Viết bởi Vuchidung

Khi xem hai cặp nhảy cùng thực hiện một vũ hình nào đó, trong chúng ta thường xuất hiện câu hỏi :"tại sao cặp nhảy này trông có vẻ buồn và không hấp dẫn bằng cặp nhảy kia ?". Thật vậy, trong cùng một điều kiện như nhau : cùng vũ điệu, cùng nhịp độ (tempo), cùng vũ hình mà cặp nhảy này cuốn hút được người xem còn cặp kia thì không ? (cứ cho rằng họ cùng có một thời gian luyện như nhau và cùng tập ở một lò nào đó như nhau và cùng một có một số điều kiện khác cũng như nhau ...). Trong phần giới thiệu chung của cuốn sách "The Laird Technique of Latin Dancing", tác giả có nói về những bí quyết này. Xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

TỐC ĐỘ CAO CỦA CHÂN
Di chuyển chân có tốc độ cao luôn gây ấn tượng. Nếu chân bước quá sớm chuyển động sẽ trở nên buồn tẻ và không có sức hẫp dẫn. Chuyển động nhanh của chân là kỹ năng chuyển động nhanh mà vẫn giữ được cảm nhận nhịp điệu và phải được thực hiện hoàn toàn không có sự trợ giúp của bạn nhảy. Chuyển động nhanh của chân được thực hiện một cách đơn lẻ và là một bí mật trong sự quyến rũ trong chuyển động của từng cá nhân.

QUAY NHANH.
Chuyển động quay có tốc độ cao luôn gây được ấn tượng. Nếu chuyển động quay được thực hiện quá sớm (so với phách nhạc mà chuyển động quay được thực hiện.ND) sẽ không đem lại ấn tượng và hiệu quả. Để tạo được chuyển động quay nhanh - Việc khởi động cho chuyển động này rất quan trọng ở sự chính xác của thời điểm mà nam PHẢI thực hiện thông qua việc dẫn bằng lực (Physical Lead). Bạn nữ KHÔNG BAO GIỜ tự thực hiện chuyển động quay.

TỐC ĐỘ DI CHUYỂN NHANH CỦA THÂN NGƯỜI
Tốc độ di chuyển nhanh của thân người tạo ra ấn tượng. Nếu một cặp nhảy di chuyển với một tốc độ đều đều trong bất cứ khoảng di chuyển nào đều không gây được ấn tượng và đương nhiên không đem lại sự hấp dẫn. Cơ thể người bạn nữ di chuyển nhanh luôn nhờ vào sự dẫn lực(Physical Lead) từ người bạn nam.


CHUYỂN ĐỘNG GỢI CẢM.
Sau khi thực hiện các chuyển động có tốc độ nhanh thường sẽ dừng lại ở một vị trí nào đó và lúc này phải thực hiện sự "gợi cảm" bằng cách đưa từ từ trọng tâm tới chân trụ cùng với sự mềm mại của thân người và tay tự do cần có chuyển động phối hợp tự nhiên và thích hợp.

Lời bình :
Walter Laird luôn nói về việc làm sao để mỗi chuyển động của chúng ta có thể gây được ấn tượng với người xem và cũng tạo được cảm xúc cho chính bản thân. Nếu bạn không thực hiện được những chuyển động tạo ra được ấn tượng cho người xem thì bải nhảy của bạn không thể hấp dẫn, không thể cuốn hút khán giả cũng như BGK nếu bạn đang tham dự một kỳ thi nào đó. Và những bí quyết mà Walter Laird nói trên nghe thật đơn giản :" chuyển động nhanh của chân luôn tạo ra ấn tượng... chuyển động quay nhanh luôn tạo ra được ấn tượng... sự di chuyển thân người nhanh luôn tạo ra được ấn tượng...", song để có thể thực hiện được điều này lại là việc không đơn giản như vậy.

Chúng ta sẽ cùng thống nhất với nhau một điều vô cùng đơn giản, điều này được coi như là một tiên đề trong khiêu vũ, tiên đề đó là :"vẻ đẹp của khiêu vũ nằm ở trong các chuyển động". Nếu đã quan sát các cuộc thi khiêu vũ, các festival khiêu vũ của các cặp nhảy hàng đầu thế giới chúng ta cũng sẽ hình dung ra rằng vẻ đẹp khiêu vũ mà các vũ công đã đem lại cho chúng ta không phải ở các thế tạo dáng (Picture Line) của họ mà ở chính trong các chuyển động vì thực tế họ không thực hiện quá nhiều các thế này. Và các chuyển động của họ luôn hấp dẫn và gây được ấn tượng cho người xem.

Để có thể thực hiện được những chuyển động gấy ấn tượng như vậy như vậy cần có một nền tảng cơ bản vững chắc để có được kỹ thuật tốt (kỹ thuật tốt được hiểu là người có được các yếu tố kỹ thuật tốt như dáng thân, nhạc cảm, kỹ thuật tiếp sàn của bàn chân, dẫn và theo tốt, và một số các yếu tố khác nữa...)

Để có thể hiểu sâu hơn những ý kiến rất ngắn gọn của Walter Laird, tôi xin được đơn cử một ví dụ rất cụ thể để chúng ta cùng hiểu sâu hơn về những điều ông đã nói. Xin được nói tới chuyển động cơ bản của nam (và từ đó có thể suy ra chuyển động tương thích của nữ) trong vũ điệu Rumba, và cũng chỉ xin gói một phần trong chuyển động này : đó là bước tiến chân trái của nam khi tiến về phía trước (chuyển động đầu tiên của Basic Movement của nam khi đi vào phách 2).

Bạn nam đang dồn trọng tâm lên chân phải, chân trái chỉ tiếp sàn ở cạnh trong của nửa bàn trên (inside egde of ball), cụ thể là đầu ngón cái của chân trái đang có một áp lực nhẹ lên mặt sàn. Chúng ta hãy coi điểm tỳ này trên mặt sàn là điểm A. Nhiệm vụ của chân trái là phải tiến về phía trước để tiếp sàn ở một điểm B, và để đạt tới điểm B đó chân trái phải vượt qua quãng đường AB. Và chúng ta cùng nhau giải một bài toán vật lý đơn giản đó là tính tốc độ chuyển động của một vật thể khi đã biết quãng đường và thời gian.

Giả sử tempo của bài Rumba là 25 bars/min hay nói cách khác 100 phách/60 giây (vì Rumba có nhịp 4/4)
Thời gian của một phách là : 100 : 60 = 1,66 giây

Vậy tốc độ di chuyển của chân trái trên quãng đường AB là (giả sử cho quãng đường AB là 0,6 m) : V1 = 0,6 : 1,66 = 0,36 m/giây
Trên thực tế chân trái không di chuyển ngay từ đầu phách mà nó chỉ bắt đầu di chuyển sau "AND", nghĩa là di chuyển với thời gian 1,66 : 2 = 0,83 giây (vì "AND" là nửa phách nhạc và thời gian này được dành cho chuyển động hông.

Tốc độ di chuyển chân trong trường hợp này là : 0,6 : 0,83 = 0,72 m/giây

Đây là chuyển động rất bình thường của Rumba, khi các chuyển động đều được thực hiện trong nửa phách nhạc với cách đếm "& 2 & 3 & 4 & 1 ". Và trong trường hợp sau chúng ta đã thấy tốc độ di chuyển của chân từ 0,36 m/giây đã được gấp đôi là 0,72 m/giây. Vấn đề tiếp tục được đặt ra là chuyển động đã được tăng tốc này đã tạo được ấn tượng hay chưa ? Và khả năng của chúng ta có thể tăng được tốc độ di chuyển của chân lên nữa không? Câu trả lời là có.

Chúng ta cùng tiếp tục suy luận. Chúng ta có thể chia đôi khoảng thời gian giữa "AND" và 2 không ? Câu trả lời lại là có, và đó chính là "A", "A" là điểm giữa của "AND" và 2, nó có giá trị 1/4 phách nhạc. Vậy nếu vũ công biết "nén nhịp" để sau chuyển động của hông ở "AND" thêm 1/4 phách nhạc nữa mới bắt đầu di chuyển chân trái từ điểm A đến điểm B thì thời gian còn lại để thực hiện chuyển động này chỉ còn 1/4 phách nhạc ( nghĩa là 1,66 : 4 = 0,415 giây)

Tốc độ di chuyển chân của anh ta trong trường hợp này là : 0,6 : 0,415 = 1,445 m/giây.

So với tốc độ di chuyển ban đầu chúng ta thấy tốc độ di chuyển chân trong trường hợp cuối cùng tăng lên gấp 4 lần.Thời gian của một phách nhạc không thay đổi, quãng đường AB là cố định, và thời gian chỉ còn lại 1/4, do vậy mà tốc độ di chuyển chân phải tăng lên 4 lần. Và để đạt chuyển động nhanh này chúng ta phải sử dụng cách đếm "1 & a 2". Đây thực sự là chuyển động "tạo ra ấn tượng" như Walter Laird đã nói tới.