Nghe nhạc và đếm nhạc
Viết bởi Tuy Can
"Đếm nhạc như đếm tiền", tôi nhớ mãi điều này sau khi tôi đọc quyển sách Thinking, Sensing And Doing In Latin của ông Ruud Vermey. Tôi đã thường dùng câu nói này đối với vài phụ nữ mà tôi hân hạnh được dịp khiêu vũ giao tiếp ở bên Mỹ, mỗi lần tôi nhận ra là họ đã không giữ được nhịp trong lúc khiêu vũ và nhiều lần chúng tôi đã phải ngưng lại và cùng đếm nhạc trong lúc khiêu vũ . Một điều tôi xin nói thêm là những người phụ nữ này đều đã và đang học khiêu vũ ở các CLB khiêu vũ tên tuổi ở quanh nơi cư ngụ, và đó chính là điều lạ. Ông Ruud Vermey cũng viết là việc đếm nhạc rất quan trọng khi tập các Routines khó và có nhiều nhịp liên tiếp để không bị quên.

Tập nghe nhạc và tập đếm nhạc là việc mà tôi cho là rất quan trọng trước và trong lúc học khiêu vũ, dù là tự tập hay là tập với thày. Riêng tôi thì tôi thường xuyên đếm nhạc trong lúc tôi thực tập khiêu vũ một mình (solo practice) vào mọi buổi sáng sớm, đều đặn mỗi ngày và từ nhiều năm nay. Câu nói tôi thường dùng khi tôi chuyện trò về khiêu vũ với những người quen thuộc là "cứ tập miệng đếm chân nhảy và đến khi nào chân nhảy theo miệng đếm đi liền với nhau thì là khiêu vũ được". Tập nghe nhạc, nhất là nghe tiếng trống (Drum Beats) của bài nhạc cho quen và phân biệt được (RHYTHM) của điệu nhảy cũng là điều quan trọng không kém việc tập đém nhạc, vì biết được Rhythm của điệu nhạc thì có thể thực hiện được điều gọi là "CHARACTERISATION" của điệu nhảy. Ví dụ như khi học ChaChaCha, người thày dạy nhảy vẫn nói là "cần ngưng một chút (pause) ở bước 1 và bước 3 trong cách đếm của ChaChaCha là 2 3/ 4 & 1/ 2 3/ 4 & 1, và khi chú ý nghe nhịp trống của ChaChaCha thì các bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngay điều này; ngưng một chút ở đây có thể xem như đồng nghĩa với việc thực hiện DELAY ở bước 1 và bước 3, và khi phải Delay ở bước 1 và bước 3 thì tất nhiên phải nhảy nhanh hơn một chút (Speed Up) ở bước 2 và bước 4, mục đích là giữ đúng Timing của từng Bar nhạc. Một ví dụ khác là khi học Tango, thày dạy nhảy nói là Characterisation của Tango là "cách bước gọn và ngắt quãng hay là STACCATO", và khi chú ý nghe nhịp trống (Drum Beats) trong bài nhạc Tango chúng ta cũng nhận ra nhịp trống gọn và ngắt quãng của tiếng trống Staccato vậy. Trong tháng 2 vừa qua, tôi có đọc một báo cáo ngắn đăng trên Forum của UK Dancesport của 10 giám khảo của cuộc thi 2008 UK Open Championships trong tháng 1 năm 2008; trong báo cáo này, các giám khảo có đề cập đến vấn đề của nhiều cặp thi đấu liên quan đến TIMING của Samba và Jive và CHARACTERISATION của TANGO, và tốc độ các giám khảo sẽ đề nghị thay đổi của Rumba (24 - 25 BPM thay vì là 26 BPM như hiện nay).

Dù là chỉ khiêu vũ giao tiếp thôi, nếu như nhận ra sự quan trọng của việc nghe nhạc và đếm nhạc và thực hiện tốt được hai điều này thì tôi tin là các bạn sẽ ham thích và đam mê khiêu vũ hơn vì các bạn nhảy tốt hơn. Chúc các bạn thành công./.