Tác giả: Vatly.
Trong VW, một số figure của SW và Tango thì kết hợp chuyển động quay với chuyển động tịnh tiến là một vấn đề rất quan trọng, trừ quay tại chỗ (các figure Flecker) trong VW không có chuyển động tịnh tiến (chuyển động thẳng) của cặp nhảy. Với các figure Double Reverse Spin, Fallaway Reverse and Slip Pivot, các bước Pivot liên tục (trong SW và Tango), việc kết hợp này rất khó nếu như không có phân tích chi tiết.

Trong các Figure nói trên và các Figure Natural Turn, Reverse Turn của VW, tâm của cặp nhảy sẽ chuyển động tịnh tiến và cặp nhảy xoay quanh cái tâm đó - hoặc là thay nhau làm tâm (Double Reverse Spin). Nếu vì một lý do gì đó mà không giữ được mô men quán tính khi quay (đà quay) mà chỉ còn chuyển động tịnh tiến thì hoặc là cặp nhảy không thể hoàn thành Figure được, hoặc là cố gắng hoàn thành thì kết quả rất thảm hại - cái này gọi là chuyển động bị gẫy. Muốn nối lại thì lại phải tăng lực đẩy nên sẽ rất mệt. Như vậy vấn đề quan trọng nhất là giữ được mô men - hay nói cách khác là đà quay, giảm được ma sát với sàn khi quay.

Để giảm ma sát với sàn thì lập tức thấy ngay là các kỹ thuật quay trên gót, quay trên mũi chân rất cần thiết. Quay trên mũi chân thì dễ, quay trên gót thì khó hơn.

Điều quan trọng là khi lùi, phải vừa quay vừa lùi hoặc "xoay trước bước sau" - chính là CBM. Việc lùi phải truyền được lực đẩy chân trụ từ chân lên vai, nếu lùi "phần mềm để ngồi" - lực chỉ đến hông (bàn toạ đi, vai ở lại với bạn nhảy) - thì không còn CBM và như vậy bạn nhảy sẽ phải phanh lại để hai người khỏi va "bốp một cái" vào nhau hoặc rời nhau ra. Và lúc phanh lúc đẩy thì "hết hơi" là cái chắc. Và lúc đó gọi là sự lủng củng xảy ra, nếu cặp nhảy không có tiếp xúc ở phần giữa body thì sẽ thấy khoảng cách hai người lúc gần lúc xa, mô men quay (đà quay) lúc lớn lúc nhỏ nên để duy trì sẽ mệt.

Vậy tập luyện làm sao? với các Figure nói trên thì dễ trừ các Figure Double Reverse Spin, Fallaway Reverse and Slip Pivot, các bước Pivot liên tục (trong SW và Tango). Lúc tập phải chú ý khung vai, phải duy trì khung vai luôn có chuyển động quay, cách đặt bàn chân phải tạo được lực xoắn để có thêm lực ở cổ chân bổ trợ. Đặt bàn chân không thích hợp thì chính cổ chân sẽ cản trở (giảm) đà quay. Rõ nhất là có thể xem cách đặt bàn chân của nữ ở bước thứ 3 trong Figure Fallaway Reverse and Slip Pivot của SW và Tango. Tận dụng đà quay tốt thì sẽ làm được And Pivot trong Figure Double Reverse Spin And Slip Pivot. Còn không thì chỉ đạt được Double Reverse Spin (thế cũng đã khá lắm rồi). Nếu giỏi nữa về giữ đà quay và phanh hãm thì sau Double Reverse Spin And Slip Pivot có thể làm luôn Left Whick và sau đó quay ngược lại với Twist Turn (mình lần đầu xem đĩa thấy việc gắn các figure này với nhau đã toát mồ hôi, giật mình).

Những người giữ đà quay tốt họ có thể thực hiện bộ 4 Figure: Fallaway Reverse and Slip Pivot + Double Reverse Spin and Slip Pivot + Left Whick + Twist Turn. Phải nói rằng đây là tổ hợp trình độ C của Nga - đẳng cấp Master về dancing.

Kết luận: CBM và giữ được mô men quay (đà quay) là cực kỳ quan trọng cho việc nâng cao trình độ (nói theo kiểu chấm điểm) - tạo sự bay lượn, lướt trên sàn (nói theo quan điểm thưởng thức của cả người nhảy lẫn người xem).

Trong quá trình nhảy, nếu cổ chân chưa được tập nhiều thì bước ngắn (độ dài bước của nam phải tuỳ theo độ dài bước chân nữ), hoặc lúc bắt đầu quay (VW) thì do chưa có đà, nên bước ngắn - nhưng phải giữ được đà quay là điều bắt buộc. Khi có đà quay rồi thì tăng dần độ dài bước (đến độ dài nào tuỳ theo mức độ tập luyện của nữ và còn kiểm soát được) - và rất quan trọng là phải Control được quá trình chuyển động, đừng lấy mỗi độ dài bước làm thước đo trình độ khiêu vũ - một điều mà đại đa số dân khiêu vũ thể thao của Việt Nam mắc vào, thậm chí còn hạ thấp người xuống để "trườn" đi cho bước thật dài (thế cho nên các Figure kia họ làm một mình đã khó, làm theo cặp thì là không thể và do vậy họ chỉ tìm cách xoay để đổ tạo dáng). Độ dài bước nên được quyết định bằng lực đẩy của cổ chân và sức rướn của thân, tất nhiên nam giới nên lấy độ dài bước của các madam làm cữ, nữ thì nên lợi dụng hợp lý lực dẫn của nam để dài bước ra một cách tự nhiên thoải mái.

Và xin nói thêm là trong khiêu vũ, người có kỹ thuật tốt thường bị thiệt thòi hơn người có kỹ thuật không tốt bằng: Đầu gối người kém bao giờ cũng cứng hơn đầu gối người có kỹ thuật khá. Và kết quả ai đau hơn khi 2 đầu gối va nhau thế nào thì ai cũng đoán ra.

Theo dancesport.vn