Vẫn biết, các nhà quản lý khi đưa ra quy định này nhằm siết chặt các hoạt động ăn chơi trụy lạc, tránh những ảnh hưởng xấu tới xã hội. Nhưng nếu chỉ vì thế mà cấm tất cả các hoạt động khiêu vũ tại nhà hàng karaoke thì có phần hơi cảm tính. Không thể đánh đồng mọi hoạt động khiêu vũ trong quán karaoke đều là xấu, là vi phạm thuần phong mỹ tục. Bên cạnh đó, không phải khiêu vũ là một hành vi xấu, thực tế hoạt động vũ trường vẫn cho phép khiêu vũ tại vũ trường.
Như vậy là khiêu vũ không phải là hành vi bị cấm, vậy tại sao lại cấm khiêu vũ khi hát. Đặt vấn đề ngược lại, nếu khiêu vũ ở vũ trường thì người khiêu vũ có được hát hay không? Không những thế, quy định này còn không khả thi vì trên thực tế, khi cao hứng, người hát có thể đứng lên vừa múa vừa hát theo tiếng nhạc.
Trả lời báo chí về vấn đề này, một nhà quản lý văn hóa đã giải thích rằng: “Chỉ cấm khiêu vũ thôi, chứ không cấm nhún nhảy theo điệu nhạc”, vậy thì thế nào là “khiêu vũ”, thế nào là “nhún nhảy” và thế nào là “lắc lư theo tiếng nhạc” cũng chưa được định nghĩa một cách cụ thể trong dự thảo. Hơn nữa, để quản lý việc này, sẽ gây khó khăn cho các cơ quan thanh tra kiểm tra bởi, rất có thể khi đang “khiêu vũ” thấy có đoàn thanh tra, người vi phạm lại ngồi xuống và cầm micro hát thì sao?
Trong chương về hoạt động vũ trường, dự thảo cũng quy định, phòng khiêu vũ âm thanh phải đảm bảo chất lượng, còn người khiêu vũ phải ăn mặc lịch sự, nhưng lại không định nghĩa thế nào là “âm thanh đủ chất lượng”, thế nào là “ăn mặc lịch sự”? Liệu khi đi khiêu vũ có phải mặc cổ cồn, cavát hay không? Chẳng lẽ cứ diện nguyên thời trang công sở đi chơi? Và nếu cứ giữ nguyên điều khoản này, rất có thể, các nhà quản lý lại phải thêm một văn bản nữa quy định về việc cổ áo trễ đến đâu là lịch sự và váy ngắn đến đâu thì vừa.