Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Cách ví von partner trong khiêu vũ: Nghệ sỹ với cây đàn.

Hybrid View

  1. #1
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Cách ví von partner trong khiêu vũ: Nghệ sỹ với cây đàn.

    Nghệ sỹ với cây đàn
    (trích “Sổ tay khiêu vũ” của Vodanh)

    “Sổ tay khiêu vũ” , như tên goi, là một cuốn ghi chép của Vodanh về khiêu vũ. Đó có thể là những lượm lặt đây đó những khái niệm, hiểu biết vụn vặt về khiêu vũ. Đó cũng có thể là những suy nghĩ tản mạn, những suy diễn riêng tư và chủ quan của Vodanh về khiêu vũ. Những suy diễn ấy nhiều khi ngớ ngẩn và lẩm cẩm, thậm chí có thể bị coi là phi logic.

    Qua quan sát tôi thấy người học khiêu vũ khi học một điệu nhảy nào đó thường trải qua quá trình như sau: 1) Mỗi người nam hoặc nữ của đôi nhảy cố gắng thực hiện riêng lẻ thành thạo phần của mình những động tác quy ước của bước nhảy nào đó của điệu nhảy theo nhịp đếm hoặc âm nhạc. 2) Đứng vào thành đôi đồng diễn những động tác của bước nhảy đã học theo nhịp đếm hoặc âm nhạc.

    Một phương pháp học như vậy có thể trong một thời gian ngắn thậm chí chỉ sau vài buổi học đã khiến người học cùng với bạn nhảy nhảy được một tổ hợp hoặc một bài nhảy ( routine, combinaison, choreography) nào đó của điệu nhảy. Phương pháp đó thường đem đến nhiều ngộ nhận cho người học, khiến cho người học nặng về phần học (learning) mà nhẹ về phần luyện (training), Hai người trong đôi nhảy “đồng diễn” các động tác cho nên người học hầu như không mấy quan tâm đến vai trò của kết nối (connection), của tương tác (communication) cũng như của dẫn (lead) và theo (follow). Vai trò của âm nhạc cũng hết sức lu mờ mà thực ra chỉ đòng vai trò của một phương tiện đếm nhịp. Học tập như vậy kết quả rất hạn chế. Đôi nhảy thực ra chỉ là đồng diễn như trong thể dục nhịp điệu (aerobic) còn xa, còn lâu mới đến được với bản chất đích thực của khiêu vũ (thành đôi).

    Khiêu vũ là dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt những cảm xúc do âm nhạc mang tới. Những động tác mà người khiêu vũ thể hiện có thể là kết quả của những khơi gợi mà cảm xúc âm nhạc đưa tới. Cũng có thể người khiêu vũ vì muốn cảm thụ âm nhạc một cách trọn vẹn hơn, sâu sắc hơn mà bột phát ra các động tác khiêu vũ. Có thể nói giữa động tác khiêu vũ và cảm xúc âm nhạc có mối quan hệ nhân quả, tựa hồ như giữa gà và trứng gà, không biết cái nào sinh ra cái nào. Tuy nhiên đó mới chỉ là khiêu vũ đơn lẻ từng cá nhân (solo) hoặc tập thể như trong khiêu vũ theo hàng (line dancing). Khiêu-vũ-thành-đôi là một cái gì khác hẳn, nó có một yêu cầu dặc biệt quan trọng đó là hai người thông qua kết nối (connection) biến thành một cá thể đơn nhất để thực hiện những động tác: uốn lượn cơ thể và di chuyển trong không gian và thời gian cùng với âm nhạc. Mỗi người trong đôi nhảy là một nửa kéo dài của người kia, cả hai người đã tan biến (melting) vào nhau thành một sinh vật đơn nhất có chung một con tim và khối óc. Đó chính là yếu tố chemistry mà các giám khảo thi khiêu vũ thường coi trọng.

    Nhìn nhận khiêu vũ thành đôi như thế tôi muốn đưa ra một định hướng phương pháp học tập khiêu vũ dựa trên những luận điểm trình bày dưới đây.

    Khiêu vũ thành đôi luôn luôn có một người đóng vai Dẫn, thường là nam cho nên gọi chung là NAM, và một người đóng vai Theo, thường là nữ cho nên gọi chung gọi chung là NỮ. Nhiệm vụ của NAM và NỮ trong đôi nhảy hoàn toàn khác hẳn nhau. NAM giữ vai trò chủ động tích cực, NỮ đóng vai trò thụ động tích cực. Để dễ hình dung ta làm vài sự so sánh. Người NAM là người phất cờ và người NỮ là lá cờ. Người NAM là người diễn viên múa lụa và người NỮ là dải lụa. Người NAM là người nghệ sĩ chơi đàn và người NỮ là cây đàn. Tất nhiên mọi sự so sánh đều là khập khiễng.

    Điều gì sẽ xảy ra nếu nhìn nhận “ Khi khiêu vũ thành đôi người NAM tương tự người nghệ sĩ chơi đàn và người NỮ tương tự cây đàn rung lên trong tay người nghệ sĩ“ ? Một cây đàn không thể tự vang lên bất cứ một nốt nhạc nào. Cây đàn cũng không thể thuộc bất cứ một bản nhạc nào, một câu nhạc nào. Giả dụ đó là cây đàn piano thì khi người nghệ sĩ nhấn vào phím Do cây đàn sẽ ngân lên nốt Do, khi người nghệ sĩ nhấn vào phím Re cây đàn sẽ ngân lên nốt Re… với đầy đủ sắc thái (êm dịu hay mạnh mẽ, trong trẻo hay mờ đục, ngân dài hay cụt lủn…) mà người chơi đàn mong muốn.Trong tay người nghệ sĩ các nốt nhạc lần lượt vang lên theo nghệ thuật trình diễn của người nghệ sĩ để gửi vào không gian làn sóng âm thanh của những tác phẩm kỳ diệu như Appassionatta cúa Ludwig van Beethoven , hay “Giọt mưa” của Frederic Chopin, hay “Ánh trăng” của Debussy, hay “Bốn mùa” của Tchaiskoski… Tất nhiên người NỮ là một cây đàn thực sự chứ không phải là một cái “đàn máy” như đàn oóc gan chỉ cần ấn nhẹ trên một phím đã có thể tuôn ra nguyên cả một câu nhạc.

    Khi khiêu vũ mọi động tác của NỮ từng thời điểm phải khởi phát từ NAM. NỮ chỉ bước chân khi NAM đã bước chân, NỮ chỉ đặt chân khi NAM đã đặt chân. Độ dài của mối step do NAM dẫn. Phương chuyển động và chiều quay của NỮ do NAM dẫn…NAM chủ động thực hiện timing của bước nhảy và NỮ theo timing đó. NAM làm sai thì NỮ phải làm sai theo NAM.Tóm lại NAM một mặt chủ động thực hiên các động tác phần của mình, một mặt đưa ra các động tác yêu cầu và NỮ đáp ứng. NỮ nhìn và nghe bắng mắt và tai của người dẫn là NAM thông qua kết nối (connection) với sự trợ giúp của quy tắc FFF (Feet Follow Frame). Tất nhiên đòi hỏi cả hai phải có dáng thân (posture) và khung (frame) tốt. Đừng quên rằng vai trò của cân bằng (balance) luôn luôn là thống soái.

    Trên tôi có nói NAM chủ động tích cực và NỮ thụ động tích cực. Ý nghĩa của hai chữ tích cực ở đây là gì ? NAM tuy chủ động nhưng vẫn luôn lắng nghe NỮ đã phản hồi các yêu cầu của mình như thế nào để diều chỉnh. NỮ tuy thực hiện những yêu cầu của NAM nhưng vẫn có những không gian tự do nhất định của mình. Chẳng hạn phong cách và sắc thái khi chuyển trọng lượng hoặc quay. các động tác trễ (delay), các sắc thái mềm (softly) hoặc gắt (dynamic/ sharply)…NỮ tuy là một cây đàn nhưng không phải là vô tri mà là một cây đàn có tâm hồn độc lập. So sánh hơi thô lỗ thì NAM là người cưỡi ngựa, NỮ là con ngựa. Ngựa tuy chạy dưới sự điều khiển của người cưỡi nhưng vẫn là một sinh vật có cá tính, có ước nguyện, có “tâm hồn” riêng của nó.

    Như vậy khi học khiêu vũ NAM có nhiêm vụ học tập các kỹ năng và nghệ thuật chơi đàn (giả dụ Piano), NỮ có nhiệm vụ hóa thân thành một cây đàn (giả dụ piano). Việc học tập khiêu vũ của cả NAM và NỮ không thể chỉ là học hiểu (learning & understanding) mà còn rất nhiều là rèn luyện (training). Vì thế người ta bảo học khiêu vũ phải học và tập 24/24 giờ mỗi ngày.

    Với mỗi bước nhảy NAM cần nắm vững để thực hiện kỹ thuật cá nhân của toàn bộ bước nhảy đồng thời đưa ra những mệnh lệnh và/hoặc yêu cầu cho NỮ trong từng step nhảy. NỮ có thể không cần biết bước nhảy đó như thế nào nhưng NỮ phải cảm nhận được những chuyển động và/hoặc động tác của tại mỗi thời điểm của step nhảy. Thí dụ trong bước nhảy “Closed Change Natural to Reverse” của VAN trong step 1 NAM một mặt chủ động tiến chân phải đồng thời ra thông báo đầy đủ và rõ ràng để dẫn NỮ lùi chân trái. NỮ không cần biết ở step này mình phải làm gì mà phải cảm nhận cho được và thực hiện yêu cầu của NAM là lùi chân trái. NAM cần thông báo rõ ràng và NỮ càn thực hiện đầy dủ các yêu càu của step nhảy bao gồm timing, swing, CBM… Việc này chỉ có thể thực hiện được khi trong đôi nhảy có connection và/ hoặc communication đầy đủ. Như thế, NAM một mặt thực hiện phần động tác của mình một mặt ý thức rõ rệt tại mỗi thời điểm NỮ phải làm gì.

    Người nhạc công chơi đàn thì trong óc họ phải hình dung họ muốn ném vào không gian âm thanh của một nét nhạc, một motif nhạc như thế nào, còn cây đàn thì có nhiệm vụ tai mỗi thời điểm bật ra âm thanh với sắc thái mà nhạc công yêu cầu và mong muốn. Cây đàn có thể không biết cả nét nhạc đó sẽ như thế nào. Đương nhiên đây chỉ là sự so sánh cơ học thuần túy khi luyện tập còn trong quá trình khiêu vũ thực sự tình hình không đơn giản như vậy mà là sự hòa quyện của hai con người (bao gồm thể chất và tâm hồn) trong chuyển động để cảm thụ âm nhạc.

    Việc luyện tập khiêu vũ của NAM và NỮ có những điểm chung nhau nhưng có những điểm khác nhau. Sự khác nhau là ở chỗ NAM học và luyện cách ra thông báo và cảm nhận sự đáp ứng của NỮ đối với thông báo đó. NỮ học và luyện để cảm nhận và thực hiện được thông báo của NAM. Chính vì thế mà các chuyên gia khiêu vũ đưa ra lời khuyên : “Người khiêu vũ đặc biệt là NỮ cần suy nghĩ (to think) ít hơn và cảm nhận (to feel) nhiều hơn”.

    Việc học tâp khiêu vũ gồm hai quá trình học hiểu (learning) và rèn luyện (training). Học hiểu thì không phải chỉ một lần mà phải nhiều lần. Trong khiêu vũ có những điều ta tưởng là hiểu rồi nhưng sau một thời gian ta lại hiểu khác đi, lại thấy biết vậy mà không phải vậy. Rèn luyện là quá trình tích lũy các phản xạ cho trí nhớ của bắp thịt ( muscle memory). Việc này không phải là làm được trong một sớm một chiều mà phải là việc tập luyện lâu dài mỗi động tác khiêu vũ hàng trăm hàng nghìn lần. Tôi rất tin cái điều mà một nick có tên L2D (Live 2 Dance) đã nêu khi tham gia diễn đàn Vietnamdancesport.net đại ý : “Để tập hoàn chỉnh bài nhảy 6 nhịp cơ bản của VAN * một cặp vũ công cần 15 năm. 5 năm đầu để mỗi người thành thục kỹ thuật của cá nhân mình, 5 năm kế tiếp để mỗi người cảm nhận được chuyển động của bạn nhảy, 5 năm cuối cùng để hai người chuyển động tan biến vào nhau”.

    Trước đây khoảng mười năm, tài liệu khiêu vũ ở ta còn khan hiếm, dân khiêu vũ Hà Nội thường săn lùng bộ CD dạy khiêu vũ standard của một cặp nhảy người Trung Quôc, hình như là ở Quang Châu, tôi không nhớ rõ tên. Trong bộ đĩa dạy đối với mỗi bước nhày chỉ có phần dạy kỹ thuật cho NAM không có phần dạy cho NỮ. Đó chính là một minh họa rõ nét cho những ý tưởng mà tôi trình bày ở trên.

    Tóm lại khi học và chơi khiêu vũ người NAM cần trước hết đặt mình vào vai trò của người nghệ sĩ chơi đàn, ngưới NỮ cần đặt mình vào vai trò của một cây đàn. Người NAM càn luyện tập ngón đàn cho điêu luyện. Người NỮ cần trước hết học tập để biến mình thành cây đàn muôn điệu. Tôi nói trước hết vì cái đích cuối cùng của đôi nhảy là biến thành một “con người kép” duy nhất rung lên cùng với âm nhạc. Khiêu vũ tuyệt đối không phải là hai người cùng đứng vào với nhau để đồng diễn một bài thể dục nhịp điệu, hoặc biểu diễn một tiết mục xiếc dù cho có kỹ thuật khó đến đâu.

    Sẽ có người cho rằng những điều tôi nói trên là viển vông, không thích hợp cho người khiêu vũ giao tiếp. Thật ra không phải thế. Bạn và người bạn nhảy của ban hãy thử tập chỉ một bước nhảy “chuyển động cơ bản” (Basic movement) của Rumba theo tinh thần mà tôi trình bày trên. Khi đã đạt được một trình độ nào đó bạn sẽ thấy có thể nhảy suốt ngày không biết chán chỉ với một bước nhảy đó và “phê” tuyệt vời khi có nhạc thật hay. Không tin bạn cứ thử xem.

    * bài tập 6 nhịp cơ bản của Van : Closed Change Reverse to Natural / Natural Turn / Closed Change Natural to Reverse / Reverse Turn

    Tác giả Vodanh. Nguồn: Saigondancesport.vn
    Lần sửa cuối bởi Lead, ngày 29-12-2012 lúc 02:23 PM.
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

  2. #2
    Ngày tham gia
    Mar 2012
    Bài viết
    365
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Lead ơi, bài có rất nhiều ý sai lầm - mà tác giả đã lắp "phao bảo hiểm, van an toàn" rồi - cứ nghe thế này rồi hay thì có hay nhưng là "mò trăng đáy nước, bắt bóng trên tường". Không dùng được đâu.
    Lead cứ so sánh nét lớn nhất là "mất 15 năm", thế các nhà vô địch standard có được coi là nhảy tốt không? Họ mất 15 năm cho điệu valtz Viên? Và tổng thời gian cho tập 5 điệu là 75 năm? Hay là họ nhảy chưa tốt, chưa hòa tan vào nhau? Thế thì chúng ta mất thời gian tập mà mãi không đạt được trạng thái đó thì tập để làm gì?
    Có giảng viên phân tích đúng, tập luyện chăm chỉ và tập đúng ngay từ đầu thì mất độ 2 năm là 5 điệu standard có thể giải quyết xong về cơ bản đủ đi thi quốc gia. Vấn đề là kỹ thuật nền móng cần chuẩn bị kỹ và kiên nhẫn với những kỹ thuật đó thôi.

  3. #3
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Vâng ạ, e cũng chỉ post lên cho bà con tham khảo để có thêm một cách nhìn khác, nhiều chiều về vấn đề partner, cảm nhận, dẫn - theo ...
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

  4. #4
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Bài viết
    362
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định

    Đã là bạn nhãy với nhau thì không ai là chũ cũa ai cã , mỗi người có phần việc cũa mình trong routine đễ làm tốt nhất , cơ bãn trong ballroom dancing là " 2 là 1 " , ai cũng biết vậy , nhưng không phãi ai cũng dễ dàng làm được điều này . Viết về dancing thì có vô số chuyện đễ nói , và có nói mãi viết mãi thì vẫn là timing . framing , lead & follow , connection , balance v.v... , nhưng khi thễ hiện trên sàn nhãy với cã nghìn khán giã và cã chục giám khão hướng mắt về mình thì lại có nhiều thứ người thi nhãy kinh nghiệm phãn ứng và thích nghi thật nhanh và thật hay , không có trong sách vỡ !
    Lần sửa cuối bởi TuyCan, ngày 31-12-2012 lúc 08:59 AM.

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •