=cOuLd=
Chân đất
Tham gia ngày: Aug 2008
Đến từ: Hải Dương
Bài gởi: 21



Để có thể bàn luận về một vấn đề nào đó chúng ta cần có sự đồng thuận trong một vài điểm được coi là có sự nhất trí chung. Tương tự như khi nghiên cứu về hình học phẳng chúng ta phải chấp nhận tiến đề Êclit vậy. Do đó, trước khi bàn về timing của Jive chúng ta cần biết những điều cơ bản về âm nhạc và kết cấu vũ hình của Jive. Chúng ta cùng xem Walter Laird nói gì về vấn đề này.

Trước hết là về nhịp điệu (Time Signature) : Các bản nhạc Jive có nhịp 4/4 thường được nhấn ở các phách 2 và 4. Về mặt lý thuyết, nhịp 4/4 có 4 phách trong một nhịp trong đó các phách 2, 4 là các phách nhẹ, phách 1 là phách mạnh nhất và phách 3 là phách mạnh vừa. Việc nhấn phách bởi bộ gõ là một đặc trưng rất phóng khoáng của âm nhạc Latin (trong Rumba Cha Cha thường nhấn ở phách 4, trong Jive thì các phách 2 và 4). Chúng ta cần phân biệt các phách mạnh và nhẹ của nhịp vớí các phách được nhấn.

Vũ hình trong Jive có hai loại kết cấu (Bar construction) : Kết cấu một nhịp (one bar construction). Kết cấu này được đếm như sau :Q Q QaQ (tương ứng với 1 phách, 1phách, ¾ phách, ¼ phách và 1 phách). Ở đây QaQ là một chuyển động đặc trưng của Jive gọi là Jive Chasse. Loại kết cấu 1 nhịp vừa nói trên chủ yếu được sử dụng trong các vũ hình có tên Whip (Whip, Curly Whip, Reverse Whip, Thowaway Whip )

Kết cấu 1 nhịp rưỡi (1.1/2 bar construction) có timing Q Q QaQ QaQ. Đây là kết cấu thông dụng nhất trong các vũ hình của Jive ở các cấp độ.

Đặc tính sôi động của Jive được thể hiện chủ yếu qua chuyển động Jive Chasse (bao gồm các bước chân đuổi nhau theo nhạc cảm ¾, ¼, 1; chuyển động nảy – Jive Bounce và Swing Jive).

Giáo trình khiêu vũ có đưa ra ngôn ngữ của khiêu vũ bao gồm các chữ:

Slow (S) = 2 phách nhạc
Quick (Q) = 1 phách nhạc
And (&) = ½ phách nhạc
và a = ¼ phách nhạc

Và các số từ 1 dến 8 (Vũ hình Sixteen trong Paso có thể đếm từ 1 dến 16 nhưng thực chất là hai lần 8), mỗi số tương đương với 1 phách nhạc

Qua quan sát các băng đĩa hình dạy Jive, tôi thấy cách đếm khá phong phú.

Đối với một vũ hình nào đó, ta có thể đếm theo chữ Q Q QaQ QaQ, hoặc đếm theo số 1, 2, 3a4, 5a6 hoặc chúng ta cũng có thể đếm theo số 1, 2, 3a4, 1a2. (chính trong đĩa hình của Matthew and Nicole Cutler, ông Geoffrey Hearn cũng đã đếm như vậy). Cách đếm theo từng nhịp là một cách đếm khá phổ biến trong các băng hình dạy khiêu vũ thập niên 90 của thế kỷ trước. Cả một tổ hợp bước đều được đếm theo cách 1, 2, 3a4, 1a2, 3, 4, 1, 2, 3, 4, 1, 2, 3, 4, 1a2, 3a4…..

Dù đếm theo chữ (Q Q QaQ), hay đếm theo số (1, 2, 3a4) thì các bước chân cũng phải gắn với các phách nhạc tương ứng, đây chính là thể hiện nhạc cảm của chúng ta tốt hay chưa tốt.

Nếu một vũ hình được đếm bằng chữ Q Q QaQ QaQ gồm một nhịp rưỡi, để cho đủ hai nhịp chúng ta có thể thêm vào nó hai bước rock nữa là Q Q, như thế hai bước Q Q này thuộc về vũ hình khác được kết nối vào nó. Điều này cho phép chúng ta hiểu rằng, khi chuyển sang đếm bằng chữ 1, 2, 3a4, 5a6 việc thêm vào 2 phách 7, 8 là không bắt buộc.

Trong việc luyện tập, nhớ vũ hình và các kết nối trong một tổ hợp bước là việc cần thiết cho quá trình thuộc lòng một bài nhảy. Tư duy của chúng ta sẽ thuận lợi hơn khi thứ tự chuyển động được sắp đặt theo số đếm tự nhiên : 1 2 3 4 5 6 7 8. Do đó, thay vì phải đếm 1, 2, 3a4, 1a2, 3, 4, chúng ta sẽ đếm là 1, 2, 3a4, 5a6, 7, 8.

Tôi không nghĩ rằng cách đếm theo số thì chính xác hơn cách đếm theo chữ. Nhiều khi đếm theo một cách nào đó nhiều thì dễ mỏi mồm, chuyển sang cách đếm khác cho đỡ mỏi. Đếm bằng tiếng Việt liên tục cũng nhanh mỏi, chúng ta có thể chuyển sang đếm bằng tiếng Anh cũng thấy đỡ mỏi. Mặt khác, chúng ta cần hiểu rằng Q Q QaQ có nghĩa là 1, 2, 3a4.

Tôi nghĩ, nếu chúng ta hiểu cách đếm trong Jive không quá phức tạp thì chúng ta sẽ yên tâm hơn khi nghe ông Georffrey Hearn đếm trong các chương trình dạy của hãng dancesport-international.