Kết quả 1 đến 1 của 1

Chủ đề: Lịch sử giải vô địch khiêu vũ thế giới

  1. #1
    Ngày tham gia
    Oct 2009
    Bài viết
    2,213
    Cảm ơn / Thích

    Mặc định Lịch sử giải vô địch khiêu vũ thế giới

    LỊCH SỬ GIẢI VÔ ĐỊCH KHIÊU VŨ THẾ GIỚI


    Những năm bắt đầu thế kỷ 20 là những năm có nhiều phát triển nhất của các phong trào thể thao và nghệ thuật thế giới. Thời gian này là kỷ nguyên của các phong trào thể thao, đánh dấu bằng việc ra đời của nhiều tổ chức thể thao quốc gia và quốc tế. Olympic đã được hình thành năm 1894 và 2 năm sau thì các trò chơi Olympic đầu tiên đã diễn ra. Khiêu vũ cũng có rất nhiều phát triển trong khoảng thời gian này. Từ những giải đấu phong trào hàng tuần để giải trí của tầng lớp lao động ngoại ô London vào những năm 1900, các cuộc thi đấu khiêu vũ dạng sequence dancing từ đó ngày càng lan rộng. Trong 3 thập niên sau đó, Khiêu Vũ đã thay đổi rất nhiều.


    Các giải khiêu vũ thế giới thay đổi liên tục theo thời gian. Để dễ hiểu, tôi xin chia lịch sử của các giải đấu này làm làm 3 giai đoạn: giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến trước thế chiến thứ hai, giai đoạn sau thế chiến thứ hai, và giai đoạn hiện nay.


    A. Các giải thi đấu khiêu vũ trước thế chiến thứ hai


    1. Các giải đấu World Championships của Camille de Rhynal


    Cuộc thi khiêu vũ đầu tiên được biết đến là Tango-Tournament ở Nice, một thành phố của Pháp, do Camille de Rhynal tổ chức vào năm 1907. Đó là sự khởi đầu của các cuộc thi khiêu vũ. Ông Camille de Rhynal là một một biên đạo múa và vũ công, một nhà soạn nhạc và nhà tổ chức sự kiện, với tài năng đặc biệt của mình trong kinh doanh và quản lý, bước đầu đã thành công trong việc tổ chức giải Tango-Tournament ở Nice. Sự thành công này thúc đẩy ông tổ chức giải World Championships, giải vô địch khiêu vũ thế giới lần đầu tiên ở Paris năm 1909. Về quy mô và chất lượng thì giải World Championships đầu tiên này tất nhiên không thể so sánh với các giải vô địch thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đó là sự kiện lịch sử rất thú vị. Và Camille de Rhynal tuy sau này bị các đồng nghiệp chỉ trích, ông ta vẫn ghi công đầu trong việc hình thành các giải đấu khiêu vũ quốc tế.


    Từ năm 1909, Camille de Rhynal tổ chức giải World Championships định kỳ mỗi năm. Lúc này nó không có một tổ chức khiêu vũ quốc tế nào cùng tham gia với ông và các vũ sư thi đấu chỉ đến từ một số vùng hạn chế nên quy mô ủa nó khá thấp so với giải World Championships của ngày hôm nay.


    Thời gian này không có sự phân biệt "chuyên nghiệp" và "nghiệp dư" trong các giải đấu như bây giờ. Cũng không có vũ công là đại diện cho quốc gia này hay quốc gia khác. Một người Pháp có thể kết hợp với một bạn nhảy Tây Ban Nha để thi đấu mà không có vấn đề gì. Các cuộc thi lúc này rất sơ sài và ít quy tắc.


    Trong giải World Championships năm 1911 ở Paris là giải đầu tiên có nhắc đến từ ngữ Pro và Am, có nghĩa là chuyên nghiệp và nghiệp dư, và cho phép họ có thể thi đấu chung với nhau, không có sự phân chia. Mãi đến năm 1922 sau thế chiến thứ nhất, cuộc thi World Championships của Camille de Rhynal tổ chức ở Queens Hall, London mới có sự phân loại rõ rệt giữa chuyên nghiệp (Pro), nghiệp dư (Amateur) và đôi hỗn hợp (Pro + Amateur). Cũng trong World Championships năm 1922 này, giải vô địch được gom lại dành duy nhất cho một đôi nhảy xuất sắc nhất, bỏ đi có các giải vô địch cho từng vũ điệu như ở các giải trước. Đôi nhảy Victor Silvester và Phyllis Clarke là người đầu tiên nhận được giải vô địch này ở hạng chuyên nghiệp, đôi nhảy Rueben & Breton là người đầu tiên nhận được giải vô địch ở hạng nghiệp dư.


    Những năm sau đó, Camille de Rhynal có xung đột với các tổ chức khiêu vũ của Anh nên năm 1925 ông ta bỏ London về lại Paris, hàng năm tổ chức tiếp các giải World Championships của mình cho đến năm 1939 rồi tạm ngưng vì thế chiến thứ 2 xảy ra.


    Năm 1926 ông ta thấy rằng đã đến lúc phải thành lập những tổ chức khiêu vũ quốc gia cho hạng Pro và Amateur để liên kết và cũng cố sức mạnh của họ lại.


    Do lúc này đã có các tổ chức khiêu vũ quốc tế nghiệp dư nên ông thành lập một tổ chức khiêu vũ chuyên nghiệp là FID (Federation International de Danse), ra đời vào ngày 15-5-1926 tại Paris. Đến 8-9-1929 một tổ chức chuyên nghiệp khác là LIG (Liga fur Internationale Turniere) cũng ra đời ở Thụy Sĩ. Hai tổ chức FID và LIG chỉ lo việc quảng bá các cuộc thi do họ tổ chức, còn các tiêu chuẩn và điều lệ thi đấu rất ít được chú trọng. Chính điểm yếu chết người này đã làm họ bị mai một sau này.


    Phong trào khiêu vũ ở Anh lúc bấy giờ rất mạnh. Một tờ báo tháng chuyên về khiêu vũ là tờ Dancing Times cũng rất có uy tín và có nhiều độc giả tại Anh lúc đó. Tờ Dancing Times sau nhiều năm tổ chức những hội thảo để tiêu chuẩn hóa các điệu nhảy, đến ngày 14-4-1929 thì Dancing Times đứng ra triệu tập một hội nghị rất lớn gọi là "Great Conference" ở London vào ngày 14-4-1929 mời hết các vũ sư danh tiếng của Anh lúc bấy giờ ngồi lại thống nhất các tiêu chuẩn hóa khiêu vũ. Hội nghị này cũng tạo nên sự ra đời của hội đồng “Official Board of Ballroom Dancing” (mà sau này chính là tổ chức BDC) để xúc tiến thực hiện việc tiêu chuẩn hóa trên. Chính sự thành công của hội nghị bản lề này sau đó làm cho khiêu vũ Anh phát triển mạnh và làm lu mờ sự nghiệp vẻ vang của Camille de Rhynal, khiến các giải World Championships của ông ta dần dần mất sức hút. Các vũ sư hàng đầu sau đó cũng không còn tập trung nhiều vào giải đấu World Championships của ông. Một số sang tham gia Blackpool - Anh, một giải đấu ít tiếng tăm đã có từ năm 1920. Khiêu vũ Anh lúc này lên ngôi. Các vũ công người Anh lần lượt đoạt các chức vô địch World Championships. Và từ 1930, khiêu vũ kiểu Anh (English-style) đã lan tràn khắp Châu Âu.


    2. Giải nghiệp dư chính thức


    Đầu năm 1932, hiệp hội khiêu vũ RPG của Đức (Reichsverband zur Pflege des Gesellschaftstanzes) tiếp xúc với các tổ chức Anh đề nghị thành lập một hiệp hội quốc tế nghiệp dư, làm nền tảng cho việc tổ chức các giải nghiệp dư quốc tế. Rất tiếc việc thương thảo này không thành công.


    Ba năm sau, vào ngày 10/12/1935, các hiệp hội khiêu vũ của Áo, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ và Nam Tư ngồi lại với nhau ở Prague-Tiệp Khắc, lập ra tổ chức nghiệp dư quốc tế đầu tiên, có tên là FIDA (Fédération Internationale de Dance pour Amateurs). Sau đó không lâu thì các hiệp hội của các nước vùng Baltic, Bỉ, Canada, Ý và Na Uy cũng gia nhập theo. Ông Franz Buchler, người Áo đã được bầu làm chủ tịch đầu tiên. FIDA hoạt động rất tích cực và hợp tác chặt chẻ với hiệp hội RPG. Năm 1936, khi Olympic Games tổ chức ở Berlin, FIDA đã tổ chức kỳ thi vô địch Amateur thế giới tại Bad Nauheim- Đức, có 15 nước từ 3 châu lục tham gia. Sự kiện này chứng tỏ cuộc thi khiêu vũ nghiệp dư đã có luật lệ quốc tế. Từ đó mỗi năm FIDA đã tổ chức các giải vô địch Am, song song với các giải đấu World Championships của Camille de Rhynal tại Pháp, cho đến năm 1939 khi thế chiến thứ 2 xảy ra thì tạm ngưng, và FIDE cũng giải thể do chiến tranh.


    Giải World Championship Amateur Ballroom Dancing năm 1939 ở Munich ngày 05/02/1939.
    Đôi nhảy John Wells & Renee Sissons của England vô địch

    Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, nhân sự kiện Giải vô địch Châu Âu vào ngày 30-7-1950 tại Velden (Áo), các hiệp hội khiêu vũ nghiệp dư của các nước cố gắng phục hồi FIDA nhưng sự việc không thành. Mãi đến tháng 7-1953, thì một lần nữa tại Velden, FIDA mới được công nhận lại. Các thành viên lúc này là Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ý và Nam Tư. Ông Franz Buechler được cử lại làm Chủ tịch. Sau đó 3 nước Phần Lan vào năm 1953, Thuỵ Sỹ 1954 và Hà Lan 1955 tiếp tục gia nhập FIDA.


    Tuy nhiên FIDA lại có nhưng mâu thuẩn lợi ích với tổ chức chuyên nghiệp ICBD lúc bấy giờ. Các thương thảo về một sự hợp tác giữa FIDA với ICBD thất bại. Vào tháng 1/1956, tại hội nghị ở Munich, các thành viên của FIDA đã đồng ý giải tán FIDA.




    B. Các giải đấu sau thế chiến thứ hai


    1. Giải chuyên nghiệp (Professional World Championships)


    Thế chiến thứ 2 làm cho các cuộc thi đấu khiêu vũ chuyên nghiệp gián đoạn 6 năm. Tuy nhiên khi hồi sinh thì khiêu vũ chuyên nghiệp lại trở nên ngày càng bị phân mảnh do các tổ chức khiêu vũ chuyên nghiệp ganh đua quyết liệt với nhau để thống trị các giải đấu World Championships. Trong khoảng thời gian này, uy tín của Camille de Rhynal vẫn còn rất lớn, ông vẫn là người đứng sau các giải đấu World Championships lúc bấy giờ. Phải nói từ năm 1909 đến năm 1950 các giải World Championships đều có bàn tay của Camille de Rhynal.


    Sau những năm ganh đua nhau để tìm kiếm quyền lực cho việc tổ chức các giải World Championships, cuối cùng các tổ chức khiêu vũ quốc tế cũng tìm được một sự thỏa hiệp theo sáng kiến của Philip J.S. Richardson, chủ bút tờ báo Dancing Times. Ngày 21-9-1950 tại Edinburgh, thủ đô của Scotland, tổ chức ICBD (International Council of Ballroom Dancing) ra đời và trở thành tổ chức khiêu vũ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới. Tổ chức này gồm 12 thành viên Châu Âu gồm: Áo, Bỉ, Tích Lan (Ceylon), Đan Mạch, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Ireland, Italy, Na Uy, và Thụy Sĩ và 3 thành viên châu khác là Úc, Nhật Bản và Nam Phi. Chủ tịch của ICBD là ông Philip Richardson và Alex Moore làm chủ tịch danh dự.


    ICBD tổ chức giải thử nghiệm World Championships chuyên nghiệp đầu tiên vào năm 1959, và năm 1960 giải World Championships chính thức bắt đầu. Kể từ đây kết thúc thời kỳ Camille de Rhynal, tất cả các World Championships chuyên nghiệp là do ICBD đứng ra tổ chức.


    Mục tiêu chủ yếu của ICBD là tạo một nền tảng thống nhất trong cộng đồng khiêu vũ thế giới, làm cơ sở để tổ chức giải vô địch thế giới cho Ballroom Dancing. ICBD đã thành công trong việc này, nó đã trở thành cơ quan hàng đầu về các cuộc thi khiêu vũ chuyên nghiệp, với các thành viên ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia được cho phép một phiếu bầu. Lúc này tất cả các cuộc thi khác tự xưng là World Championships đều bị các quốc gia thành viên của ICBD tẩy chay.


    Đến năm 1996, ICBD đổi tên thành WD&DSC (World Dance & Dance Sport Council Ltd.), và đến năm 2006 thì đổi tên thành WDC (World Dance Council Ltd.) với số thành viên lên đến 59 và hiện tại có 65 quốc gia thành viên.


    2. Giải nghiệp dư (Amateur World Championships)


    Kể từ khi FIDE bị giải thể vào năm 1956, các nhà khiêu vũ nghiệp dư không có một tổ chức quốc tế chính thức nào trong khi phong trào thi đấu vẫn diễn ra đều đặn. Các nhà khiêu vũ nghiệp dư không thể chấp nhận tình trạng này. Sự việc này mở đường cho một tổ chức mới xuất hiện. Theo sáng kiến của Otto Teipel, một vũ công người Đức ở thành phố Wiesbaden, vô định giải Đức từ năm 1947-1951, tổ chức ICAD (International Council of Amateur Dancers) được thành lập vào ngày 12-5-1957 tại Wiesbaden.


    ICAD lúc này có được sự chấp thuận của ICBD, tổ chức trước đây đã từng gây áp lực buộc giới khiêu vũ nghiệp dư Anh phải sát nhập và trực thuộc vào bộ phận quản lý nghiệp dư của nó. Sự chấp thuận này mở đường cho các nhà khiêu vũ nghiệp dư tham gia vào ICAD.


    Ông Otto Teipel được bầu làm chủ tịch ICAD, các thành viên sáng lập gồm có các hiệp hội quốc gia của Áo, Đan Mạch, Đức, Ý và Thụy Sĩ và hai hiệp hội nghề ở Pháp và Hà Lan. Ngày 7/71958, các hiệp hội từ Bỉ, Na Uy, Thụy Điển và Nam Tư đã tham gia. Đến năm 1958 ICAD có 14 hiệp hội từ 12 quốc gia là thành viên của nó.

    Otto & Inge Teipel trong giải vô địch của Đức

    Những khó khăn mà cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của FIDA cũng là những khó khăn mà ICAD cũng gặp phải lúc này. Việc xung đột và chia tách giữa các hiệp hội khiêu vũ nghiệp dư của các nước châu Âu và sự khác biệt giữa khiêu vũ chuyên nghiệp và nghiệp dư vẫn xảy ra thường xuyên. Không thể xử lý được, cuối cùng ông Otto Teipels phải tổ chức cuộc họp General Meeting vào ngày 13/5/1962 để tuyên bố rời chức vụ.


    Một năm sau, ông Heinrich Bronner, người vùng Offenbach, một quan chức phụ trách giải đấu của hiệp hội Dancesport của Đức đã được chọn làm chủ tịch. Rồi ngày 23-6-1963 tại Anokke- Bỉ, ông Rolf Finke người xứ Hannover đã được bầu làm chủ tịch mới. Tuy nhiên những sự phức tạp cứ tiếp tục đều đặn xảy ra, do vị Chủ tịch hoàn toàn không biết các nguyên tắc cơ bản trong công tác tổ chức ở tầm quốc tế.


    Ngày 27-6-1965, một trang mới của ICAD đã mở ra khi quyết định bầu ông Detlef Hegemann, người vùng Bremen làm chủ tịch. Có những hy vọng cho thấy việc lựa chọn này sẽ làm dịu đi sự căng thẳng giữa các hiệp hội khiêu vũ quốc tế. Hegemann sau đó cũng được bầu làm chủ tịch hiệp hội khiêu vũ thể thao Đức DTV. Ông Hegemann cùng với vợ là Ursula nhiều lần vô địch Đức (từ 1952-1957) và châu Âu, từng tham gia nhiều giải đấu ở nhiều nước khác đã giúp ông ta có thể nhận biết được các khó khăn hiện tại. Thêm vào đó, với nhân cách, tính khách quan hiện lên khuôn mặt trong những cam kết và sự công bằng trong mọi hoàn cảnh của ông đã được giới chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư và đánh giá cao trên khắp châu Âu.


    hegemann.jpg


    Detlef Hegemann, Chủ tịch danh dự WDSF hiện nay




    Trẻ tuổi, nhiệt tâm và đầy tham vọng, Detlef Hegemann đã mang lại bộ mặt mới cho ICAD và sau này là IDSF. Chỉ sau ba tháng trên cương vị mới, ông đã lập tức thương thuyết với ICBD để sáng lập một Uỷ ban Hỗn hợp (Joint Committee) gồm một số đại diện bằng nhau của 2 giới chuyên nghiệp và nghiệp dư. Uỷ ban Hỗn hợp này sẽ là một một Ủy ban cấp cao nhất trong việc giải quyết những xung đột căng thẳng giữa khiêu vũ chuyên nghiệp và nghiệp dư. ICBD dưới sự điều hành của Alex Moore, cũng thấy rằng cần phải có sự dàn xếp những xung đột nên ngày 3/10/1965, một thoả thuận có tính lịch sử trong thi đấu khiêu vũ đã được ký kết tại Bremen và Uỷ ban Hỗn hợp đã được thành lập. Đầu tiên mỗi bên có ba thành viên và sau đó là bốn thành viên.


    Ý tưởng cơ bản của thoả thuận Bremen là phân định thẩm quyền cho các cuộc thi quốc tế. Lần đầu tiên, ICBD đã thừa nhận ICAD hoàn toàn có trách nhiệm và quyền hạn trong việc tổ chức và điều khiển các giải vô địch quốc tế và cho phép các giám khảo nghiệp dư được tham dự các giải đấu quốc tế với tỉ lệ 3 giám khảo nghiệp dư và 4 giám khảo chuyên nghiệp. Kể từ đó, Uỷ ban Hỗn hợp đã thường xuyên chứng tỏ giá trị của mình trong việc giải quyết các sự khác biệt về quan điểm và những tranh chấp phát sinh giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ở cấp độ quốc gia và quốc tế.


    Sự đoàn kết vững chắc của ICAD và phương thức giải quyết mềm mỏng những căng thẳng giữa hai giới đã làm cho phong trào thi đấu khiêu vũ nghiệp dư có điều kiện hợp nhất và phát triển. Với sự tồn tại của ICAD, nhiều quốc gia đã đưa các cuộc thi đấu khiêu vũ vào các chương trình thể thao quốc gia vì thấy các điều kiện cần thiết đã được đáp ứng.


    Từ đó cho đến năm 1981, ICAD liên tục phát triển và có nhiều hiệp hội nghiệp dư gia nhập. Năm 1990, trong quá trình vận động để Uỷ Ban Olympic Quốc tế thừa nhận khiêu vũ thi đấu như là một môn thể thao, ngày 11/9 ICAD đã đổi tên thành IDSF (The International DanceSport Federation) như là tổ chức thế giới thống nhất.


    Những thay đổi lịch sử của Đông Âu vào những năm 1991-1992 làm cho số lượng thành viên của IDSF tăng thêm đáng kể. Châu Á cũng đã phát triển và nhiều hiệp hội nghiệp dư cũng đã trở thành thành viên của IDSF. Sự nổ lực của đoàn chủ tịch IDSF cuối cùng cũng đã được Uỷ Ban Olympic Quốc tế thừa nhận


    Trong báo cáo có tựa đề “Chặng đường dài để đi đến thành công, câu chuyện về IOC thừa nhận IDSF và Khiêu Vũ Thể Thao” ông Werner J. Braun, phát ngôn viên của IDSF, đã mô tả rất chi tiết quá trình đầy gai góc này. Bản báo cáo này đã đề cập đến 2 gương mặt trong đoàn chủ tịch IDSF như là những người có công rất lớn: ông Rudolf Baumann, thủ quỷ của IDSF Thụy Sĩ và ông Rudi Hubert, Tổng Thư ký của IDSF Berlin và Munich. Hai người này đã cùng với chủ tịch IDSF Detlef Hegemann tham gia giải quyết hầu hết các khó khăn. Nỗ lực của họ cuối cùng cũng dẫn đến tuyên bố chính thức của Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, ông Juan Antonio Samarach, trong bức thư lịch sử gửi cho ông Detlef Hegemann, chủ tịch IDSF ngày 06/04/1995: “Tôi hân hạnh chúc mừng anh cho tất cả các nỗ lực để đạt được mục tiêu này và xin chào đón anh vào gia đình Olympic ". IDSF đã đạt được sự công nhận tạm thời như là một Hiệp hội quốc tế, đại diện cho một loại Thể thao có đầy đủ tiêu chuẩn Olympic.


    Các nỗ lực để IDSF cũng là thành viên của GAISF (General Association of International Sports Federation) đã kết thúc thành công. Tháng 10/1992 IDSF đã được cấp nhất trí thành viên chính thức của tổ chức này. Một lần nữa thành công có sự đóng góp cá nhân của ông Rudolf Baumann, thủ quỷ của IDSF Thụy Sĩ, và hiện là đại biểu cho các công việc của GAIF và IOC. GAISF là một Liên đoàn của chừng 80 Hiệp hội Thể thao quốc tế Olympic và không Olympic bên cạnh Ủy ban Olympic Quốc tế IOC. Nó có quyền tham gia các cuộc thảo luận trong IOC và hỗ trợ IOC trong tất cả các vấn đề của thể thao và thành viên. Chủ tịch GAISF, Tiến sĩ Un Yong Kim người Hàn Quốc, cũng là một trong các Phó Chủ tịch của IOC.


    Vào ngày 04/09/1997 IDSF đã được công nhận là thành viên chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế. Năm 2011 IDFS đổi tên thành WDSF (World DanceSport Federation). Các thành viên của nó gồm 92 quốc gia cùng với Liên đoàn Rock 'n' Roll thế giới, tổ chức UCWDC của Mỹ (United Country Western Dance Council)


    C. Các giải đấu quốc tế hiện nay


    Sẽ không có gì xảy ra nếu ICBD, nay là WDC, tổ chức các giải World Championships chuyên nghiệp trong khi ICAD/IDSF, nay là WDSF, tổ chức các giải World Championships nghiệp dư giống như thời kỳ đầu.


    Sự công nhận của Ủy ban Olympic Quốc tế giúp cho ICAD/IDSF/WDSF có quyền lực hơn, muốn trở thành tổ chức khiêu vũ hợp pháp duy nhất ủa thế giới, và tìm cách thâu tóm về mình tất cả các giải đấu, chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư. Từ đây nảy sinh ra sự xung đột với WDC mà cao trào là năm 2007 WDC trả đủa bằng cách lấn sân sang giải nghiệp dư khi thành lập WDC Amateur League và năm 2010 thì IDSF cũng thành lập IDSF Professional Division khi sát nhập tổ chức IPDSC để lấn sân sang giải chuyên nghiệp.


    Kể từ lúc này WDSF cấm tất cả các thành viên tham gia vào cuộc thi nào không do WDSF hay WDSF quốc gia tổ chức. Việc này đồng nghĩa với việc WDSF cấm các thành viên tham gia thi dấu các giải do WDC tổ chức.


    Bằng chứng của sự xung đột này là vào năm 2009, khi WDC tổ chức một giải Amateur tại Disneyland, Paris từ ngày 4-6 tháng 12 thì WDSF đã ra thông báo như sau:


    "Giải Vô địch Thế giới Amateur mở rộng của WDC Amateur League dự kiến ​​sẽ được tổ chức tại Disneyland Paris, Pháp vào ngày 04-ngày 06 tháng 12 năm 2009, không do WDSF tổ chức và không được thừa nhận bởi WDSF Pháp là Comite National de Danse Sportive (CNDS). Theo đó Đoàn Chủ tịch WDSF cấm tất cả các vận động viên, các giám khảo và các quan chức khác, những cá nhân hay tổ chức liên quan với WDSF hoặc thành viên WDSF, tham gia cuộc thi này theo bất kỳ hình thức nào, khi không có thêm thông báo nào khác."


    Trả đủa lại, Chủ tịch Sammy Stopford của WDC Amateur League đã phản đối mạnh mẽ đề nghị của Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Ý nhằm hạn chế sự tự do lựa chọn của các vũ công trẻ.


    Đây là một dấu hiệu rõ ràng của một cuộc xung đột giữa hai tổ chức trên về việc tổ chức các giải thi đấu nghiệp dư thế giới, và làm nổi lên triết lý về "quyền tự do lựa chọn" trong khiêu vũ thi đấu.





    Donnie Burns, chủ tịch WDC


    images_zpse14469e5.jpeg
    và Carlos Freitag, Chủ tịch WDSF


    Như vậy trên thế giới hiện nay các giải đấu quốc tế chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư có hai tổ chức thực hiện chồng chập và đối chọi nhau, một là do WDSF tổ chức và hai là do WDC tổ chức.


    Chính sách của WDC là tạo một sân chơi khiêu vũ tự do và các cuộc thi của họ mở ra cho toàn thế giới. Các giám khảo và vũ sư của họ được tự do làm việc và thi đấu nơi nào họ thích.


    Chính sách của WDSF có tính cạnh tranh và bó buộc, các vũ công và các trọng tài chỉ có thể tham gia các cuộc thi của WDFS mà thôi. Chính chính sách hạn hẹp này đã làm phiền lòng nhiều vũ công trên thế giới.[/justify]

    P/S: Bài viết với sự tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, tuy nhiên có thể không tránh khỏi các sai sót lịch sử. Nếu bạn đọc có dữ liệu nào chính xác hơn vui lòng đóng góp để sửa chữa.
    docco
    Nguồn: Minhha.vn
    Lần sửa cuối bởi Lead, ngày 15-01-2013 lúc 03:44 PM.
    Trao đổi thông tin & thảo luận về khiêu vũ trên facebook, mời bạn click ở đây: "Hội Khiêu vũ FDC Hải Dương"
    ================================================== ===========
    Chủ nhiệm CLB KV FDC Hải Dương: Quốc Chiến 0989 26 20 26. FB: Trần Quốc Chiến

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •