Làm thế nào các thiên tài cho ra đời những phát minh? Đâu là mối liên hệ giữa hai lối suy nghĩ, một đã tạo ra Mona Lisa với một đã phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn? Chúng ta học được gì từ cách thức suy nghĩ của những Galileo, Edison và Mozart trong lịch sử?
Trong nhiều năm, những học giả đã cố gắng nghiên cứu các thiên tài bằng phương pháp phân tích thống kê. Năm 1904, Havelock Ellis nhận thấy hầu hết các thiên tài đều sinh ra khi người cha trên 30 tuổi, mẹ dưới 25 và thường đau ốm khi còn bé. Những công trình nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng nhiều thiên tài sống độc thân (như Descartes), mồ côi cha (như Dickens) hay mồ côi mẹ (Darwin). Cuối cùng, những dữ liệu trên cũng không nói lên được điều gì.
Các nhà nghiên cứu cũng cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa trí thông minh và thiên tài Nhưng họ nhận thấy rằng những nhà vật lý học bình thường lại có chỉ số là cao hơn nhiều so với những người đoạt giải Nobel và cả thiên tài phi thường Richard Feynman, người có chỉ số là kha khá: 122. Thiên tài không phải là người thông thạo 14 thứ tiếng lúc mới 7 tuổi hay thậm chí thông minh một cách đặt biệt. Năng lực sáng tạo không đồng nghĩa với trí thông minh.
Hầu hết những người có trí tuệ trung bình có thể đưa ra những phương án thông thường để giải quyết vấn đề. Thí dụ, khi được hỏi " Một nửa của 13 là gì?" thì đa số chúng ta ngay lập tức sẽ trả lời là 6,5. Lý do là chúng ta luôn có khuynh hướng nghĩ đến những điều đã có sẵn. Khi phải đối diện với một vấn đề, chúng ta xét lại những gì chúng ta đã được dạy và những gì có hiệu quả trong quá khứ, lựa chọn cái gì gần đúng nhất với hoàn cảnh hiện tại và dùng nó để giải quyết vấn đề.
Những thiên tài, ngược lại, suy nghĩ theo những hướng khác nhau. Họ tự hỏi: "Có bao nhiêu cách khác nhau để tôi nhìn nhận vấn đề?" và "Có bao nhiêu cách để tôi giải quyết nó?".
Dấu hiệu của những thiên tài là sự sẵn sàng khám phá tất cả những khả năng có thể xảy ra chứ không phải cách giải quyết thông dụng nhất. Suy nghĩ thông thường đưa đến sự cứng nhắc. Đó là lý do vì sao chúng ta thường thất bại khi phải đối mặt với những vấn đề mới mà ban đầu chúng có vẻ gần với những gì chúng ta đã giải quyết được nhưng trên thực tế lại khác xa. Nắm bắt một vấn đề bằng những kinh nghiệm của bạn trong quá khứ sẽ đương nhiên đưa bạn đi theo lối mòn. Nếu bạn suy nghĩ theo tối mòn, bạn chỉ nhận được những gì bạn đã có.
Trong nhiều thế kỷ, người Thụy Sĩ thống trị ngành công nghiệp đồng hồ. Nhưng vào năm 1968, khi một nhà phát minh người Mỹ giới thiệu một chiếc đồng hồ chạy pin tại Đại hội đồng hồ thế giới (World Watch Congress), tất cả các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đều bác bỏ nó bởi cho rằng nó không phù hợp với mẫu mã vốn có của họ. Trong khi đó, Seiko, một công ty điện tử Nhật Bản đã quan tâm đến phát minh mới này và thành công trong việc thay đổi tương lai của thị trường đồng hồ thế giới. Bằng việc nghiên cứu sách vở, sự phù hợp và các cuộc trò chuyện với những nhân vật nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và công nghiệp, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những cách thức suy nghĩ sau có thể thay đổi những ý tưởng thông thường theo hướng thiên tài.
1- Thiên tài luôn nhìn nhận vấn đề từ mọi góc độ:
Phương pháp phân tích của Sigmund Freud là tìm ra những chi tiết không theo các phương thức truyền thống để đến gần hơn với những cách nhìn hoàn toàn mới. Để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, bạn phải từ bỏ ngay phương pháp trước tiên xuất hiện trong đầu bạn - cái thường bắt nguồn từ kinh nghiệm trong quá khứ - và nhìn nhận lại vấn đề. Thiên tài không đơn thuần chỉ giải quyết những vấn đề sẵn có, họ còn tìm ra những cái mới.
2- Thiên tài làm cho những suy nghĩ của mình trở nên hữu hình:
Thiên tài phát triển những khả năng về thị giác và không gian cho phép họ trình bày thông tin theo những cách mới. Cuộc bùng nổ năng lực sáng tạo trong thời kỳ Phục Hưng đã gắn liền với sự phát triển của đồ thị minh hoạ suốt thời gian này, đáng chú ý có biểu đồ khoa học của Leonardo da Vinci và Galileo Galileo. Galileo cải cách khoa học bằng cách làm cho những ý tưởng của ông rõ ràng, sinh động nhờ biểu đồ trong khi người đương thời sử dụng những phương tiện thông thường hơn.
3- Thiên tài luôn làm việc
Thomas Edison có 1093 phát minh, đó vẫn đang là một kỷ lục: Ông đảm bảo năng suất làm việc cao bằng cách đặt ra cho mình những chỉ tiêu phải đạt được: một phát minh nhỏ mỗi mười ngày và một phát minh lớn mỗi sáu tháng. Johann Sebastian Bach viết một bản nhạc mỗi tuần ngay cả khi ông ốm đau hay mệt mỏi. Wolfgang Mozart đã viết hơn 600 bài nhạc.
4- Thiên tài có những sự kết hợp mới lạ
Giống như những đứa trẻ say mê với khối hộp xếp, các thiên tài luôn kết hợp và phối hợp lại những ý tưởng, hình ảnh và suy nghĩ. Định luật di truyền đã được phát hiện nhờ Gregor Mendel, người đã kết hợp môn toán và sinh học để sáng tạo ra một tri thức mới cho ngành di truyền học.
5- Thiên tài thúc đẩy những mối quan hệ
Khả năng phi thường của họ khi kết nối những thứ có vẻ như không hề liên hệ với nhau giúp họ nhìn thấy những điều mà người khác bỏ sót. Da Vinci nhận ra sự giống nhau giữa tiếng chuông và hòn đá rơi xuống mặt nước và kết luận rằng âm thanh truyền đi theo dạng sóng.
6- Thiên tài chuẩn bị mình cho những cơ hội
Bất kỳ khi nào chúng ta cố gắng làm một điều gì đó và thất bại, chúng ta từ bỏ mục đích của mình. Đó là nguyên tắc đầu tiên của những khó khăn trong sáng tạo. Chúng ta có thể tự hỏi vì sao chúng ta thất bại trong những dự định của mình, một câu hỏi hợp lý. Nhưng những khó khăn trong sáng tạo đưa đến cậu hỏi: Chúng ta đã làm gì? Trả lời nó bằng cách mới và gây bất ngờ cũng chính là một hành động mang tính sáng tạo chủ yểu Đó không phải là may mắn, nhưng là trình độ cao nhất của sự hiểu biết sâu sắc năng lực sáng tạo.
Đây có lẽ là bài học quan trọng nhất: Khi bạn thấy điều gì đó hấp dẫn, dừng mọi việc lại và bắt tay vào làm nó. Rất nhiều người có khả năng đã thất bại trong việc nâng cao năng lực sáng tạo bởi họ quá gắn bó với những tư tưởng cố hữu của mình. Những thứ đó không phải là những ý tưởng thực sự có ích. Những thiên tài không chờ đợi cơ hội, họ tự tạo ra chúng.