó. Với những ai đã từng học nhạc thì kỹ năng đếm nhạc có thể không thành vấn đề. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ học nhạc thì nên có sự đầu tư cho kỹ năng này. Nên tập vỗ tay hoặc gõ nhẹ trên mặt bàn các cấu trúc tiết tấu liên quan đến 1 phách (trong Van), ½ phách (trong Chac Cha Cha), 2/3 và 1/3 phách (trong SWING), ¾ và ¼ phách (trong JIVE và SAMBA). Xa hơn nữa cần tập đếm với cấu trúc ¼ ¼ ¼ ¼ phách .

Khi tập cá nhân thì tất nhiên mỗi người phải tự đếm. Nhưng có một nguyên tắc rất quan trọng là : Khi đã dứng vào đôi thì chỉ có người dẫn (thực tế là NAM) được đếm. Người theo ( thực tế là NỮ) không bao giờ được đếm Tốt nhất là người dẫn chỉ đếm thầm trong óc và người theo thông qua kết nối (connection) tại các điểm tiếp xúc để cảm nhận tiết tấu của các động tác từ người dẫn chuyển sang. Hay như các chuyên gia khiêu vũ thường nói là người theo không nghe nhạc bằng tai của mình mà nghe nhạc bằng tai của người dẫn.